Giáo sư Đinh Quang Báo không đồng tình việc đốt bằng tốt nghiệp

29/01/2018 07:05
XUÂN QUANG
(GDVN) - "Việc đốt bằng tốt nghiệp hành vi ứng xử phi giáo dục cần phải lên án...", Giáo sư Đinh Quang Báo nêu quan điểm.

Đốt bằng tốt nghiệp là không thể chấp nhận được 

Cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa đốt bằng tốt nghiệp khiến nhiều người bất ngờ.

Bình luận về sự việc nêu trên, hôm 24/1, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đây là hành vi phi giáo dục, cần lên án.

"Đây không thể xem là một hiện tượng xã hội vì nó rất cá biệt. 

Tuy nhiên, nó là hành vi ứng xử phi giáo dục cần phải lên án.

Ảnh chụp màn hình tấm bằng tốt nghiệp đại học bị đốt. (Ảnh: Đan Quỳnh).
Ảnh chụp màn hình tấm bằng tốt nghiệp đại học bị đốt. (Ảnh: Đan Quỳnh).

Vị Giáo sư phân tích: "Việc người ta phản ứng với bố mẹ bằng việc đốt bằng của cử nhân là phản ứng của công dân này với công dân khác. 

Trong trường hợp các em cảm thấy mình không phù hợp với ngành nghề đã chọn thì có thể đi học thêm văn bằng khác cho phù hợp với đặc thù công việc, chứ không nên thực hiện hành vi như vậy", Giáo sư Đinh Quang Báo nhận định.

Ngoài kiến thức phải có năng lực lập nghiệp

Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề giáo dục hướng nghiệp cho học sinh qua sự việc vừa xảy ra.

Giáo sư Đinh Quang Báo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà trường, gia đình trong việc hướng nghiệp, chọn nghề cho người học.

"Dưới góc độ giáo dục, qua vụ việc này có thể thấy, vấn đề hướng nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp của người học là một chủ đề cần quan tâm trao đổi.

Trong chương trình Giáo dục phổ thông mới chúng ta cũng đặt vấn ra đề hướng nghiệp cho các em.

Tuy nhiên cần xem việc hướng nghiệp cho các em ở bậc phổ thông là vấn đề mang tính trọng tâm của giáo dục.

Theo đó, phải đánh giá đúng vai trò của nhà trường, gia đình trong việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh", vị Giáo sư nhận định.

Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Xuân Trung.
Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Xuân Trung.

Giáo sư Đinh Quang Báo phân tích: "Thời tôi còn làm Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm, có nhiều sinh viên học năm thứ nhất, nhưng sau đó thi lại rồi xin chuyển trường.

Trường tôi cũng tiếp nhận những học sinh như vậy.

Cho nên, trước khi bước vào cánh cửa Đại học, nhà trường phải coi hoạt động hướng nghiệp và vấn đề quan trọng có tính trọng tâm để học sinh có điều kiện tham gia hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. 

Bởi ngay bản thân học sinh nhiều khi cũng không thể nhìn nhận, phân tích được hết những góc cạnh trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho mình.

Nhiều khi các em lựa chọn nghề theo cảm tính hoặc theo sự ép buộc của bố mẹ.

Ngoài ra, cha mẹ học sinh cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho các em.

Bởi lẽ, việc chọn nghề nghiệp ngoài ý thức bản thân, học sinh phải đánh giá được mình, xem có phù hợp với nghề nghiệp đó hay không.

Điều này cần có sự quan tâm, chia sẻ của phụ huynh.

Giáo sư Đinh Quang Báo không đồng tình việc đốt bằng tốt nghiệp ảnh 3

Cựu sinh viên đốt bằng tốt nghiệp viết thư xin lỗi đồng môn, nhà trường

Tuy nhiên, dù là lực lượng nào tác động vào việc hướng nghiệp của học sinh cũng không nên ép buộc, mà cần nên định hướng cho các em chọn nghề cho phù hơp. 

Hay nói cách khác, bản thân học sinh phải là người quyết định cho sự lựa chọn nghề nghiệp của mình", Giáo sư Đinh Quang Báo nói. 

Vị Giáo sư cũng cho rằng, việc đào tạo nghề nghiệp phải gắn với năng lực lập nghiệp của người được đào tạo.

"Hiện nay việc đào tạo sinh viên chưa chú trọng tới vấn đề năng lực lập nghiệp.

Thực tế cho thấy, người có kiến thức đào tạo chưa chắc anh đã thành đạt khi ra đời. Nhưng năng lực lập nghiệp là thứ rất quan trọng để tạo nên thành công. 

Tức là ngoài kiến thức đào tạo, người đào tạo và người được đào tạo phải nắm được nhu cầu xã hội, từ đó tìm ra hướng đi mà xã hội yêu cầu", Giáo sư Đinh Quang Báo nêu quan điểm. 

XUÂN QUANG