Tuyển công chức Nam Định: Trọng bằng cấp nhưng cần...

27/10/2011 14:38
Nguyễn Hoàng (Thực hiện)
(GDVN) - Các GS, PGS nêu ra các vấn đề ở những góc nhìn khác nhau, nhưng đều có chung một điểm là Nam Định nên tạo ra một sân chơi công bằng.

GS.Phan Huy Lê: Cần kiểm tra đối tượng dự tuyển, không kiểm tra bằng

Ở nước nào thì cũng coi trọng bằng cấp, vì cái đó phản ánh trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, người ta làm một cách nghiêm túc từ chuyện đào tạo, cấp bằng.

Và khi họ tổ chức thi tuyển thì luôn có vòng thi vấn đáp, mà tôi cho rằng điều đó là cần thiết, nó sẽ cho thấy khả năng thực sự của những ai chịu khó học tập và nghiên cứu.

GS Sử học Phan Huy Lê
GS Sử học Phan Huy Lê

Vì vậy, theo tôi là cần phải kiểm tra đối tượng dự tuyển, đấy mới chính là mục tiêu. Là một “nhà tuyển dụng” thì cần phải tìm ra biện pháp tuyển thế nào đó để tránh nhận phải những người có bằng nhưng năng lực kém, tôi cho rằng không quá khó để làm được điều đó, nhất là khi lại tuyển công chức cấp tỉnh.

Ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều có các hệ đào tạo khác nhau, các trường khác nhau cũng dạy chuyên ngành ấy và Việt Nam cũng vậy, điều đó thì cần phải tôn trọng, chứ không nên phân biệt công lập hay dân lập.

Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào người tổ chức thực hiện, họ phải có mục tiêu trong sáng và có trí tuệ - tức là phải nghĩ được cách tuyển dụng mà không bỏ lọt nhân tài, đồng thời loại ra những người chỉ có hư danh – trình độ không tương xứng với tấm bằng được cấp.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Tổ chức một kỳ thi công bằng là lý tưởng nhất

Vấn đề Nam Định có vi phạm quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức hay không thì đã có các cơ quan có thẩm quyền xem xét và cho ý kiến giải quyết. Nhân sự việc cụ thể này, tôi muốn bàn đến hai vấn đề lớn hơn là chính sách cán bộ và chất lượng giáo dục đại học.  

Trước hết, nói về chính sách cán bộ. Tiêu chuẩn hoá cán bộ là đúng nhưng chỉ dựa vào bằng cấp là không đúng. Có lần, tôi đã nói trên Báo Giáo dục Việt Nam là không nên thay thế “chủ nghĩa lý lịch” bằng “chủ nghĩa bằng cấp”.

Trên thực tế, nhiều cán bộ lãnh đạo, nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động văn hoá hàng đầu, nhiều nhà kinh doanh v.v… tuy không có điều kiện học cao nhưng do chịu khó học hỏi, rèn luyện trong đời sống, cộng với những tố chất nhất định của bản thân đã trở thành những người thành đạt, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chung.

Điều chúng ta cần là tuyển chọn được những người có năng lực thực sự chứ không phải chỉ có cái bằng. Vì vậy, tôi cho rằng, tổ chức một kỳ thi công bằng là lý tưởng nhất. Nhưng để có một kỳ thi công bằng thì phải kiểm soát được chất lượng của các vòng thi, đảm bảo rằng những người không có năng lực sẽ không thể lọt qua hết các vòng tuyển dụng bằng một mối quan hệ nào đó.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết -nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết -nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết
Thứ hai, nói về chất lượng giáo dục đại học. Việc Nam Định chỉ tuyển dụng người tốt nghiệp các trường ngoài công lập vào vị trí công chức xã cũng như việc Đà Nẵng trước đây “nói không” với bằng tại chức là tiếng chuông cảnh báo đối với các trường.

Tôi tin là ngoài hai địa phương có văn bản hướng dẫn chính thức như trên, chắc còn nhiều tỉnh thành, nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện những chủ trương tương tự trên thực tế.

Đó là sự điều chỉnh của xã hội đối với các trường. Nếu các trường không tự thay đổi mình, không xây dựng được “thương hiệu” của mình thì sẽ rất khó tồn tại. Bởi vậy, thay vì phản ứng với những quyết định khó tính của nhà tuyển dụng, các trường hãy chứng minh năng lực của mình. Trước hết là tuyển sinh có chất lượng cao hơn, đảm bảo điều kiện đào tạo, nội dung và phương pháp đào tạo tốt hơn. Như vậy mới mong thay đổi được cái nhìn của xã hội.

PGS. Văn Như Cương: “Không nên vơ đũa cả nắm”

Bệnh bằng cấp hay chủ nghĩa bằng cấp đều là nguy hiểm trong chính sách cán bộ. Nay lại còn phân bằng cấp thành các loại như công lập, chính quy, từ xa, tại chức, dân lập, tư thục… thì chủ nghĩa đó đã trở thành rất cực đoan.
Không nên vơ đũa cả nắm để mà cho rằng hệ ngoài công lập đều có chất lượng kém. Tôi biết có nhiều trường như Đại học Thăng Long, Đại học FPT, Đại học Quản trị Kinh doanh… đều có chất lượng mà nhiều ĐH công lập phải thua.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh
Trong khi nhiều trường công lập xuất hiện đồng loạt những năm gần đây bằng cách nâng cấp một trường Cao đẳng nào đó để phong cho nó thành Đại học đa ngành. Chắc chắn rằng, đội ngũ thầy giáo ở các trường như vậy dẫu có bổ sung thêm một số cũng chẳng thóat ra khỏi cảnh “cơm chấm cơm” như người ta thường nói.

Cố nhiên nếu tỉnh nào cũng làm như Nam Định thì cái chủ trương hệ ngoài công lập thu hút được 40% sinh viên sẽ hoàn toàn phá sản, và cái tỉ lệ 300 sinh viên trên một vạn dân cũng phá sản luôn. Nguy hiểm là ở chỗ đó.

GS.Đào Trọng Thi: Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục cần có ý kiến về vấn đề này!

Luật Giáo dục không phân biệt bằng cấp của các trường đại học công lập và ngoài công lập.

Vì vậy, UBND tỉnh Nam Định với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước mà lại ban hành một văn bản mang tính chất định kiến như vậy là trái với tinh thần của luật pháp, đồng thời làm chậm lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, đó là còn chưa kể chúng ta chưa hề có căn cứ xác đáng để đánh giá khả năng của đối tượng tuyển dụng.

GS Đào Trọng Thi -Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
GS Đào Trọng Thi -Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
Thực tế, mặt bằng chung thì giáo dục công lập đang có lợi thế hơn ngoài công lập, vì hệ công lập có lợi thế truyền thống cùng với sự bao cấp của Nhà nước. Tuy nhiên, khi xét tới những trường hợp cụ thể thì không nên đánh đồng như vậy, cách làm này của Nam Định sẽ bỏ lọt người tài.

Ngoài ra, cách làm này của Nam Định cũng thể hiện rằng việc tuyển dụng người lao động vẫn đang nặng về bằng cấp, mà những người có bằng cấp ấy cũng chưa chắc đã học hành đàng hoàng và xứng đáng với tấm bằng họ đã sở hữu.

Nam Định là địa phương thứ hai tuyển dụng cán bộ công chức mà không nhận hồ sơ từ hệ ngoài công lập và Bộ Nội vụ, Bộ GT-ĐT cần có ý kiến, còn nếu tiếp tục xảy ra những chuyện như vậy thì có lẽ Quốc hội sẽ vào cuộc.
Nguyễn Hoàng (Thực hiện)