Giao hay không giao bài tập Tết tùy nơi, không nên theo khuôn mẫu cứng nhắc

06/02/2021 06:48
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khối lượng kiến thức đã được các giáo viên gói gọn theo tuần nên chương trình học ở trường, trên lớp cũng không quá áp lực và nặng nề như nhiều người nghĩ.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ban hành Công văn số 226/SGĐT – GDMNTH ký ngày 26/01/2021 về việc “Nghỉ Tết không áp lực bài tập”.

Nội dung công văn có nêu quan điểm: “Để học sinh không suy nghĩ với số bài tập trong thời gian nghỉ Tết, Sở yêu cầu các phòng Giáo dục chỉ đạo các trường thuộc thẩm quyền quản lý, bắt đầu từ Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 trở đi, giáo viên không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết, hãy để các em có khoảng thời gian nghỉ Tết được sum họp bên gia đình, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, đảm bảo sức khỏe”.

Không chỉ Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình cũng đã có công văn yêu cầu giáo viên không giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết để các em được vui chơi thoải mái, có một mùa xuân sum họp, đầm ấm bên gia đình.

Công văn về việc không giao bài tập về nhà dịp nghỉ Tết của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: bariavungtau.edu.vn

Công văn về việc không giao bài tập về nhà dịp nghỉ Tết của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: bariavungtau.edu.vn

Sau khi các công văn này được ban hành, nhiều phụ huynh đã lưu lại và chia sẻ trên các trang mạng xã hội và nhận về không ít các ý kiến trái chiều.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Trọng Trung – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông (Nghệ An) cho rằng, việc làm này cần bám theo tình hình thực tế của địa phương chứ không nên đề ra một quy chuẩn nào mang tính cứng nhắc, khó cho người thực hiện.

Thầy Trung chia sẻ: “Theo đánh giá của tôi, mấy năm gần các chương trình dạy học ở trường, trên lớp cũng không quá áp lực và nặng nề như nhiều người nghĩ.

Thực tế khối lượng kiến thức cần ghi nhớ được các giáo viên cho học sinh gói gọn theo từng tuần, từng học kỳ.

Tại địa phương chúng tôi cũng chưa có triển khai việc này, một phần vì chưa có chỉ đạo nào từ cấp trên, một phần vì theo tình hình cụ thể của địa phương xét thấy chưa cần thiết để áp dụng.

Theo lịch học tập chung của cả nước, nếu địa phương không có ảnh hưởng của dịch bệnh buộc phải nghỉ học sớm thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông vẫn cho học sinh tiếp tục đi học và ấn định ngày nghỉ Tết theo đúng quy định.

Tuy nhiên, trước đợt nghỉ hai ngày, chúng tôi quán triệt việc các trường không cho giáo viên dạy trước các chương trình mới trong sách giáo khoa mà thay vào đó chúng tôi cho các học sinh ôn lại kiến thức đã học của các tuần trước.

Việc làm này tránh được chuyện các em vừa học được vài ngày của nội dung kiến thức mới lại bước vào nghỉ dài ngày sẽ dễ quên đi kiến thức vừa mới được học”.

Thầy Trung cũng nhấn mạnh rằng, vì đặc thù là một huyện miền núi, nên việc này có thực hiện hay không cũng cần có văn bản chỉ đạo cụ thể của cấp trên về quá trình thực hiện.

Hiện tại, Phòng Giáo dục huyện Con Cuông vẫn triển khai công việc bình thường như các năm.

Tuy nhiên, khối lượng bài tập được giao cho học sinh dịp nghỉ Tết cũng nhẹ nhàng hơn, đảm bảo việc các em có thể được vui chơi nhưng vẫn duy trì được kiến thức, không quên chuyện bài vở.

Nêu quan điểm cá nhân về công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu, thầy Trung cho biết:

“Trong việc này thì mỗi người cũng có một quan điểm khác nhau, còn việc có nơi không giao bài tập cho học sinh trong dịp nghỉ Tết cũng có cái lý của họ.

Đó có thể là do thường ngày các em đã được học 2 buổi/ngày hoặc trước lúc nghỉ khối lượng bài vở đã được cô và trò giải quyết hầu như là cơ bản trên lớp.

Đó là chưa kể một số nơi ngoài việc học chính khoá các em còn tham gia vào các lớp học thêm nữa, như vậy thì việc không giao bài tập cho các em nghe có vẻ hợp lý vì các em suốt một thời gian giài vùi đầu với con chữ, thời gian Tết để các em có dịp nghỉ ngơi, cân bằng lại đầu óc để sẵn sàng bước vào thời gian học tiếp theo.

Còn nếu địa phương nào vẫn bảo vệ quan điểm là nghỉ Tết nhưng các em vẫn phải dành thời gian để ôn luyện, tránh việc các em quên mất kiến thức thì cũng có cái đúng.

Bởi trong đợt nghỉ Tết năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng ta cũng không khuyến khích học sinh ra đường, tụ tập hội nhóm nên ngoài thời gian vui chơi cùng gia đình và họ hàng các em có thể tranh thủ ôn bài thì nghe cũng hợp lý, và cũng là cách giết thời gian những ngày nghỉ hiệu quả.

Tóm lại, việc làm này cần phải nhìn nhận vào tình hình thực tế của từng địa phương, chứ không nên theo một khuôn mẫu cứng nhắc nào cả.

Tuy nhiên, cũng phải xét đến khía cạnh rằng nghỉ Tết là dịp để các em đoàn viên cùng gia đình, được thoải mái vui chơi sau một năm học hành nên có giao bài tập về nhà cũng nên đưa ra với khối lượng nhẹ nhàng, đủ để các em ôn luyện và không quên kiến thức.

Theo tôi, nếu có giao bài tập về nhà thì làm sao trong những ngày nghỉ, tính bình quân các em chỉ cần bỏ ra khoảng 1 tiếng đồng hồ để ôn luyện xong khối lượng bài vở trong một ngày là hợp lý nhất.

Vậy nên, không hẳn là buộc các giáo viên không giao bài tập về nhà cho các học sinh trong các dịp nghỉ lễ, Tết mới được lòng các phụ huynh, mà có thể cho các em ôn luyện trong kỳ nghỉ với khối lượng vừa đủ, không trôi mất kiến thức thì sẽ hài hoà và được các phụ huynh đồng tình, ủng hộ”.

Trung Dũng