Chạy đua theo sĩ diện, chỉ thích làm thầy không thích làm thợ
Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) nêu ra thực trạng của xã hội hiện nay là hầu hết tất cả các gia đình đều muốn con em mình học đại học, được tốt nghiệp đại học và hơn nữa, chứ không muốn cho đi làm thợ.
“Mặc dù biết con mình học chẳng giỏi nhưng mà phụ huynh vẫn muốn con vào đại học. Không học đại học công lập thì học ngoài công lập, cho nên đại học mọc ra như nấm, nhưng cuối cùng đào tạo ra lại không tìm việc công việc đúng ngành, thậm chí phải quay về thị trường lao động phổ thông bình thường.
Chúng ta thấy cái lãng phí đó rất lớn, 4 năm đại học đó biết bao nhiêu tiền nhưng cuối cùng lại không sử dụng được gì hết. Nếu chúng ta tổng hợp hết bao nhiêu năm qua thì cái lãng phí đó nó lớn như thế nào?
Nó dẫn đến một cuộc chạy theo thành tích, theo sĩ diện rất là lớn trong các gia đình Việt Nam”, ông Phong nói.
Vị đại biểu đoàn Bến Tre nhận định, các gia đình đều muốn con em mình đi học đại học hết, phải làm thầy chứ không làm thợ và chính vì tâm lý đó dẫn tới phân luồng không hiệu quả.
Từ đó, ông Phong đặt câu hỏi: “Dự án luật này giải quyết vấn đề phân luồng như thế nào? Nó quá mờ nhạt, tôi nghĩ đây là vấn đề cần phân tích sâu để chúng ta sửa, nhưng không đáp ứng được nhu cầu.
Sửa từ những căn bản đặt ra thách thức cho ngành giáo dục mà chúng ta không bám, không sửa, mà chỉ sửa những vấn đề mà tôi cảm thấy lo lắng chủ yếu là vấn đề giáo dục quốc dân, nguồn lực tài chính thực thi các nhiệm vụ giáo dục thôi”.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong. ảnh: Ngọc Quang. |
Đại biểu Đặng Thuần Phong chỉ rõ, đầu tư cho giáo dục hàng năm đều tăng, nhưng mà rà soát lại ngành giáo dục chi cho các lĩnh vực khác như thế nào?
Ông Phong bày tỏ: “Chúng tôi thấy đau lòng vì ngân sách chi cho giáo dục mầm non là thấp nhất, chính vì chỗ đó mà hiện nay giáo dục mầm non nó là chỗ bức xúc.
Vấn đề các trường mầm non tư nhân mọc ra như nấm, không đảm bảo chất lượng gì, giáo viên không đạt, cơ sở vật chất không đạt nhưng buộc phải gửi trẻ vào đó. Các trung tâm công nghiệp, thành phố còn không đủ thì nói chi vùng sâu vùng xa.
Mình nhìn lại cái đầu tư ngân sách cho giáo dục mầm non so với các đầu tư khác ta thấy rõ ràng là một sự đào tạo thiếu công bằng, không thể cứ để mãi thế này.
Tôi rất tán thành với báo cáo của Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, cho rằng giáo dục mầm non rất quan trọng, nó có ý nghĩa ngay từ ban đầu để chúng ta rèn luyện nhân cách cho con em mình sau này, nhưng buông bỏ như thế thì hiệu quả làm sao cao được.
Trong dự thảo giáo dục sửa đổi lần này, giáo dục mầm non rất là mờ nhạt, chủ yếu là giáo dục phổ thông, giáo dục đại học với giáo dục thường xuyên thôi”.
Lo ngại thí điểm...
Một vấn đề khác mà Đại biểu Đặng Thuần Phong nêu ra là cần làm rõ vấn đề phổ cập giáo dục và những chính sách đối với phổ cập giáo dục, lộ trình phổ cập giáo dục trung học phổ thông tới đâu.
“Ở đây, chúng ta thấy phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã xong rồi, như vậy có nâng tiếp lên không, mà một quốc gia phát triển thì ít nhất trình độ của người dân cũng phải trung học phổ thông. Tại sao sau trung học cơ sở rồi không thấy bàn lại nữa?
Ra nước ngoài, giẫm chân người ta mà vẫn cứ… “thank you” |
Quá trình đầu tư cho phổ cập giáo dục tới bậc trung học phổ thông như thế nào, cần phải có giải pháp. Nâng cao dân trí thì cái bắt buộc phải phổ cập giáo dục trung học phổ thông là hết sức cần thiết”, ông Phong nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Bến Tre đề nghị làm rõ hơn vấn đề xã hội hóa giáo dục trong dự thảo luật, bơi vì giáo dục cũng cần có nguồn lực, nhưng phải mang tính nguyên tắc.
Trong dự thảo luật hiện nay chỉ đề cập tới đầu tư nguồn tài chính cho giáo dục, chủ yếu là kiếm tiền cho giáo dục là không đủ, không thỏa đáng. Chính sách của nhà nước đối với giáo dục hiện nay rất nhiều thứ, các chính sách phải dựa vào yếu tố cấu thành của nền giáo dục.
Cuối cùng, ông Đặng Thuần Phong bày tỏ sự nhất trí với một số vấn đề mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nêu ra, trong đó ông Phong lưu ý 3 vấn đề:
Thứ nhất là giáo dục mầm non cần được quan tâm, nếu không có giải pháp và đầu tư cho giáo dục mầm non thì có nghĩa chúng ta đang buông bỏ một vấn đề hết sức lớn của xã hội hiện nay và đây là trách nhiệm của không chỉ ngành giáo dục mà còn của cả quốc gia, dân tộc.
Thứ hai là phổ cập giáo dục, nếu coi phổ cập giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài… nhưng lại không làm rõ được phổ cập ở bậc phổ thông trung học thì không đạt được mục tiêu.
“Vấn đề thí điểm trong hoạt động giáo dục thời gian qua chúng tôi rất lo. Tại vì chúng ta làm luật ra là để xã hội thực hiện, chúng ta đang phấn đấu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nhân dân không được làm những điều pháp luật cấm, còn với những cơ quan tổ chức phải làm những điều mà pháp luật quy định.
Ở đây có chuyện thí điểm trong lĩnh vực giáo dục mà thí điểm hoài không thấy dừng cho nên trong dự án luật cần quy định cái nào cho phép và cái nào không.
Đã đưa luật ra là cả xã hội phải thực hiện. Thí điểm về thi cử, thí điểm về phương pháp giảng dạy… những vấn đề đó hiện nay đang gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội mà nếu không xử lý vấn đề này thì chúng tôi cho rằng sửa đổi luật lần này không đáp ứng được nhu cầu”.