Xót xa phận nữ sinh nghèo trên dòng sông Lam

27/09/2012 11:49
Xuân Hoà
(GDVN) - Ngày nhận được giấy báo đậu đại học cũng là ngày nước mắt Thắm tuôn trào, vì nhà nghèo quá, không có một tài sản gì đáng giá, số tiền cha mẹ dành dụm cũng không nộp đủ nửa năm học phí.
Chiếc thuyền và số phận 7 con người

Trong số những học sinh làng chài mà chúng tôi đã từng gặp thì có lẽ hiếm có cô nữ sinh nào ham học như em Nguyễn Thị Thắm (trú tại xóm Tân Lam, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An).

Là con đầu trong gia đình có 5 người con của một gia đình làm nghề chài lưới trên sông Lam, từ nhỏ Thắm đã phải sống trong cảnh nghèo đói. 7 sinh mạng con người đều sống trôi nổi trên con thuyền nhỏ trú ngụ bên dòng Lam lúc hiền hoà, lúc hung dữ. Vốn không có tấc đất cắm dùi nên sau khi lập gia đình bố mẹ Thắm đã phải dựng nghiệp trên chiếc thuyền nhỏ này. Trong chiếc thuyền chòng chành không có gì đáng giá nổi 50 nghìn đồng. Vỏn vẹn tài sản của gia đình em chỉ có vài chiếc nồi gang cũ và manh chiếu đã nát.
Cả gia đình em Thắm đều sống và mưu sinh trên con thuyền nhỏ bé này.
Cả gia đình em Thắm đều sống và mưu sinh trên con thuyền nhỏ bé này.
Từ nhỏ, Thắm đã gắn bó với cuộc sống trên chiếc thuyền này. Hàng ngày, ngoài giờ đi học thì cứ lúc nào rảnh Thắm lại phải cùng bố mẹ thả lưới đánh cá để mưu sinh.
 
Do cuộc sống quá khó khăn nên những đứa em của Thắm cũng phải nghỉ học sớm. Em trai Thắm chỉ học đến lớp 9, em gái thứ 3 học đến lớp 7, hai em út một đứa đang học lớp 1 và một đứa vẫn đang phải ở nhà. “Tất cả cũng vì nghèo quá thôi các chú ạ! Chứ làm bố làm mẹ ai chẳng muốn cho con ăn học đến nơi đến chốn. Nhìn con họ đi học mà con mình không được đi học cũng thương chúng nó lắm nhưng nếu đi học thì không có tiền”, chị Nguyễn Thị Tịnh (mẹ Thắm) sụt sùi tâm sự.

Riêng Thắm là con đầu cũng đã nhiều lần suýt phải nghỉ học giữa chừng vì cuộc sống gia đình quá khó khăn. Năm Thắm học đến lớp 8, bố mẹ sinh thêm đứa em út khiến kinh tế gia đình càng khó khăn hơn nên em buộc phải nghỉ học. Nhưng thương cô học trò nhà nghèo học giỏi nên các bạn và thầy cô của Thắm lại đến động viên bố mẹ cho Thắm được đi học. Cùng với đó nhà trường và các thầy cô, bạn bè cũng đã tìm mọi cách giúp đỡ em.

Có những hôm học cả ngày phải ở lại trường Thắm không có nổi một nghìn trong người để ăn bánh mì. Thương em các bạn lại rủ em về nhà để ăn cơm. Nhà trường cũng đã miễn tất cả những khoản đóng góp cho em. Cùng với đó nhiều thầy cô còn trích thu nhập của mình để mua đồ và sách vở cho Thắm.

Khắc khổ là vậy nhưng trong 12 năm học, Thắm đều là học sinh giỏi của trường. “Em ấy (em Thắm – PV) là học sinh ngoan và chịu thương chịu khó! Có những hôm nhìn em phải nhịn đói để đi học mà không ai cầm nổi nước mắt. Khổ là vậy nhưng em vẫn cố gắng học giỏi và có nhiều thành tích mà nhiều người đáng phải ngưỡng mộ”, thầy Dư Hồng Quang - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 1 (nơi em Thắm học) chia sẻ.

Trong khi đã quá ngày nhập học hơn 20 ngày thì Thắm vẫn hàng ngày theo bố mẹ đi đánh cá mưu sinh.
Trong khi đã quá ngày nhập học hơn 20 ngày thì Thắm vẫn hàng ngày theo bố mẹ đi đánh cá mưu sinh.

Cái nghèo chặt ngang con chữ

Trong đợt thi đại học vừa qua Thắm đã đăng ký dự thi vào khoa Giáo dục tiểu học – Trường ĐH Vinh. Với số điểm 16,5 điểm em đã đậu vào Trường ĐH Vinh.

Tuy nhiên ngày nhận được giấy báo cũng là ngày em phải khóc sụt sùi vì không được đi học. Gia cảnh quá nghèo, tài sản góp nhặt của bố mẹ em không có nổi một đồng nên không có tiền đóng học.
“Ngày cháu nó đi thi tôi cũng không muốn để cháu đi vì nếu có đậu cũng không có tiền đi học. Trượt thì thôi chứ mà đậu như bây giờ mà không tiếp tục được đi học lại khiến cháu nó tủi thân. Tôi cũng cảm thấy ăn năn vì làm bố mà không có nổi một đồng xu cho con đi học tiếp”, anh Nguyễn Văn Đương (bố Thắm) tâm sự.

Vậy là niềm vui đến với xóm chài nhỏ chẳng tày gang. Mong ước cả xóm chài này có người được học đại học đã bị dập tắt vì cái nghèo. Hàng ngày Thắm vẫn phải cùng bố mẹ và các em vật lộn với con nước sông Lam để mưu sinh.
Thương cảm trước số phận của cô học trò nghèo ngoan hiền, hiếu học, thầy Dư Hồng Quang - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 1 (nơi em Thắm học) đã gọi điện đến báo Giáo dục Việt Nam nhờ giúp đỡ. “Tôi thấy quý báo đã kêu gọi và giúp đỡ được nhiều em có hoàn cảnh như em Thắm được tiếp tục nuôi ước mơ con chữ. Mong rằng qua báo Giáo dục Việt Nam các độc giả biết đến hoàn cảnh của Thắm mà giúp em được tiếp tục nuôi giấc mơ đi học. Nhà em nghèo mà nhìn em ham học tôi và nhiều thầy cô khác cũng thương em lắm. Nhưng với đồng lương ít ỏi của giáo viên nên chúng tôi cũng đành chịu. Mong rằng các độc giả của báo GDVN biết đến hoàn cảnh của em và giúp đỡ em tiếp được đến trường. Nếu em được đi học thì thật sự là niềm hạnh phúc lớn lao với những người thầy như chúng tôi”, thầy Quang chia sẻ. Đồng cảm với cô bé làng chài nghèo khó nên nhiều bạn bè thầy cô và người dân nơi đây cũng đã gom góp cho em được 4 triệu đồng để nhập học. Tuy nhiên số tiền ít ỏi này cũng chỉ giúp em đóng tiền học tạm thời những ngày đầu. Nỗi lo những ngày học kế tiếp vẫn là nỗi bận tâm của em và bố mẹ. “Sáng nay (27/9), em sẽ đến trường nhập học. Em mong muốn được đi học để mai này được làm cô giáo giúp đỡ cho những số phận có hoàn cảnh khó khăn như em. Bố mẹ nuôi em ăn học đến đây cũng là cố lắm rồi. Giờ trong nhà không có đủ gạo mà ăn chứ nói gì có tiền đóng học cho em hả các anh! Được mọi người giúp đỡ gần 4 triệu nhưng giờ đóng xong tiền học cũng gần hết rồi. Em định nhập học xong sẽ đi kiếm việc làm thêm mà tự lo học thôi”, Thắm buồn rầu nói.
Ông Hoàng Nghĩa Hùng - Chủ tịch xã Nam Lộc bộc bạch: "Gia đình em Thắm là một trong số những hộ nghèo nhất nhì trong xã Nam Lộc. Cả cái xóm chài ấy nhà nào cũng thuộc diện hộ nghèo. Học sinh ở đây cũng được đi học nhưng số em đi học đại học, cao đẳng thì rất hiếm. Gần như không có vì gia đình nào cũng nghèo cả! Em Thắm cũng là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt học giỏi tại địa phương. Giờ cháu mà không được tiếp tục đi học thì cũng thật là tội cho cháu. Nhưng địa phương cũng còn nghèo nên cũng không giúp đỡ gì được nhiều. Mong quý báo và các độc giả biết hoàn cảnh của em và giúp đỡ em được tiếp tục giấc mơ học đại học".

Chia tay em trong buổi chiều tà khi dòng sông Lam đã đỏ ấu ánh mặt trời chuẩn bị khuất núi. Bóng đêm đang chìm xuống như bóng đen đang bám theo bước đường học tập của Thắm. Mong rằng sẽ có những tia sáng giúp đỡ em để em có được tương lai rạng ngời.
Mọi sự giúp đỡ em Nguyễn Thị Thắm xin gửi về:
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
Địa chỉ: 147 phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 62610666

Hoặc liên lạc trực tiếp với em Nguyễn Thị Thắm theo địa chỉ:
Xóm Tân Lam, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Điện thoại: 01658992347

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Cục Khảo thí trả lời SV gửi tâm thư tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

GS Nguyễn Xuân Hãn: "Chương trình SGK hiện nay có hại cho học sinh"

'Thật bi hài! Cả đời làm giáo dục, tôi chưa gặp chuyện như ĐH Tây Đô'

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tỉnh nói về thu hút nhân tài ở Bộ Quốc Phòng

Tài liệu của độc giả "tố" TS Lê Thẩm Dương đạo văn

SV gửi tâm thư tới Bộ trưởng Giáo dục: "Em bị biến thành Chí Phèo..." 

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Xuân Hoà