Trao đổi với Giáo sư Đinh Quang Báo về vấn đề quá tải và tích hợp sách giáo khoa

26/11/2017 07:42
Phan Tuyết
(GDVN) - Đôi điều thắc mắc gửi đến Giáo sư Đinh Quang Báo, kính mong ông giải đáp và cho ý kiến để chúng tôi được “mở rộng tầm nhìn”.

LTS: Trước những phát biểu của Giáo sư Đinh Quang Báo, cô giáo Phan Tuyết gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết trao đổi về vấn đề tích hợp và quá tải trong chương trình học phổ thông.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong một phát biểu mới đây nhất, Giáo sư Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nói về hai vấn đề lớn đang được nhiều người quan tâm là "tích hợp" và "quá tải" trong chương trình học hiện nay của học sinh các cấp.

Là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, chúng tôi thấy còn nhiều băn khoăn, thắc mắc trước những vấn đề Giáo sư nêu.

Vì thế, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được phép trao đổi cùng Giáo sư xoay quanh hai vấn đề ấy.

Hy vọng những nhà giáo chúng tôi sẽ có được những lời giải đáp tận tình và thỏa đáng nhất.

Vấn đề tích hợp trong chương trình mới đang được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh họa: antgct.cand.com.vn)
Vấn đề tích hợp trong chương trình mới đang được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh họa: antgct.cand.com.vn)

Chuyện về tích hợp

Câu chuyện về tích hợp (một môn ba thày dạy) đang gặp phải phản ứng dữ dội từ công luận.

Đã có nhiều bài viết chất vấn thẳng Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thấu đáo.

Dư luận lo ngại việc tích hợp mang tính cơ học ấy không chỉ làm rắc rối hơn việc phân công chuyên môn (phân công giáo viên dạy, lên lịch báo giảng, chấm bài, vào điểm, phê học bạ…) ở các trường;

Mà điều đáng lo ngại nhất là giáo viên không thể dạy theo kiểu tích hợp chỉ mang tính gộp môn này.

Chẳng hiểu sao Giáo sư lại đồng tình với việc tích hợp kiểu cơ học như thế?

Vì vậy, Giáo sư đã đưa ra “đề xuất giải pháp chính để bồi dưỡng giáo viên dạy học tích hợp đáp ứng yêu cầu mới”.

Thú thật, đọc những đề xuất nêu trên, chúng tôi chẳng thể nào hiểu nổi.  

Vậy làm phiền Giáo sư có thể đưa ra minh chứng cụ thể để làm rõ thế nào là “vừa bảo đảm mạch logic nội dung từng đơn môn, vừa có các chủ đề tích hợp một cách logic các đơn môn đó.

Các chủ đề tích hợp vừa kết nối được các đơn môn, vừa có vai trò giúp học sinh hiểu sâu từng đơn môn.

Thỏa mãn yêu cầu kép này các chủ đề tích hợp có thể là các nguyên lý khoa học khái quát, các lĩnh vực hoạt động ứng dụng tri thức liên môn”.[1]

Trao đổi với Giáo sư Đinh Quang Báo về vấn đề quá tải và tích hợp sách giáo khoa ảnh 2

Có riêng công thức năng lực cho học sinh bằng dạy học tích hợp!

Giáo sư tự tin rằng “giáo viên được đào tạo chuyên về các đơn môn (Sinh học, Vật lý hay Hóa học) vẫn dạy được và dạy tốt các môn học tích hợp.

Từ đó, sẽ không gây khó khăn xáo trộn cơ cấu phân công giáo viên dạy các môn khoa học tích hợp”.

Tới đây thì chúng tôi thắc mắc, chẳng biết căn cứ vào đâu mà Giáo sư lại có thể lạc quan khi cho rằng sau khi bồi dưỡng thì giáo viên vẫn dạy được và dạy tốt?

Giáo viên đã nghe câu chuyện “Thật tội cho giáo viên dạy Sinh học, trước khi lên tiết dạy phải gặp giáo viên Vật lý để hỏi kiến thức rồi mới truyền đạt cho học sinh” mà nhóm giáo viên ở Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ trên Báo VnExpress?

Và trong thực tế không chỉ mình giáo viên ở Vũng Tàu mà ở nhiều địa phương giáo viên cũng gặp khó khăn khi áp dụng dạy tích hợp kiểu cơ học trong chương trình mới VNEN như thế.

Đội ngũ giáo viên đã không thể dạy tích hợp kiểu cơ học Lý - Hóa - Sinh, bởi khi được đào tạo tại trường sư phạm họ cũng được đào tạo đơn môn, bao nhiêu năm đứng lớp cũng chỉ dạy mỗi môn học ấy.

Nay chỉ dựa vào thời gian đào tạo lại ngắn ngủi thì làm sao có đủ kiến thức để giảng dạy được?

Còn đội ngũ giáo viên chuẩn bị ra trường hiện nay cũng chẳng thể hy vọng gì khi nhiều năm trở lại đây đầu vào sư phạm điểm chuẩn tuyển sinh thường “chạm đáy”.

Với 3 môn thi 9 điểm là đậu cao đẳng sư phạm, 12-13 điểm là đậu đại học.

Dù đau lòng cũng phải nói thêm rằng chỉ học sinh yếu, kém, trung bình mới thi vào sư phạm.

Liệu với năng lực, trình độ này khi được đào tạo họ vừa có tri thức đủ rộng, vừa có năng lực dạy học một môn học, chuyên đề ở mức cao hơn, sâu hơn, gắn cụ thể hơn với một lĩnh vực ngành nghề như khẳng định của Giáo sư không?

Câu chuyện về quá tải chương trình

Trao đổi với Giáo sư Đinh Quang Báo về vấn đề quá tải và tích hợp sách giáo khoa ảnh 3

Giáo dục cải cách liên tục gây tốn kém và hoang mang

Giáo sư Đinh Quang Báo cho biết kiến thức tại Việt Nam mới chỉ bằng 70% so với các nước trên thế giới vì thế trong chương trình mới tăng lên 100% như các nước.

Đọc đến những thông tin này, chúng tôi giật mình hoảng hốt không hiểu căn cứ vào đâu để Giáo sư đưa ra nhận định ấy?

Trong khi không chỉ giáo viên mà chính học sinh, phụ huynh và không ít chuyên gia giáo dục vẫn thừa nhận rằng kiến thức mà học sinh Việt Nam đang học quá nặng so với độ tuổi và so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Trước khi người viết bài đưa ra minh chứng cho những điều mình nói. Chúng tôi muốn Giáo sư cung cấp cho độc giả biết “các nước trên thế giới” mà Giáo sư nói là những nước nào?

Và chắc chắn những nước ấy không phải là những nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản.

Vì sao chúng tôi nói thế? Hãy nghe những người trong cuộc bày tỏ bằng chính những câu chuyện có thật của gia đình mình.

Những đổi mới về chương trình giáo dục phổ thông sẽ có tác động nhiều đến học sinh. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Những đổi mới về chương trình giáo dục phổ thông sẽ có tác động nhiều đến học sinh. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Anh Nguyễn Danh Lam một nhà văn Việt Nam sống ở Mỹ kể rằng:

Hồi ở nhà, hai vợ chồng mình đã... chuẩn bị trước nên tập trung cho 2 đứa nhỏ theo học một trường quốc tế có... mức học phí vừa phải.

So với các bạn “trường ngoài”, 2 nhóc mình đã khá nhẹ nhàng trong việc thi đua... thành tích, bài vở.

Tuy nhẹ nhàng vậy, nhưng sang đến Mỹ, hai đứa nhỏ... vẫn hẫng, bởi bên này còn học nhẹ hơn! Trong ba lô của mấy đứa nhỏ khi tới trường luôn “lỏng chỏng” 1- 2 cuốn tập.

Các môn học dù “gồ ghề” nhất như Toán, người ta cũng biến hết chúng thành... games và đưa mấy games ấy lên mạng của nhà trường.

Mỗi học sinh được cấp một “mã” để vào trang nhà trường... chơi games mỗi tối.

Games ấy thực chất là... toán.

Người ta cho cộng trừ con chó, con mèo, cái cây, ngọn cỏ gì đó; hoặc nhận biết hình tròn, hình vuông, hình tam giác; hay chia các đoạn thẳng, đo cắt, dán tùm lum...

Chơi xong một game tức là giải xong một bài, sẽ được tặng một số điểm.

Trao đổi với Giáo sư Đinh Quang Báo về vấn đề quá tải và tích hợp sách giáo khoa ảnh 5

Học sinh học quá tải - Trách nhiệm hàng đầu thuộc về giáo viên

Ngược lại với học kiến thức, giờ thể dục của bọn chúng lại không hề chơi mà chạy nhảy xì khói.

(Rất ngược với Việt Nam, khi làm toán thì xì khói mà giờ thể dục lại ra đứng quờ quờ. Thầy toán rất oách, còn thầy thể dục rất... lủi thủi). [2]

Một độc giả khác cho biết “Tôi sống tại California có con gái đang học lớp 4.

Tôi chứng kiến mấy đứa cháu ở Việt Nam đang học tiểu học cặm cụi làm bài tập mỗi tối, đi học đeo một chiếc cặp nặng trịch trên vai, nhìn lại thấy con gái mình đang học ở Mỹ từ lớp 1 đến lớp 4 chưa bao giờ có cuốn sách hay cái bút trong túi.

Đeo cặp cho ra dáng học sinh nhưng cặp rỗng tuếch.

Một tuần thầy/cô giáo cho một tập bài tập về nhà, con gái tôi làm khoảng 2 tiếng chiều thứ Hai đã xong.

Từ ngày thứ Ba đến thứ Sáu đi học về (3 giờ chiều) cháu chỉ quanh quẩn chạy nhảy, đạp xe quanh nhà, đọc sách và vẽ vời theo ý thích chứ không còn động đậy gì đến sách vở ở trường.

Tôi rất lo cho cách học như vậy nhưng ông xã tôi, người sống hơn 40 năm ở Mỹ trấn an:

"Kệ cho nó thoải mái chơi, đến lúc nào cần học nó sẽ học được thôi. Em thấy đại học ở Mỹ vẫn tốt nhất đấy thôi, chúng nó có đi học phổ thông ở nước ngoài về Mỹ học đại học đâu.

Trẻ con ở Việt Nam học nhiều thế có làm được gì sau này mới là điều quan trọng chứ. Em lo lắng làm gì."

Tôi nghĩ cũng có lý nên không lo con bé "không có gốc" khi vào đại học như trước đây nữa”.

Tôi đang sống ở thành phố Houston Texas. tôi thấy các cháu học cấp 1 và cấp 2 rất nhàn nhã. Đúng học là chơi và chơi là học”.

Trao đổi với Giáo sư Đinh Quang Báo về vấn đề quá tải và tích hợp sách giáo khoa ảnh 6

Quá tải tiểu học không chỉ tại chương trình

Một độc giả hiện có 2 con đang học ở Úc cho biết:

“Cái hình thức giáo dục cấp 1 học như tiến sĩ, còn tiến sĩ (có khi) lại học như… cấp 1 - hoàn toàn ngược với thế giới - nên bởi vậy, so sánh với thế giới ở trình độ cấp 1, cấp 2 thấy con nít ta hơn đứt là đúng rồi.

Bởi trẻ con ở ta phải đâm đầu vào bài vở, trong khi con nít ở tây đang đi chơi, đi múa, đi hát, đi tập thể thao mà!

Con tôi 2 đứa đang học tiểu học và trung học tại Úc, thì ngoài việc học và chơi ở trường ra mà thật ra chơi nhiều hơn học. [2]

Chị Lan một công dân đang sống tại Anh cho biết:

“Toán lớp 7 ở Anh dạy cộng trừ nhân chia hai, ba chữ số trong khi kiến thức đó ở Việt Nam bé Hoà (12 tuổi) học từ lớp 4-5.

Nhiều học sinh ở Việt Nam chỉ được xếp loại khá môn Toán, sang nước ngoài được đánh giá giỏi, xếp vào học lớp chất lượng cao”. [3]

Chị cho biết, đưa cả gia đình sang Anh sinh sống, bé Hòa học hết lớp 5 ở Việt Nam, lẽ ra con chị phải học lớp 6 khi ra nước ngoài, nhưng trường Faringdon Community College lại xếp cháu học lớp 7.

"Chương trình Toán lớp 7 của Anh bây giờ vẫn học cộng trừ nhân chia hai, ba chữ số.

Kiến thức này con tôi đã học từ lớp 3-4 ở Việt Nam, thậm chí học cộng trừ nhân chia phân số rồi. Do đó, ở lớp bên Anh, nhiều bài con làm xong sớm nhất”.

Người mẹ chia sẻ, ở Việt Nam con chị phải đi học thêm Toán 2 tối một tuần. Đợt trước kỳ thi, nhiều đêm con phải học đến 1h sáng nên rất mệt mỏi.

Sang Anh, cháu rất thoải mái mỗi lần đi học về, dù rằng về mặt ngôn ngữ vẫn chưa thực sự hòa nhập.

Trao đổi với Giáo sư Đinh Quang Báo về vấn đề quá tải và tích hợp sách giáo khoa ảnh 7

Con sợ học thêm trên trường lắm rồi!

Ở trường, học sinh nào tự thấy chưa hiểu bài trong giờ giảng, có nhu cầu học thêm các môn văn hóa, sẽ được giáo viên dạy miễn phí tại trường.

Lượng bài tập về nhà của học sinh rất ít, chủ yếu là giải trên lớp.

Vy Nguyễn (23 tuổi) sang Mỹ định cư từ năm lớp 11 cũng chia sẻ, chương trình học phổ thông tại Mỹ của em nhẹ nhàng hơn các bạn Việt Nam.

Tổng thể số lượng môn học ở hai nền giáo dục có thể như nhau, thậm chí Mỹ nhiều môn hơn, nhưng khối lượng kiến thức học sinh Mỹ cần tiếp nhận ở cấp phổ thông lại ít hơn. 

Các nội dung kiến thức được trải rộng cho đến cả bậc đại học.

Lấy ví dụ với môn Toán, khi vào đại học, Vy mới học môn Tích phân trong khi các em của Vy ở Việt Nam học cấp 3 đã có môn này.

“Học sinh Việt Nam qua Mỹ thường học rất giỏi Toán. Khi ở Việt Nam mình chỉ được khoảng 7 điểm môn này, sang Mỹ mình lại được xếp vào lớp chất lượng cao”, Vy nói.

Tại Mỹ, tùy khả năng của từng học sinh nhà trường sắp xếp số môn phù hợp.

Tại Nhật Bản, theo một người Việt Nam đang sống ở Tokyo, thời gian học ở trường của học sinh nơi đây ít hơn Việt Nam.

Sau 45 phút, học sinh sẽ được nghỉ giải lao 15 phút, sau 2 tiết sẽ được nghỉ 20 phút, một ngày học 5-6 môn, từ 9h đến khoảng 14h - 15h30.

Trọng Dũng đang học tại Kanagawa (Nhật Bản) cũng cho biết, giáo dục phổ thông ở Nhật chỉ dạy những điều căn bản nhất, những kiến thức chuyên sâu sẽ được đào tạo khi vào đại học.

Với nền giáo dục này, thanh niên Nhật không hiểu nhiều biết rộng như Việt Nam nhưng cái gì nằm trong lĩnh vực chuyên sâu của họ, họ sẽ hiểu rất rõ.

Nhiều người được hỏi đều cho rằng, chương trình học ở Việt Nam quá nặng, thừa kiến thức học thuật song lại thiếu các môn mang tính thực hành, ứng dụng, môn kỹ năng sống, thể chất. 

Ở Anh, con chị Lan được học nhiều kiến thức có ứng dụng thực tế, như môn kỹ thuật lớp 7 dạy cách sử dụng thiết bị trong gia đình (gồm tủ lạnh, bếp, lò nướng...), cách sửa xe đạp, đồ điện với những lỗi đơn giản.

Học sinh được học nấu ăn mỗi tuần một món và mang về cho bố mẹ thử.[3]

Kiến thức của Việt Nam hiện nay được đánh giá quá nặng so với học sinh mà Giáo sư lại cho rằng mới đạt 70% so với các nước trên thế giới vì thế trong chương trình mới tăng lên 100% như các nước.

Mới 70% mà học sinh phải học đến gù lưng, mờ mắt, vì học suốt ngày trên trường tối về còn cày ở các lớp học thêm. [4]

Nếu ở chương trình mới tăng lên 100% chúng tôi đoán rằng học sinh của chúng ta lúc đó sẽ “tẩu hỏa nhập ma” hết cả lượt.

Đôi điều thắc mắc gửi đến Giáo sư kính mong ông giải đáp và cho ý kiến để chúng tôi được “mở rộng tầm nhìn”.

Kính chúc Giáo sư sức khỏe để cống hiến nhiều cho nền giáo dục nước nhà.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/chung-ta-dang-hieu-sai-ve-qua-tai-vi-the-chuong-trinh-moi-thuc-chat-se-tang-tai-577493.ldo

[2] http://duhoc.dantri.com.vn/du-hoc/tai-sao-o-may-nuoc-au-my-con-nit-hoc-yeu-20171104081035358.htm

[3] https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-sinh-viet-nam-lop-4-lam-toan-lop-7-cua-anh-3096949.html

[4] https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-sinh-lop-1-so-den-truong-phu-huynh-than-kien-thuc-qua-tai-3095930.html#ctr=related_news_click

Phan Tuyết