Vì sao độc giả ủng hộ sự “phá cách” của TS Lê Thẩm Dương?

15/03/2012 06:00
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - “Chúng ta phải làm đúng tư cách của một người thầy giáo ở bục giảng, nhất là đối với các em sinh viên, những người đã trưởng thành”.

Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội giáo chức VN, Chủ tịch Hội KH Tâm lí giáo dục, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ quan điểm như vậy. GS Hạc cho biết, với thái độ của TS Lê Thẩm Dương như vậy các đồng nghiệp, bạn bè và cả những người đương nhiệm trong ngành giáo dục cũng khó chấp nhận.
PV: Giáo sư có suy nghĩ gì về phẩm chất, năng lực, đạo đức của nhà giáo hiện nay, nhất là các  giảng viên đại học?
GS Phạm Minh Hạc:  Phẩm chất nhà giáo đã quy định trong các văn bản có liên quan, luật giáo dục, dự thảo luật giáo dục đại học và Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành văn bản về vấn đề này. Hầu hết tôi thấy đại đa số anh chị em giáo viên đều cố gắng thực hiện theo tinh thần các văn bản đó.
Điều quan trọng hơn là những người đang đứng bục giảng luôn luôn có ý thức lương tâm nghề nghiệp, hầu hết được học sinh, phụ huynh, cộng đồng ở nơi trường đóng quý mến. Tôi nghĩ rằng, đội ngũ các nhà giáo hiện nay cũng như trước đây tham gia Hội giáo chức xứng đáng với  niềm tin của đại đa số nhân dân, xã hội.

GS Phạm Minh Hạc phản cho rằng, những lời lẽ mà TS Dương dùng trong khi giảng không thích hợp với môi trường sư phạm. Ảnh Xuân Trung
GS Phạm Minh Hạc phản cho rằng, những lời lẽ mà TS Dương dùng trong khi giảng không thích hợp với môi trường sư phạm. Ảnh Xuân Trung

Nhưng rất tiếc gần đây, nhất là mấy năm qua khi kinh tế có hơn trước, điều kiện giảng dạy cải thiện tốt hơn đã đem lại cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhiều thời bao cấp, các nhà giáo cũng được hưởng thành quả đó. Xã hôi, phụ huynh vẫn hết sức chăm lo cho giáo dục, nhưng người ta vẫn nói con sâu làm rầu nồi canh, nhất là những “con sâu” bị vạch trần trên báo chí thì đó là hiện tượng đáng buồn, tôi cũng rất buồn, kể cả những người bạn của tôi cũng thấy xấu hổ, nhất là giờ trên bục giảng lại có giảng viên nếu nói dân giã là tục tĩu, dùng những lời nói mà  không bao giờ trong bài giảng có thể có được thì điều đó rất đáng lên án.
Trước đây cũng có khi phải nói chuyện đầu tóc, quần áo, giày dép của thầy cô giáo làm sao cho xứng đáng trước khi lên lớp, thậm chí có quy định không đi dép lê, không đi dép quai hậu… đấy là bề ngoài. Nhưng giờ lại có lời nói trong bài mà phần không có trong bài giảng lại lợi dụng những lời không phải của một người thầy, hay nói đúng hơn không xứng đáng để một người thầy giáo ở một trường đại học đứng trên bục giảng. 
Tôi nghĩ các nhà giáo làm nhiệm vụ quản lí , lãnh đạo các đơn vị đó phải xem xét. Trước mắt những người có lời ăn tiếng nói trên bục giảng mà không đứng đắn phải bị cảnh cáo và có lời hứa bằng văn bản và bằng lời rằng, những hiện tượng đó sẽ không lặp lại. Nếu lời hứa đó không được thực hiện nghiêm chỉnh sẽ phải có hình thức kỷ luật cao hơn. Lời nói của thầy giáo trên giảng đường là hết sức quan trọng, phải đầy uy tín, chẳng những về khoa học mà còn về đạo đức, đó là tuyệt đối và điều đó là sơ đẳng. Phải giữ được mức chuẩn mực của người thầy giáo.
Tôi có thái độ như vậy, tôi nghĩ kể cả đồng nghiệp và những người đương nhiệm cũng suy nghĩ như vậy.

Vì sao độc giả thích sự “phá cách” của TS Dương?

PV: Được biết, theo như lí giải việc giảng bài “phá cách” như vậy sinh viên sẽ cảm thấy thoải mái hơn, dễ hiểu hơn. Giáo sư nghĩ sao về ý kiến này? 

GS Phạm Minh Hạc:  Tôi cũng có xem clip này, nhưng thực sự tôi không có lời phê bình hay chỉ trích trực tiếp người giảng viên này. Nếu tôi có điều kiện trực tiếp gặp gỡ sẽ có trao đổi đôi lời, nhưng qua Báo Giáo dục Việt Nam, tôi chỉ muốn nói, bài giảng phải có tính khoa học, tính sư phạm và hấp dẫn sinh viên. Bài giảng hay, gây hứng thú cho người học thì tuyệt vời.
Nhưng bên cạnh đó chúng ta có biết có bao nhiêu cách để hấp dẫn bài giảng trên bục giảng? Không thể nào đem chuyện của một nhóm người nào đó trong  một dịp vui nào đó, trong một phạm vi rất thân mật, riêng tư mà đem những lời lẽ đó lên bục giảng. Điều đó không thể chấp nhận được.
Tôi thấy lời nói còn quan trọng hơn rất nhiều so với  chuyện quần áo của người giáo viên. Đó là một công cụ quan trọng và đắc hiệu nếu người thầy biết sử dụng nó sẽ gây hứng thú cho sinh viên với nội dung khoa học chính xác. Chúng ta phải biết trân trọng và sử dụng công cụ đó một cách hiệu quả, không thể đi ra ngoài phạm vi của một bài giảng.
Chúng ta phải làm đúng tư cách của một người thầy giáo ở bục giảng, nhất là đối với các em sinh viên, những người đã trưởng thành.

PV: Theo một thăm dò ý kiến của độc giả Báo Giáo dục Việt Nam, phần lớn độc giả lại ủng hộ sự “phá cách” của TS Lê Thẩm Dương trong khi giảng bài. Giáo sư có chia sẻ về hiện tượng này? 

GS Phạm Minh Hạc: Tôi cho rằng trong những sinh viên nghe những lời “tục tĩu” đó, rất có thể có người thích thú, điều tra xã hội học phải rất tinh tế, cho nên kết quả của việc thăm dò đó đối với 1 clip ngắn và câu trả lời ngắn thì phải làm rất khéo léo.
Tôi nghĩ có thể có người thích thú vì tâm lí và tâm trạng của người nghe có thể khác nhau, chưa nói tới đạo đức xã hội ngày nay đang ngày phức tạp. Có thể phần nhiều người cho là hay nhưng cũng có phần nhiều người phản đối. Chúng tôi cũng đã có những công trình nghiên cứu xã hội học về giá trị của chính thanh niên ở lứa tuổi sinh viên thì thấy rằng, hệ giá trị lâu nay xã hội chúng ta tôn trọng lại đang bị đảo lộn.
TS Lê Thẩm Dương. Ảnh: Internet.
TS Lê Thẩm Dương. Ảnh: Internet.
Nhiều  người cho rằng đang ở tình trạng khủng hoảng, biểu hiện của khủng hoảng này là trong thanh niên, sinh viên có một bộ phận mất định hướng giá trị, không biết phân biệt đúng sai và không biết theo hướng giá trị nào. Đối với họ chỉ có những cái gì thiển cận nhất hay còn gọi là thực dụng cho cuộc sống ngày hôm nay, cho cuộc sống ngày mai có tiền tài. Chỗ này đang bị đảo lộn.
Bên cạnh đó các văn kiện của Đảng cũng đã nêu đạo đức xã hội đang là một tình hình phức tạp. Cũng trong báo cáo tổng kết bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991 trình ra Đại hội 11, cũng đã nói có những vấn đề phức tạp trong giá trị nhân cách mà các nhà lãnh đạo, các cơ quan quản lí có sự lúng túng trong giải quyết.
Đạo đức xã hội trong báo cáo chính trị cũng nói rõ, chúng ta chỉ có thể giải thích tình hình có những người hưởng ứng những hành vi sai trái, đấy là vấn đề của giáo dục. Rất tiếc trong nhiều nhà trường, nhất là các trường đại học rất ít chú ý vấn đề giáo dục đạo đức, vì đã coi làm tăng ở bậc phổ thông, họ chỉ chú ý trên lớp, dạy các môn Bộ Giáo dục cho phép. Tình hình này các cơ quan quản lí giáo dục của nhà nước, các cấp nhất là ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là trong các trường đại học, nhất là đại học tư thục phải xem xét lại.
Hiện nay có trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) làm rất tốt vấn đề giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức. Không hiểu, nếu mình đem clip này chiếu ở trường đó thì phản ứng thế nào?
Chúng tôi là người nghiên cứu về tâm lí học, giáo dục học, trong các hiện tượng xã hội những người tốt lại không nói gì, mà những người ngược lại họ nói tất cả mọi điều, đấy là một hiện tượng.
Vấn đề giáo dục đạo đức xã hội, đạo đức của người sinh viên  -tri thức trẻ, mà tri thức trẻ không có đạo đức tốt, không có tâm hồn dân tộc, trong sáng thì làm sao xứng đáng để ra nhập được với đội ngũ tri thức của nước nhà? Trong đội ngũ tri thức có những người là “hiền tài”, đó là một vấn đề của đại vấn đề. Các nhà lãnh đạo từ trung ương tới những người quản lí ở địa phương và cả trong ngành giáo dục phải xem xét để với cha ông.

PV: Vậy, làm thế nào để tăng tính phản biện của sinh viên với giảng viên, thưa Giáo sư?

GS Phạm Minh Hạc:  Tôi nghĩ không thể để người học đánh giá thầy giáo được, trước hết người thầy giáo với đội ngũ của mình, với tập thể của mình phải biết mình và phải biết tôi luyện, biết rèn luyện đạo đức và hoàn thiện nhân cách của mình. Không thể để đối tượng là học sinh, sinh viên công khai nhận xét về mình, quan hệ thầy trò rất phức tạp.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Xuân Trung (thực hiện)