Giáo dục Việt Nam và kỳ thi quốc gia cần tham khảo một số thông số kỹ thuật này

14/11/2015 07:23
TS.Nguyễn Phụng Hoàng
(GDVN) - Với kiến thức đã học và kinh nghiệm giảng dạy, tôi xin đóng góp chia sẻ một số thông số kỹ thuật cho các nhà giáo dục trong nước.

LTS: Với nhiều năm hoạt động trong nghề cả trong và ngoài nước, học giả Nguyễn Phụng Hoàng, từng học tập chuyên ngành Psychometric (Trắc nghiệm và Nghiên cứu Định lượng Tâm lý Giáo dục) tại Đại học Nam California, Hoa Kỳ).

Ông cũng đồng thời là Học giả Fulbright (Fulbright Scholar); Nguyên Hiệu phó Chuyên môn Đại học Sư Phạm HuếNguyên thành viên Tổ công tác chuyên gia Văn phòng Chính phủ về đổi mới thi, tuyển sinh đại học. 

Theo tác giả, các thông số mà ông đưa ra, có giá trị tham khảo đối với giáo dục trong nước, nhất là cho kỳ thi quốc gia đang được tiến hành.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Gần hết học kỳ I của năm học 2015-2016, vấn đề thi Tốt nghiệp THPT và thi Tuyển sinh Đại học lại được các nhà giáo dục đại học bàn đến nhiều.

Qua kiến thức và kỹ năng thu thập được trong thời gian học tập chuyên ngành Psychometric (Trắc nghiệm và Nghiên cứu Định lượng Tâm lý Giáo dục) tại Đại học Nam California, Hoa Kỳ, cũng như qua kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục Việt Nam, tôi xin đóng góp một số ý kiến và đề nghị như sau:

1. Trước hết, nói chung, tôi rất đồng ý với ý kiến của Giáo sư Lâm Quang Thiệp và Phó Giáo sư Văn Như Cương cũng như quan điểm tổng quát của Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề tuyển sinh Đại học trong bài viết "Bỏ thi THPT quốc gia, tổ chức thi ĐH, CĐ như trước?(Theo TuổiTrẻ Online, 29/10/2015).

2. Một đề thi trắc nghiệm đạt chuẩn cơ bản khi hội đủ các thông số kỹ thuật như phân bố cách học sinh chọn lựa câu trả lời, độ khó và độ phân biệt của câu hỏi, độ tin cậy của bộ câu hỏi (Theo Hoang, 1996, 1997, 1999). 

Một số thông số kỹ thuật giáo dục Việt Nam cần tham khảo (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Một số thông số kỹ thuật giáo dục Việt Nam cần tham khảo (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Ngoài ra, đề thi Tuyển sinh phải có giá trị tiên đoán cao về khả năng học đại học của thí sinh (Theo Hoang, 1997). 

Khi sinh viên học những ngành khác nhau, việc áp dụng phương trình thống kê tương quan đa biến khi ước tính giá trị tiên đoán của đề thi tuyển sinh, sẽ cho thấy với các ngành khác nhau, trọng số điểm thi của các môn thi sẽ khác nhau, chứ không phải chỉ làm một phép cộng đơn giản các môn thi.

3. Về vấn đề nên hay không nên gộp hai kỳ thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học làm một, câu trả lời là KHÔNG, vì bài thi Tốt nghiệp THPT về mặt kỹ thuật thuộc loại Trắc nghiệm Quy về Tiêu chí (Criterion-Reference Test).

Còn bài thi tuyển sinh đại học thuộc loại Trắc nghiệm Quy về nhóm Chuẩn (Norm-Referenced Test) nên không thể xem như giống nhau và không thể gộp lại làm một (Theo Hoang, 1996, 1997, 1999).

4. Khi thẩm định khả năng của một cá nhân, người ta thường phân biệt hai loại hệ thống quy chiếu: (a) hệ quy chiếu dựa trên nhóm chuẩn (Norm-Referenced Test) và (b) hệ quy chiếu dựa trên thành quả theo chuẩn đã định trước (Criterion-Reference Test) (Hoang, 1996, 1997, 1999).

- Các phép đo có hệ quy chiếu dựa trên nhóm chuẩn là những phép đo đánh giá thành quả của mỗi cá nhân so với thành quả của các thí sinh khác cùng dự một bài thi trắc nghiệm.

Ý nghĩa của điểm số mỗi cá nhân đạt  được xuất phát từ sự so sánh ấy. Vì mỗi cá nhân được so sánh với những người khác trong nhóm dùng làm chuẩn nên các phép đo loại này được gọi là phép đo quy về nhóm chuẩn.

Các bài thi tuyển sinh đại học hay bài thi xác định hệ số thông minh IQ thuộc loại này. (Theo Hoang, 1996, 1997, 1999).

- Các phép đo quy về tiêu chí thành quả là những phép đo dùng xác định vị trí của mỗi cá nhân đối với một chuẩn thành quả đã định trước, chứ không so sánh với các cá nhân khác.

Các bài thi trong lớp học Hoa Kỳ để xác định điểm Đạt hay Không Đạt, hoặc thang điểm Hỏng, D, C, B, A thuộc loại này, vì điểm cho theo các chuẩn định trước, ví dụ như:                                                                                                                                                                                                                       

Điểm Thi

Điểm Chữ

Điểm Thi

Diểm Chữ

< 60

Hỏng

80 - 89

B

60 - 69

D

90 -100

A

70 - 79

C

Bài thi Tốt nghiệp THPT cũng thuộc loại này (phép đo quy về tiêu chí thành quả).

- Do  đó, có thể thấy hai loại đề thi hoàn toàn khác nhau về bản chất, không thể gộp lại làm một trong một đề thi. Đó là chưa kể, nguyên tắc viết câu hỏi Trắc Nghiệm là phải tách các phần có mục tiêu khác nhau ra thành những bài thi riêng biệt.

Giáo dục Việt Nam và kỳ thi quốc gia cần tham khảo một số thông số kỹ thuật này ảnh 2

Xây dựng toàn bộ chương trình đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra là không dễ!

(GDVN) - Vụ Giáo dục Đại học tổ chức tọa đàm về Chuẩn đầu ra và phát triển chương trình đào tạo vào ngày 6/11.

Trong đề thi Quốc Gia vừa rồi, khi dành 60% câu hỏi cho xét tốt nghiệp 40% câu hỏi để xét tuyển vào đại học, số câu hỏi dành xét tuyển vào đại học sẽ KHÔNG ĐỦ để bảo đảm độ tin cậy cho phần này (Theo Hoang, 1996, 1997, 1999).

Kinh nghiệm làm việc với khoảng 100 cán bộ giảng dạy Đại học Huế và Đà Nẵng trong thời gian viết câu hỏi Trắc nghiệm các môn Toán, Lý, Hóa, Anh cho Ngân hàng đề thi quốc gia do Giáo sư Lâm Quang Thiệp chủ trì, với bộ đề thi 100 câu hỏi, chỉ có hai giảng viên là Tiến Sĩ Trần Xuân Thảo và Thạc sĩ Thái Thị Ngọc Liễn đạt độ tin cậy trên 0.80.

5. Thực ra, không phải tất cả các trường Trung học ở Hoa Kỳ đều bỏ thi khi xét Tốt nghiệp THPT, học sinh cần thi “California High School Exit Examination” (CAHSEE).

Ở Bang California Hoa kỳ, muốn Tốt NghiệpTHPT, học sinh phải thỏa mãn hai điều kiện:

(a) Các môn học bắt buộc và tự chọn trong lớp của bốn năm Trung học lớp 9, 10, 11, 12 phải có điểm đạt trở lên, với Trung Bình chung tối thiểu 2.00/4.00; kết hợp với (b) bài thi “California High School Exit Examination” (CAHSEE) để trắc nghiệm khả năng đọc, viết, và toán (Los Angeles Unified School District, October 29 2015).

Giáo dục Việt Nam và kỳ thi quốc gia cần tham khảo một số thông số kỹ thuật này ảnh 3

Thi tốt nghiệp chỉ cần “đạt”, còn vào đại học là phải “tuyển”

(GDVN) - Đó là hai việc khác nhau của hai kỳ thi với các mục tiêu khác như, do đó không thể lồng chung lại thành một kỳ thi giống như vừa qua.

Nếu Việt Nam áp dụng phương thức này, Lịch sử Việt Nam là môn bắt buộc trong môn học ở lớp thì không lo gì học sinh bỏ môn Lịch sử.

Như vậy, muốn tốt nghiệp THPT, học sinh Việt Nam phải:

(a) hội đủ các môn bắt buộc và tự chọn, tất cả phải có điểm Đạt trở lên, Trung bình chung phải trên 5.00/10.00;

Và (b) Tốt nghiệp kỳ thi với ba môn do Bộ Giáo dục và đào tạo quy định, do Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức.

6. Một số các nhà Giáo dục Việt Nam có đề cập các bài thi ACT và SAT của Hoa Kỳ.

Thực ra các bài thi ACT và SAT chủ yếu đo lường khả năng cần thiết để học đại học của sinh viên, như khả năng sáng tạo, khả năng lý luận, tư duy phản biện, các mức trí lực bậc cao của Bloom. Các nhà giáo dục Hoa Kỳ thường lưu ý học sinh và sinh viên công thức:                          

KHOA HỌC = KINH NGHIỆM + SÁNG KIẾN

Phần kinh nghiệm được thu thập từ những gì học ở lớp (Xét Tốt nghiệp) và phần sáng kiến, là phần tư duy, suy luận được trắc nghiệm từ các bài thi SAT, ACT chẳng hạn.

7. ACT hay SAT đo khả năng tư duy, lý luận của sinh viên, nhưng muốn học thành công ở đại học, sinh viên cần biết những kiến thức căn bản đã học trong các môn học.

Vì vậy nên các Trường Đại học ở Hoa Kỳ còn xét thêm điểm trung bình (GPA) của học sinh khi học Trung học  (lớp 9, 10, 11, và 12), cùng với điểm ACT hay SAT khi tuyển sinh vào trường đại học.

Với kiến thức đã học và kinh nghiệm giảng dạy ở bậc đại học Việt Nam và trung học Quốc tế, tôi xin đóng góp chia sẻ một số thông số kỹ thuật cho các nhà giáo dục trong nước.

Tài liệu tham khảo 

Hoang, N. P. & Lan, V. N. (1996, 1997, 1999) Phương pháp Trắc nghiệm trong Kiểm tra và Đánh giá Thành quả Học tập. Đà Nẵng: Nhà Xuất bản Giáo dục.

Hoang, N. P. (1996, 1997, 1999) Thống Kê Xác suất trong Nghiên cứu Giáo dục và Khoa học Xã hội. Đà Nẵng: Nhà Xuất bản Giáo dục.

http://www.cde.ca.gov/ta/tg/hs/

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20151030/bo-ky-thi-thpt-to-chuc-thi-dh-cd-nhu-truoc/993274.html

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

TS.Nguyễn Phụng Hoàng