Việt Nam có bao nhiêu luận án tiến sĩ... vô bổ?

29/08/2012 15:30
Việt Nam là đất nước có số lượng học hàm, học vị "khủng" trên thế giới với trên 9.000 giáo sư, phó giáo sư, hàng trăm ngàn tiến sĩ và thạc sĩ. Tuy nhiên, rất nhiều các học hàm này lại chủ yếu phục vụ cho… sự thăng tiến, trong số đó, có không ít đề tài kiểu như: Chuyện tắm giặt cho chiến sỹ miền núi.
Những đề tài vô bổ
Việc đào tạo bậc học trình độ cao (thạc sĩ, tiến sĩ) là nhiệm vụ đầu tàu của giáo dục. Để làm tốt bậc đào tạo này, đầu tiên, phải đặt lên hàng đầu chất lượng luận án. Tuy nhiên, có một thực tế mà theo những người trong cuộc, có rất nhiều trường hợp được “du di” rất dễ dàng, tức luận án chất lượng kém vẫn được bảo vệ, bởi vì hoặc quan hệ đặc biệt. Có lẽ vì thế, ở Việt Nam, rất hiếm có luận án tiến sĩ nào bị đánh trượt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Chính vì thế, ngành giáo dục cũng thừa nhận trong một hội nghị đào tạo sau ĐH rằng: Có không ít luận án tiến sĩ “vô bổ”. Đơn cử tiêu đề luận án của một nghiên cứu sinh của ĐHSP Hà Nội: Nghiên cứu nhận thức của sinh viên ĐHSP về sức khỏe sinh sản. Và một trong ba kết luận tác giả đã rút ra được là: “Luận án tiến hành nghiên cứu thực trạng nhận thức của sinh viên ĐHSP về sức khỏe sinh sản ở 3 mức: biết, hiểu, vận dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy giả thiết của đề tài là đúng. Đa số sinh viên ĐHSP nhận thức về sức khỏe sinh sản đạt mức hiểu, mức vận dụng còn hạn chế. Mức độ nhận thức của sinh viên về sức khỏe sinh sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Ảnh hưởng của các nhân tố đến nhận thức của sinh viên về sức khỏe sinh sản theo mức độ giảm dần...”. 
Không hiểu một kết luận như thế có đạt được yêu cầu tối thiểu của một luận án tiến sĩ là giúp cho việc phát triển hay mở rộng những vấn đề quan trọng của một ngành khoa học thông qua các nghiên cứu sáng tạo, mới mẻ và độc đáo hay không?.
Một vài luận án tiến sĩ kiểu như trên nữa: “Các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh trung học phổ thông”... Và cách đây vài năm, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long cũng “sốc” với luận án khá khôi hài về: “Tắm giặt cho chiến sỹ miền núi”…
Rào cản
Sở dĩ có những câu chuyện hài hước trên là bởi trong số hàng ngàn giáo sư, tiến sỹ thì những nhà khoa học thực sự đi vào nghiên cứu học thuật rất ít - chỉ chiểm khoảng 30%. Và trong số này, họ lại là những người “ thợ giảng” với hàng ngàn tiết học mỗi năm thì không thể lấy đâu ra thời gian nghiên cứu khoa học. Còn lại, một số lượng lớn trong họ là quan chức, bằng cấp là để thăng tiến chức vụ, không phục vụ cho hoạt động khoa học. 
Tuy nhiên, bên cạnh những hư danh, chúng ta cũng có những nhà khoa học không thua kém các nước, tuy chưa nhiều nhưng cũng có thể làm ra những sản phẩm ứng dụng và có những sáng chế đẳng cấp quốc tế. Và để phát huy được nguồn lực đó, không đơn giản chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn có tác động tích cực từ các chính sách phù hợp và tâm huyết.
GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 đang đến rất gần, trong khi chúng ta đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, nhà khoa học đầu ngành. 
Trước hết, phải thẳng thắn thừa nhận, có phần nào đó giới khoa học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi thực tế. Thế nhưng nhìn lại cũng thấy, không ít nhà khoa học Việt Nam ra nước ngoài tham gia vào chương trình nghiên cứu, đề tài khoa học và phát huy được thế mạnh của mình. Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại ở môi trường khác họ mới phát huy được năng lực của mình?. Thực tế ấy đòi hỏi chúng ta phải xem xét cơ chế, chính sách; có bất hợp lý gì trong vấn đề sử dụng nhân lực khoa học công nghệ không?.
Theo GS TS Vũ Minh Giang thì có ba nguyên nhân cơ bản dẫn đến cản trở đội ngũ khoa học công nghệ phát triển. Đó là rào cản ở khâu quản lý; thiếu những chính sách cụ thể, nhất là đãi ngộ cho các nhà khoa học có trình độ cao và cần những cơ chế hợp lý để trọng dụng, kích thích sự phát triển.
Cũng liên quan đến vấn đề tài chính, các nhà khoa học Việt Nam rất khó tiếp cận và tự đi học tập, nghiên cứu, công bố công trình, các hội nghị, hội thảo… ở nước ngoài vì năng lực tài chính không có. Nếu tham dự hội nghị ở nước ngoài, thường ban tổ chức cung cấp kinh phí thì các nhà khoa học nước ta mới có thể tham gia. Rất ít, thậm chí rất hiếm nhà khoa học nước ta có thể tự đi tham gia hội nghị ở nước ngoài. 
Thêm nữa, trong điều kiện còn thiếu thốn về cơ sở vật chất nghiên cứu và thiếu thốn chuyên gia, khoảng 80% các nghiên cứu khoa học ở nước ta đều phải hợp tác với nước ngoài. Chỉ có 20% các công trình nghiên cứu hoàn toàn do người Việt thực hiện.
Các nghiên cứu khoa học ở nước ta vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành mang tính lý thuyết (như toán học và vật lý lý thuyết) và còn rất yếu trong các lĩnh vực ứng dụng như khoa học đời sống và môi trường.