Vì sao nhiều phụ huynh không lo con trượt đại học?

05/07/2017 07:33
Phan Tuyết
(GDVN) - Chưa bao giờ học đại học lại dễ dàng như thế này. Học khá giỏi, vào đại học là lẽ đương nhiên. Học kém hơn chọn trường tư thục, bán công hoặc đi du học tự túc.

LTS: Lý giải việc nhiều phụ huynh đưa con đi thi quốc gia năm nay chỉ mong con đỗ tốt nghiệp, cô giáo Phan Tuyết cho biết chưa bao giờ học đại học lại dễ như hiện nay.

Theo đó, nhiều bạn học khá giỏi nhưng không có mối quan hệ thì ra trường vẫn thất nghiệp, trong khi những bạn học kém nhưng được gia đình sắp xếp lại có chỗ làm tốt.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đưa con đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia lần này, không ít phụ huynh chỉ cầu mong con mình đỗ tốt nghiệp.

Theo lý giải của một số phụ huynh, đỗ tốt nghiệp sẽ có cơ hội vào học ở các trường đại học, cao đẳng thậm chí đi du học nước ngoài. Nhưng nếu trượt tốt nghiệp sẽ không thể vào học được trường nào.

Trong lúc nhiều học sinh học đêm học ngày để cố gắng giành được số điểm cao nhất để vào được một số trường đại học mình yêu thích thì Lan, đứa cháu con cô em gái tôi lại rất thảnh thơi khi cha mẹ cô bé đưa ra điều kiện “Thi 4 môn chỉ yêu cầu con đạt môn 5 điểm là được”.

Bởi dù chưa tốt nghiệp, cha mẹ em cũng đã chuẩn bị cho em một xuất du học tự túc tận bên nước Úc xa xôi.

Nhiều phụ huynh chỉ mong con đỗ tốt nghiệp trong kì thi quốc gia năm nay. (Ảnh minh hoạ: Thuỳ Linh)
Nhiều phụ huynh chỉ mong con đỗ tốt nghiệp trong kì thi quốc gia năm nay. (Ảnh minh hoạ: Thuỳ Linh)

Cũng giống như trường hợp của Lan, gia đình cậu bé Dũng cũng yêu cầu con “Cố gắng hết sức để đủ điểm tốt nghiệp. Phần còn lại để ba mẹ lo”.

Theo sự bật mí của ba mẹ em sẽ cho Dũng vào học ở một trường đại học tư thục bằng xét tuyển học bạ.

Thế là dù chưa thi, em cũng đã được gia đình chọn cho một trường đại học tư thục lớn tận trong Sài Gòn với mức học phí hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Nhớ lại những năm trước đây, học sinh thi đại học chỉ có một nguyện vọng duy nhất.

Nhiều em do chọn nguyện vọng không đúng nên không đỗ vào trường mình đăng kí dù điểm thi cao hơn nhiều trường khác cũng đành phải ở nhà.

Nhưng bù lại, nếu đỗ đại học và tốt nghiệp ra trường sẽ dễ dàng xin được công việc mình ưng ý.

Vì sao nhiều phụ huynh không lo con trượt đại học? ảnh 2

Phụ huynh, thầy cô và câu chuyện thi quốc gia năm 2017

Những năm sau, một học sinh có thể thi cùng lúc nhiều trường đại học, cơ hội mở ra cho nhiều học sinh hơn.

Đến nay, chỉ thi một lần nhưng có nhiều nguyện vọng xét tuyển.

Đặc biệt nhiều trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi mà chỉ xét học bạ.

Việc xét học bạ lại rất dễ. Bởi thế hầu như học sinh nào đăng kí xét học bạ cũng có cơ hội đỗ hết.

Những học sinh khá giỏi đỗ vào trường công. Những học sinh có lực học kém hơn vẫn có nhiều cơ hội để vào những trường đại học tư thục ở các tỉnh thành trong cả nước.

Chưa bao giờ học đại học lại dễ dàng như thế này. Học khá giỏi, vào đại học là lẽ đương nhiên. Học kém hơn chọn trường tư thục, bán công hoặc đi du học tự túc (nếu gia đình có điều kiện).

Học tệ hơn nữa thì chọn cách học đại học từ xa, học tại chức, vừa học vừa làm…

Thế mà, nếu làm cuộc thống kê tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm nhiều nhất có lẽ lại tập trung các sinh viên ở hệ đại học không chính quy, sinh viên các trường tư thục.

Có điều gì nghịch lý hay sao? Đơn giản chỉ vì cha mẹ những học sinh học ở trường danh tiếng ít các mối quan hệ, gia đình thuộc diện khó khăn nên các em ra trường cũng khó có cơ hội xin được việc làm.

Còn những học sinh chỉ học trường tư thục, trường “làng nhàng” gia thế lại tầm cỡ, giàu sang… nhiều em vừa mới ra trường đã nghiễm nhiên được nhận vào làm tại các cơ quan, công sở của nhà nước.

Một anh bạn tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế lên tiếng “ngày mình đỗ Đại học Kinh tế nổi tiếng cả vùng, bởi muốn đỗ trường này phải có lực học giỏi trở lên”.

Vì sao nhiều phụ huynh không lo con trượt đại học? ảnh 3

Tại sao điểm thấp thi đỗ, điểm cao vẫn trượt?

Vậy mà sau 10 năm lăn lộn với nghề vẫn chỉ là anh phó phòng kinh tế quèn.

Trong khi vị giám đốc mới về nhận chức lại chính là cậu bạn học luôn đội sổ bao năm phổ thông.

Trong kì thi tốt nghiệp năm ấy, dù rất nỗ lực copy bài của bạn nhưng cậu ta vẫn trượt.

Ở nhà được bố (một vị Chủ tịch huyện) sắp xếp cho một chân điếu đóm trong xã và năm sau đích thân ông phải chạy vạy, nhờ vả khắp nơi để cậu quý tử cầm được tấm bằng tốt nghiệp.

Thế rồi, hàng tuần vừa đi làm, vừa đăng kí học lớp kinh tế tại chức trên thành phố. Đến nay, thì cậu đã nghiễm nhiên trở thành giám đốc một công ty lớn của tỉnh.

Việc hàng năm có trăm nghìn sinh viên Việt Nam thất nghiệp trong đó có không ít các thủ khoa cũng là hậu quả của việc vào đại học quá dễ dàng và nạn con ông cháu cha tràn lan như thế. 

Phan Tuyết