Vì sao giáo viên bị choáng trước các yêu cầu đổi mới của Bộ?

14/11/2016 08:26
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - "Một nguyên nhân đó là việc giáo viên bị choáng ngợp, theo không nổi trước nhiều yêu cầu đổi mới, cải tiến của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong thời gian gần đây"..

LTS: Hiện tượng giáo viên chán việc, thiếu động lực trong giảng dạy tồn tại từ lâu trong ngành Giáo dục là một lực cản cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, cần thiết phải thay đổi.

Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã có cái nhìn thấu đáo về hiện tượng này.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý bạn đọc.

Lương thấp, áp lực nhiều      

Theo kết quả khảo sát của tiến sĩ Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, hiện giáo viên đang chịu quá nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến động lực làm việc của họ, cụ thể:

“86,6% giáo viên cho rằng công việc sổ sách, giấy tờ quá nhiều; 78% giáo viên cho rằng yếu tố thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống ảnh hưởng nhiều đến công việc;

 66,3% nói việc chưa có chính sách khuyến khích đối với giáo viên tâm huyết, có năng lực cũng là vấn đề họ băn khoăn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy…”.

Khi được hỏi, nhiều giáo viên không có động lực phấn đấu để có được môi trường làm việc tốt hơn, được tăng lương, được thăng quan tiến chức…Vậy căn nguyên là do đâu?

Lương thấp được xem là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên chán dạy (ảnh minh họa từ giaoduc.net.vn).
Lương thấp được xem là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên chán dạy (ảnh minh họa từ giaoduc.net.vn).

Nguyên nhân được chỉ ra, vì trong ngành giáo dục cũng như nhiều ngành nghề khác của Nhà nước, dường như giáo viên có vào mà không có ra.

Giáo viên đi dạy không cạnh tranh, không có sa thải, cho dù người đó làm không được, dạy không xong.

Người làm việc tâm huyết, nhiệt tình, hiệu quả cũng cứ 3 năm đến hẹn lại lên lương.

Người cứ tà tà làm việc, thiếu nhiệt tình, hiệu quả thấp cũng cứ 3 năm đến hẹn lại lên lương.

Hơn nữa, chế độ thi đua, khen thưởng chậm cải tiến, giáo viên đạt thành tích xuất sắc được nâng lương thưởng mấy trăm ngàn đồng.

Điều này chẳng khác là mấy so với giáo viên không phấn đấu nên ít có tác dụng thúc đẩy, khuyến khích giáo viên làm việc, cống hiến.

Lâu nay, ngành giáo dục, nhà trường luôn tồn tại một quy trình khép kín đó là cán bộ quản lý có lên mà không có xuống, chế độ biên chế nhà nước vĩnh viễn.

Thành thử, giáo viên làm việc nhiều năm không cần phấn đấu trong khi các giáo sinh tốt nghiệp ra trường có năng lực, giỏi giang thực sự cũng hiếm có cơ hội để khẳng định mình, được chỗ dạy...

Một số chuyên gia kinh tế từng đề xuất Nhà nước cần bãi bỏ hẳn chế độ biên chế chuyển sang hình thức hợp đồng đối với tất cả công chức, viên chức.

Ngành giáo dục cũng nên áp dụng điều này mới phát triển, thu hút được người tài.

Áp dụng bỏ chế độ biên chế trong giáo dục còn giảm bớt áp lực, gánh nặng về tài chính, kinh phí của nhà nước để nuôi một bộ máy quá cồng kềnh mà hiệu suất lao động thấp.

Một nguyên nhân nữa khiến giáo viên chán nghề đó là chế độ lương bổng dành cho đội ngũ giáo viên hiện nay còn quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Mang tiếng, giáo dục là quốc sách hàng đầu, lương của nhà giáo ở hạng bậc cao nhất, được tính chế độ phụ cấp đứng lớp từ 30 đến 70% nhưng vẫn còn thua kém xa nhiều lĩnh vực đặc thù khác.

Đã vậy, tính chất công việc lại chịu quá nhiều áp lực từ nhiều phía.

Nói về lương giáo viên, một nhà giáo dạy trước và sau năm 1975 đưa ra sự so sánh:

"Tôi tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 1972, lãnh lương 30.000 đồng/tháng, ở nhà tốt, tiện nghi đầy đủ song chỉ hết có 5.000 đồng, tức lương 5 phần thì tiêu hết 1.

Giáo viên bây giờ thì ngược lại, lương 1 phần nhưng cần đến 5 phần để trang trải cuộc sống".

Trong khi thu nhập thì thấp nhưng môi trường, xã hội có nhiều thay đổi làm giá trị trong đó hình ảnh của nhà giáo bị “mất giá” nặng nề, không được tôn trọng.

Những giá trị văn hóa truyền thống (tôn sư trọng đạo) bắt đầu bị phai nhạt, lung lay.

Tình cảm, quan hệ thầy trò không còn như xưa, số học sinh chưa ngoan, cá biệt, lười học gia tăng.

Trong khi đó phụ huynh thì hờ hững, khoán trắng cho nhà trường, giáo viên.

Không ít nhà giáo chán nản, xót xa và thiếu động lực, tâm huyết với nghề nghiệp trước môi trường, văn hóa đã, đang nảy sinh quá nhiều mặt trái, bất ổn hiện nay.

Đổi mới kiểu “hành xác”            

Còn một vấn đề nữa, giáo viên bị choáng ngợp, theo không nổi trước nhiều yêu cầu đổi mới, cải tiến của Bộ Giáo dục & Đào tạo trong thời gian gần đây.

Trước hết, ở bậc Tiểu học, từ năm học 2014 - 2015, có điều chỉnh lớn, đánh giá năng lực, kết quả học tập của học sinh bằng những lời nhận xét thay vì cho ghi điểm số cụ thể (Thông tư 30).

Sau hai năm thực hiện Thông tư này, kết quả không đạt như mong muốn, giáo viên luôn bị “hành xác” bởi các loại nhận xét, lời phê trong điều kiện sĩ số lớp học quá đông.

Mới đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo có điều chỉnh bằng Thông tư 22 để giảm bớt một phần sổ sách, ghi chép cho giáo viên, tuy nhiên nhiều giáo viên vẫn cảm thấy bị áp lực, cực nhọc.

Những cải cách như việc áp dụng VNEN được cho là nguyên nhân khiến giáo viên chán nản! (ảnh từ giaoduc.net.vn).
Những cải cách như việc áp dụng VNEN được cho là nguyên nhân khiến giáo viên chán nản! (ảnh từ giaoduc.net.vn).

Ở bậc Trung học Cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại nhiều trường trung học cơ sở trên cả nước.

Do cách làm nóng vội, máy móc, duy ý chí của Bộ và các địa phương, mô hình VNEN đã vấp phải phản đối gay gắt của phụ huynh học sinh và giáo viên nhiều nơi.

Công tác tổ chức thi Trung học Phổ thông quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng nhiều năm nay liên tục có những thay đổi, cải tiến, ảnh hưởng trực tiếp đến thầy, cô giáo.

Tập huấn, bồi dưỡng, hội họp, đổi mới… triền miên mà hiệu quả, chất lượng thì chưa đến đâu khiến đội ngũ giáo viên thiếu đi niềm tin vào những quyết sách, chỉ đạo của cấp trên.

Đỗ Tấn Ngọc