Giáo dục STE(A)M: Phát triển tư liệu dạy học trong kỷ nguyên số

18/11/2020 06:24
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì sao các trường cần triển khai các chương trình dạy học và thực hành STEM? Làm thế nào để tiếp cận những nguồn học liệu mới cho công tác giảng dạy?

Nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu giáo dục STEM tại Việt Nam, ngày 15/11/2020, Công ty Cổ phần Xuất bản và Dữ liệu ETS tổ chức lễ ký kết hợp tác với Học viện Sáng tạo S3 và Cộng đồng giáo viên STEM.

Công ty Xuất bản và dữ liệu ETS ký kết hợp tác cùng Học viện sáng tạo S3.

Công ty Xuất bản và dữ liệu ETS ký kết hợp tác cùng Học viện sáng tạo S3.

Tại buổi ký kết này 2 bên thống nhất phối hợp lựa chọn và ra mắt những đầu sách STEM chất lượng dành cho độc giả nói chung, cộng đồng giáo viên STEM cũng như các em học sinh trên toàn quốc nói riêng.

Các đầu sách này không chỉ là những cuốn sách tài liệu tham khảo chuyên sâu phục vụ công tác giảng dạy STEM, mà còn là những đầu sách khoa học thường thức về các chủ đề kỹ thuật, công nghệ máy tính, AI và các sách tham khảo khác.

Mục tiêu của việc hợp tác này là khơi gợi niềm say mê tìm tòi, khám phá về khoa học của các em học sinh, đồng thời khuyến khích biết áp dụng linh hoạt các kiến thức trong sách vào cuộc sống. Và chính những cuốn sách chất lượng này cũng là một nguồn tài liệu tham khảo hoặc giáo trình chính thức trong quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu STEM tại các trường học.

Trong việc hợp tác này, Học viện Sáng tạo S3 và Cộng đồng giáo viên STEM đóng vai trò chuyên môn, chọn lọc và giới thiệu các cuốn sách hay, hữu ích, đồng thời trực tiếp tham gia biên dịch, hiệu đính; trong khi đó ETS sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm mua bản quyền, xuất bản và phân phối sản phẩm.

Sau lễ ký kết đã diễn ra talkshow: Giáo dục STE(A)M: Phát triển tư liệu dạy học trong kỷ nguyên số với sự góp mặt của 2 diễn giả Tiến sĩ Đặng Văn Sơn – Nhà sáng lập học viện sáng tạo S3 và Thạc sĩ Lê Thị Thu Huyền – Nhà sáng lập hệ thống trường mầm non STEAMe Garten.

Tại buổi talshow này 2 diễn giả sẽ chia sẻ nhiều vấn đề mà công tác dạy học STEM hay gặp phải như: Vì sao các trường cần triển khai các chương trình dạy học và thực hành STEM? Làm thế nào để tiếp cận những nguồn học liệu mới cho công tác giảng dạy? Làm thế nào để thiết kế một buổi giảng dạy và thực hành STEM? Cách vận dụng từ tài liệu giảng dạy vào thực tế?

Chia sẻ về sự cần thiết của việc đưa STEM vào giảng dạy trong nhà trường, Thạc sĩ Lê Thị Thu Huyền cho biết: rất nhiều ngành nghề trong xã hội mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây như nghề xe ôm công nghệ, youtuber... và với sự phát triển như vũ bão của công nghệ như hiện nay, rất khó để có thể biết được những ngành nghề nào sẽ thịnh hành trong 15-20 năm nữa.

Vì vậy, thầy cô, cha mẹ cần phải dạy cho các con kỹ năng thích nghi với biến đổi dù công nghệ có phát triển ntn đi chăng nữa. Các con cần phải có kỹ năng quan trọng như tư duy, phản biện, sáng tạo, hợp tác... giáo dục STEM với đặc trưng học qua trải nghiệm, hướng người học vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tế sẽ giúp trang bị tốt cho các con kỹ năng này, và thích ứng với mọi thay đổi.

Ông Đỗ Hoàng Sơn chia sẻ phương pháp rèn luyện về thói quen đọc sách cho trẻ, cũng như cuốn sách "Đột phá" tiêu biểu trong tủ sách STEM.

Ông Đỗ Hoàng Sơn chia sẻ phương pháp rèn luyện về thói quen đọc sách cho trẻ, cũng như cuốn sách "Đột phá" tiêu biểu trong tủ sách STEM.

Tham gia chương trình với tư cách khách mời đặc biệt, ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần sách Long Minh, đại sứ tiêu biểu cho chương trình giáo dục STEM tại Việt Nam cho biết: Chưa có tổng kết cụ thể về chương trình giáo dục STEM tại Việt Nam; nhưng đến nay Liên minh giáo dục STEM, cộng đồng giáo viên giảng dạy STEM tại Việt Nam đã gặt hái được những thành công ban đầu, đào tạo ra được nhiều học sinh đam mê tìm hiểu toán học, khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Trong giáo dục STEM sách giữ một vai trò rất quan trọng, đặc biệt với các quốc gia mới đưa stem vào giảng dạy trong nhà trường như ở Việt Nam.

Tiến sĩ Đặng Văn Sơn – Nhà sáng lập học viện sáng tạo S3 cho biết, hiện nay chỉ cần lên google là thầy cô và học sinh đều có thể tìm kiếm được rất nhiều thông tin, tài liệu học tập. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự đảm bảo, tin cậy của các thông tin này, vì rất ít nguồn được kiểm duyệt, kiểm chứng.

Trong khi đó, một cuốn sách in ra, được trải qua nhiều quá trình, trong đó quan trọng nhất là quá trình biên tập và phản biện từ những người có chuyên môn. Vì vậy có thể khẳng định "sách vẫn là nguồn tài liệu khoa học chính thống, quan trọng, đáng quý dành cho công tác dạy và học STEM trong nhà trường".

Tiến sĩ Đặng Văn Sơn cũng cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều loại sách STEM khác nhau. Có những cuốn truyền cảm hứng cho người đọc như các cuốn sách viết về các nhà khoa học lớn trên thế giới, hay đơn giản như cuốn "Người thu gió" viết lại giáo dục stem đã thay đổi cuộc đời của một cậu học sinh nghèo khó tại châu Phi như thế nào.

Bên cạnh đó là các cuốn sách truyền tải kiến thức,hướng dẫn thực hành khoa học giúp thầy cô đưa giáo dục STEM đến với học sinh.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Sơn cũng lưu ý các thầy cô khi tham khảo những cuốn sách này "khi tiến hành làm các thí nghiệm, trải nghiệm cho học sinh, thầy cô không cần phải làm quá chính xác, mà cái quan trọng cần chú ý là những câu chuyện, vấn đề xung quanh, địa phương hoá, sao cho truyền cảm hứng, khuyến khích các em tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi".

Có thể nói, giáo dục STEM tại Việt Nam hiện nay vẫn đang ở trong giai đoạn khởi đầu với số lượng hơn 200 trường học có giáo dục STEM trên cả nước. Đây cũng chính là cơ hội cũng như trách nhiệm đặt lên vai các nhà xuất bản, công ty sách như ETS, Long Minh Book... trong việc mua bản quyền, xuất bản nhiều hơn nữa các đầu sách hữu ích, giúp hỗ trợ phát triển giáo dục STEAM trong nhà trường.

Với đội ngũ thầy cô giảng dạy STEM đó là cơ hội, trách nhiệm với việc tham khảo nguồn tài liệu từ sách vở, từ đó phát triển, sáng tạo ra những phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với học sinh Việt Nam, góp phần đào tạo nên một lớp chủ nhân tương lai tài giỏi cho đất nước; thậm chí có thể viết sách, bán bản quyền các phương pháp giảng dạy này ra nước ngoài.