Năm học 2014-2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học được quy định là 3,2 triệu đồng đồng/tháng, trường THCS và PTTH là 3.,4 triệu đồng/tháng.
Thông tin đã tạo ra nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận Thủ đô, nhất là khi năm học mới sắp bắt đầu. Để giúp độc giả có thêm những góc nhìn mới, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường PTTH Đinh Tiên Hoàng, đồng thời là đại biểu HĐND TP Hà Nội.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hiệp hội tâm lý giáo dục Hà nội. |
“Giáo dục công lập chất lượng cao” sẽ loại bỏ dạy thêm học thêm?
PV: Thưa TS Nguyễn Tùng Lâm, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất của UBND TP cho phép “thí điểm thu học phí công lập chất lượng cao”. Ông ủng hộ hay phản đối chủ trương này?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Sau khi HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết về việc thử nghiệm thu học phí công lập chất lượng cao, đã xuất hiện hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này, một phía ủng hộ và phía ngược lại thì phản đối.
Những người phản đối cho rằng, có nhiều tiền thì hưởng dịch vụ chất lượng cao, nhưng không có tiền thì chỉ được hưởng dịch vụ thấp và như vậy sẽ nảy sinh bất công trong môi trường giáo dục công lập. Tôi tôn trọng quan điểm nay, vì sự đòi hỏi công bằng trong giáo dục là rất chính đáng.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải nhìn sang một khía cạnh khác nữa, đó là nếu cứ chờ đợi thì không biết bao giờ nhà nước mới đủ tiền đưa chất lượng giáo dục ở tất cả các trường đạt đến mức mà người dân mong muốn.
Vì vậy mà với tư cách là một đại biểu của HĐND TP thì tôi nhất trí với việc áp dụng thí điểm mô hình này. Qua thí điểm thì sẽ xem xét lại có nảy sinh gì bất cập và sẽ điều chỉnh cho tốt hơn hoặc nếu có những vấn đề thật nổi cộm thì HĐND TP cũng sẽ xem xét lại đề án này.
Chúng ta cũng thấy rằng, đời sống ở Thủ đô cũng đã được nâng cao hơn so với trước đây, vì thế mà cũng nhiều người dân có mong muốn hưởng những dịch vụ chất lượng cao là đúng. Tôi rất muốn là các trường quốc lập sẽ đi đầu trong việc triển khai để đánh giá lại xem thế nào là "chất lượng cao", từ đó có điều kiện so sánh với các trường dân lập, tư thục, nhất là các trường mà gắn mác quốc tế đang thu học phí rất cao.
Người dân cũng chỉ biết tin và nộp tiền cho con cái theo học vào những trường này, chứ cũng chưa có căn cứ cụ thể để đánh giá.
PV: Thưa ông, cho tới bây giờ thì Hà Nội đã có 18 trường áp dụng mô hình này và tiến tới sẽ có hơn 30 trường. Nhiều ý kiến cho rằng, với một mô hình thử nghiệm mà áp dụng rộng như vậy là điều không bình thường, quan điểm ông thế nào?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi nghĩ là phải chấp nhận phương án thí điểm để thăm dò nguyện vọng của nhân dân, xem khả năng của ngành giáo dục Thủ đô có đáp ứng được điều mà chúng ta mong muốn hay không? Với 30 trường nằm rải rác ở các địa phương khác nhau nên tôi nghĩ cũng chưa phải là nhiều.
Điều thứ hai mà chúng ta cần phải thấy ở đây là nhà trường được quyền tự chủ sử dụng số tiền học phí ấy, qua đó sẽ tuyển được các giáo viên giỏi, có năng lực sư phạm tốt. Tôi nghĩ đây là một vấn đề tiến bộ.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay thì giáo dục của chúng ta không đi đúng quy luật, nhà nước thu có 40 nghìn đồng học phí/tháng, nhưng thực chất thì phụ huynh phải đóng rất nhiều các khoản tiền khác, đặc biệt là tiền học thêm.
Và chúng ta thấy là báo chí đã đề cập tới nhiều các lớp học thêm ngay từ vỡ lòng, giáo viên thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Thế tức là người dân vẫn đang phải chi vài ba triệu mỗi tháng, chứ có phải họ không phải bỏ tiền đâu.
Nếu bây giờ áp dụng thành công mô hình giáo dục chất lượng cao thì sẽ loại bỏ được vấn đề "dạy thêm - học thêm", bởi vì giáo viên dạy giỏi ở trường thì đồng lương của họ cao, đời sống được đảm bảo, tiêu cực sẽ bị đẩy lùi. Đó là những mặt ưu điểm mà tôi nghĩ là cần phải nhìn nhận để đánh giá đúng mức với mô hình giáo dục chất lượng cao tại các trường công lập.
Phụ huynh có quyền yêu cầu nhà trường công khai tài chính và kết quả đào tạo
PV: Thưa ông, giả sử thử nghiệm này bước đầu thành công, nhưng có một thực tế là nhiều vùng đã chuyển về Hà Nội đời sống còn rất nhiêu khó khăn cho nên không thể áp dụng mô hình này. Vậy là vẫn sẽ có những vấn đề không công bằng giữa các khu vực?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Ngay khi đề án này được công bố thì đã có rất nhiều ý kiến phản đối, nhưng tôi cho rằng nếu chúng ta cứ so sánh như vậy thì sẽ không làm được gì.
Tôi cũng đã có góp ý là khi áp dụng mô hình này thì các trường cũng nên dành ra một tỷ lệ phần trăm nào đó từ kinh phí thu được để bảo trợ cho những em gia đình nghèo nhưng học giỏi. Như vậy sẽ hạn chế nhiều hơn những lo ngại về vấn đề bất bình đẳng.
PV: Rất nhiều bậc phụ huynh đang băn khoăn không hiểu “giáo dục chất lượng cao” liệu có thực sự mang lại kết quả như khẩu hiệu này hay là họ sẽ phải gồng mình gánh những khoản phí vô lý, ông có thể nói gì về điều này?
TS Nguyễn Tùng Lâm: Kết thúc một học kỳ hay một năm học thì phụ huynh chính là những người có quyền yêu cầu nhà trường đánh giá về kết quả thực hiện chương trình; phụ huynh cũng có quyền giám sát đồng tiền họ đã nộp vào trường bây giờ mang lại chất lượng thế nào cho con họ.
Pháp lệnh số 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép người dân ở các phường xã được quyền quyết định trong việc đóng góp xây dựng các công trình công cộng tại địa phương.
Tôi cũng đã có trao đổi với Giám đốc Sở GDDT Hà Nội là phải có chương trình giám sát đề án này để làm sao đó thu được kết quả tốt thực sự như mong muốn, chứ nếu cứ lo ngại và không làm, cứ níu nhau mãi và chờ ở nhà nước thì rất khó thay đổi.
PV: Vậy tiêu chí bắt buộc để đánh giá chất lượng giáo dục cao trình ra HĐND TP Hà Nội là gì thưa ông?
TS Nguyễn Tùng Lâm: HĐND Hà Nội chỉ thông qua đề án tài chính thôi, chứ không thông qua tất cả nội dung của mô hình giáo dục công lập chất lượng cao. Việc triển khai thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất là trách nhiệm chính của Sở GD Hà Nội.
Trong thời gian hai năm thí điểm thì các vị đại biểu HĐND TP Hà Nội sẽ giám sát, nhân dân Thủ đô sẽ giám sát, và HĐND TP Hà Nội cũng có một tiểu ban giám sát thực hiện chương trình này.
Tôi cho rằng, chất lượng cao ở đây phải là chất lượng về mặt tư duy thực hành, chứ không thể chất tải thêm cho học sinh.
Trân trọng cảm ơn ông!