Ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, đào tạo ngành xây dựng

20/12/2020 06:33
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, đào tạo cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngày 19/12, Ban chuẩn bị Dự án phát triển khu đô thị - Đại học Đà Nẵng phối hợp cùng trung tâm phát triển phần mềm – Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo: “bồi dưỡng kiến thức về BIM – Số hóa ngành xây dựng”.

Ký kết hợp tác đào tạo giữa Trung tâm phát triển phần mềm – Đại học Đà Nẵng và Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng). Ảnh: TN

Ký kết hợp tác đào tạo giữa Trung tâm phát triển phần mềm – Đại học Đà Nẵng và Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng). Ảnh: TN

Theo đó, việc ứng dụng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động giáo dục tại các Trường Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng sẽ nâng cao chất lượng đào tạo.

Qua đó, góp phần triển khai chiến lược đào tạo theo hướng ứng dụng của các trường thành viên gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp.

Ông Trương Quốc Bình, chuyên gia về BIM chia sẻ, là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình.

Nó có vai trò cực kỳ quan trong trọng việc xây dựng các công trình cũng như việc quản lý, giám sát các công trình đó sau khi đưa vào vận hành, khai thác.

Việc hiểu, nắm rõ về BIM sẽ giúp cho các chuyên gia, giảng viên có thêm nhiều kiến thức về công nghệ này để phục vụ cho việc giảng dạy và tạo lập dự án.

Tiến sĩ Đoàn Anh Tuấn – Trưởng ban Chuẩn bị Dự án Phát triển Khu đô thị Đại học Đà Nẵng cho biết, với chủ trương chung của nhà nước cũng như kế hoạch chuyển đổi số ngành xây dựng thì đây là một chiến lược đúng đắn để ứng dụng công nghệ trong giám sát, xây dựng trong việc xây dựng các tòa nhà. Do đó, công nghệ BIM sẽ đưa vào vận hành, thiết kế và quản lý tòa nhà tại Đại học Đà Nẵng.

Các chuyên gia đã chỉ rõ sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực.

Đó là quá trình con người thay đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất với các công nghệ số. Do đó, đối với ngành xây dựng thì việc ứng dụng công nghệ số càng trở nên cấp thiết.

Điển hình như việc xây dựng đô thị thông minh, quản lý và quy hoạch đô thị, tìm kiếm, tra cứu và thống kê đất đai...

Tại hội thảo lần này, Trung tâm phát triển phần mềm – Đại học Đà Nẵng và Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu, cấp chứng chỉ quốc tế Autodesk.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ quốc tế phù hợp với điều kiện nhu cầu, năng lực, mục tiêu đào tạo của hai đơn vị.

Cụ thể, Trung tâm phát triển phần mềm sẽ đào tạo các phần mềm chuyên ngành xây dựng theo yêu cầu của Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp. Tổ chức các kỳ thi để cấp chứng chỉ Autodesk.

Trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu khoa học thì hai bên phối hợp tổ chức các nghiên cứu về công nghệ BIM trong xây dựng.

Dự kiến việc mở lớp sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để thuận tiện cho đội ngũ sinh viên, giảng viên học tập.

AN NGUYÊN