Việt Nam nên đào tạo tổng công trình sư

28/12/2012 07:33
Nguyễn Ngọc Lâm
(GDVN) - Nhiều năm qua, giáo dục Việt Nam nếu nhìn ở góc độ khoa học quản lý thì không có tính hệ thống, do vậy có rối loạn trong quá trình vận hành cũng là điều dễ hiểu.

LTS: Ở các nước tiên tiến trên thế giới khi triển khai các kế hoạch phát triển quan trọng ở mỗi lĩnh vực đều có một người đứng ra chịu trách nhiệm chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước nhân dân nếu kế hoạch đó thất bại. Người đó được gọi là "tổng công trình sư". Hiện nay, Việt Nam ta chưa có một tổng công trình sư đích thực, và vấn đề này bỗng nhiên có tính thời sự cao khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói rằng, thiếu tổng chủ biên sách giáo khoa. Trước sự kiện này, độc giả Ngọc Lâm đã gửi quan điểm từ Pháp chia sẻ những suy nghĩ về vai trò đặc biệt quan trọng của người giữ vai trò tổng chủ biên SGK, nói cách khác thì đó cũng là một tổng công trình sư.

Trong buổi giải trình với Uỷ ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận thiếu tổng chủ biên sách giáo khoa, khiến hệ thống giáo dục Việt Nam thiếu tính liên thông giữa giáo dục trung học với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Ngay trong chương trình giáo dục phổ thông cũng chưa xuyên suốt được từ bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông và chương trình giáo dục phổ thông chưa ăn nhập được với chương trình đào tạo của các trường sư phạm.

Đây là hình ảnh của một hệ thống đã bị chia cắt cô lập với nhau và mô tả có hình ảnh thì hệ thống này đang vận hành giống như một loài Tắc kè hoa ở Nam Mỹ có 2 con mắt nhìn về 2 hướng khác nhau. Con mắt bên phải chỉ hướng nhảy sang phải thì con mắt bên trái chỉ hướng nhảy sang trái. Nhiều năm qua, giáo dục Việt Nam nếu nhìn ở góc độ khoa học quản lý thì không có tính hệ thống, do vậy có rối loạn trong quá trình vận hành cũng là điều dễ hiểu.

Ở Liên xô, quan điểm này có từ thập kỷ 1960 và được truyền cho Việt Nam vào khoảng đầu thập kỳ 1970, thông qua các Giáo sư Trường Đại học Lômônôxốp .

Tại sao có quan điểm này? Khoảng cuối thế kỷ 20, so với giữa thế kỷ 20, nền khoa học thế giới phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Nhiều lĩnh vực mới xuất hiện, trong mỗi lĩnh vực có nhiều chuyên ngành mới. Giữa các lĩnh vực có sự đan xen nhau, từ đó xuất hiện 2 loại chuyên gia khác nhau: một loại chuyên sâu và 1 loại chuyên rộng. Tiêu biểu của loại chuyên sâu là các Giáo sư, các Tiến sĩ. Tiêu biểu của loại chuyên rộng là các Tổng Công trình sư. Loại chuyên gia chuyên rộng có vai trò chủ trì và phối hợp các chuyên gia chuyên sâu, đặc biệt cần cho công việc nghiên cứu thực tiễn tại thực địa trước khi triển khai thiết kế cụ thể các công trình có tầm cỡ lớn, kể cả trong kinh tế hay quốc phòng, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, để đưa ra một kết luận rằng công trình dự kiến có khả thi không, có hiệu quả không và nếu triển khai thì những giải pháp kỹ thuật và kinh tế nào là tối ưu đề chủ đầu tư lựa chọn.

Việt Nam cần đào tạo được các tổng công trình sư ở nhiều lĩnh vực (Ảnh minh họa, nguồn internet)
Việt Nam cần đào tạo được các tổng công trình sư ở nhiều lĩnh vực (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Trong thập kỷ 1970, tôi đã lần lượt được làm việc với 2 đoàn chuyên gia Liên xô sang giúp Việt Nam, nghiên cứu một công trình đã được ghi trong Hiệp định Xô – Việt 1958. Mỗi đoàn của Liên xô có 3 người, gồm 1 Tổng Công trình sư và 2 Kỹ sư trưởng, do Viện Alma Ata lựa chọn cử sang. Hai đoàn này đã từng làm việc với nhiều quốc gia trong Khối tương trợ kinh tế XHCN và với nhiều quốc gia thuộc khối tư bản. Tổng Công trình sư Gôikalốp sang lần đầu tiên là người có 3 bằng kỹ sư: 1 bằng kỹ sư công nghệ, 1 bằng kỹ sư xây dựng và 1 bằng kỹ sư kinh tế. Tổng công trình sư U-lya-nốp sang lần thứ 2 cũng vậy. Hồi đó, ở Liên xô, trước khi trở thành Tổng Công trình sư phải là Kỹ sư trưởng đã có 1 số thâm niên làm việc ở vị trí này. Kỹ sư trưởng Ku-tốp sang cùng với Tổng Công trình sư Gôikalốp đã có 2 bằng kỹ sư thuộc 2 ngành khác nhau là kỹ sư công nghệ và kỹ sư xây dựng. Theo Ku-tốp , khi có bằng kỹ sư thứ 2, anh ta được thêm 50% lương. Tổng Công trình sư có thang lương riêng.

Hiện nay, Liên xô không còn tồn tại nên tôi không thể nói được gì nhiều hơn nhưng các Tổng Công trình sư đó đã để lại dấu ấn của họ cho Việt Nam trong 1 tài liệu do họ đã thực hiện bằng tiếng Nga đã được thông qua 2 Chính phủ, được lưu lại và giới thiệu tấm bìa của tài liệu đó tại File 0042 kèm theo.

Mục đích của bài này là muốn giới thiệu và đề xuất 1 kiến nghi cho cuộc đổi mới giáo dục Việt Nam: Từ giải trình nói trên của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo với Quốc hội, Việt Nam nên đào tạo thêm loại chuyên gia chuyên rộng là Tổng Công trình sư. Loại chuyên gia này rất cần, chẳng những cho lĩnh vực giáo dục mà cần cho mọi lĩnh vực khác, kể cả kinh tế, quốc phòng, quản lý.

Đây cũng là 1 lý do giải thích vì sao các hệ thống giáo dục hiện đại đều coi trọng giáo dục kỹ năng làm việc phối hợp theo nhóm, kỹ năng làm việc theo ê-kíp giữa các chuyên gia có các chuyên ngành khác nhau , xuất thân từ nhiều nền văn hoá khác nhau , ngôn ngữ khác nhau.

Nguyễn Ngọc Lâm