Liên quan đến vấn đề có nên giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết hay không thì đến nay đã có hai Sở Giáo dục là Quảng Bình và Bà Rịa – Vũng Tàu ra công văn yêu cầu giáo viên không giao bài tập Tết.
Lý do được hai Sở này đưa ra là nhằm tạo điều kiện cho học sinh có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình, chứ không phải chịu áp lực cặm cụi vào đống bài tập.
Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (bìa phải) cùng các giáo viên giảng dạy trực tuyến trong đợt dịch covid-19 vừa qua. Ảnh: AN |
Chia sẻ với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết:
“Theo quan điểm của tôi thì nếu có ra bài tập trong đợt nghỉ Tết này thì chỉ nên có với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, còn cấp tiểu học thì không.
Bởi cấp Tiểu học không có bài tập để ra về nhà và hầu như là không nên. Lý do là ở cấp tiểu học thì đặc thù của các em là trí nhớ ngắn hạn hơn, tức là nhanh quên nhưng cũng nhanh tiếp thu.
Bình thường ở trường, các em học cũng quên thì giáo viên phải nhắc nhở lại. Còn giao bài tập về nhà với lý do là để các em không bị quên bài thì nó không mang nhiều tác dụng và ý nghĩa lắm. Đó là chưa kể khi giao bài tập quá nhiều sẽ gây áp lực cho các em, gây tác dụng ngược.
Còn đối với cấp 2 và cấp 3 thì tâm lý của các em đã ổn định, việc học của các em đã có sự tích lũy, tự giác hơn nên cũng nên giao bài tập.
Nhưng giao với một lượng nhất định ở một số bộ môn nhất định. Ví dụ như giao bài tập về Toán, Lý, Hóa. Nhưng mức độ bài tập cũng ít thôi, gọi là bài tập gợi nhớ thôi chứ đừng giao nhiều quá.
Giao nhiều quá là dịp Tết trở thành nỗi hãi hùng của các em chứ không phải là dịp để các em vui chơi, sum họp bên gia đình”.
Cũng theo thầy Phong, ở bậc tiểu học thì có quy định rất rõ ràng là không giao bài tập về nhà cho các em. Cho nên trong mỗi đợt nghỉ Tết dài thì phụ huynh có kết nối với giáo viên chủ nhiệm qua facebook, zalo… để nhắc nhở cho các con.
Tùy từng em cụ thể để nhắc các em ôn lại bảng nhân, bảng chia một chút chứ không yêu cầu làm bài tập. Hoặc những em đọc yếu thì nhắn phụ huynh cho các em đọc đi, đọc lại một số đoạn văn trong sách tiếng Việt để các em không quên mặt chữ thôi. Không xem nó như là một bài kiểm tra, rèn luyện trong dịp Tết.
“Thời gian trước nghỉ Tết thì giáo viên đã cho học sinh ôn tập tương đối tốt rồi. Sau Tết, tầm ngày 4 – 5 âm lịch thì giáo viên sẽ nhắn cho phụ huynh một vài tin nhắn nhắc lại việc các em đọc lại một số nội dung gì đó.
Để khi các em bước vào lịch học chính thức sau kỳ nghỉ dài thì nó có một bước tiếp nối chứ không có sự bỡ ngỡ. Kiểu như đang chơi, đang nghỉ ngơi mà bất ngờ vào học thì các em thay đổi không kịp. Ở đây như một sự chuẩn bị nhẹ nhàng để bước vào học”.
Thầy Phong cho rằng, việc hai Sở Giáo dục nói trên phải ra công văn yêu cầu không được ra bài tập về nhà cho học sinh trong dịp Tết là bởi có thói quen của các thầy cô ở cấp 2 thường ra bài tập quá nhiều.
Thầy Phong dẫn chứng, một em học sinh cấp 2 học đến 7-8 môn học mà có những môn có bài tập dài, bài tập lớn. Mỗi môn giao từ 10 bài thì cả trong một dịp Tết, mỗi học sinh phải giải quyết đến 80 bài tập như vậy thì thời gian đâu các em chơi, các em nghỉ nữa.
Ở cấp hai thì việc học chấm điểm hàng ngày, được ghi vào sổ. Còn ở bậc Tiểu học thì việc đánh giá thường xuyên, không có điểm, nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
“Do đó, tôi nghĩ những văn bản như thế này (không ra bài tập Tết cho học sinh) chỉ đạo cho cấp 2 và cấp 3 là đúng, còn bậc Tiểu học thì nó trở nên thừa”, thầy Phong chia sẻ thêm.