Giáo sư Ngô Bảo Châu: Muốn duy trì nghiên cứu khoa học phải luôn làm mới mình

02/04/2022 06:14
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Ngô Bảo Châu: Toán học không chỉ là các công thức mà đằng sau đó trong những bối cảnh sẽ tạo ra nhiều ứng dụng thực tế đời sống không thể ngờ tới.

Ngày 1/4/2022, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã có buổi nói chuyện với hàng trăm học sinh, sinh viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về vai trò, các thách thức khi học và nghiên cứu Toán trong bối cảnh hiện nay.

Mở đầu buổi giao lưu, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ với các bạn trẻ về 3 bài toàn đố cụ thể. Từ những ví dụ đó, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã rút ra rằng Toán học không chỉ là các công thức mà đằng sau đó trong những bối cảnh sẽ tạo ra nhiều ứng dụng thực tế đời sống không thể ngờ tới.

Khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu là phải làm mới bản thân

Trước câu hỏi của sinh viên về những khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết, trong nghiên cứu khoa học có vô vàn khó khăn khác nhau, nhưng cái khó lớn nhất là luôn phải làm mới bản thân.

“Khi bắt đầu học, tôi phải trang bị kiến thức, những vũ khí tư duy để giải quyết những bài toán. Sau một thời gian, những bài toán ấy đã được mình giải hết rồi thì phải tự trang bị cho mình những bài toán mới. Phải thay đổi bản thân mình, học để mình nhuần nhuyễn.

Như trước đây, tôi làm một dạng toán thì giờ phải học, giải đa dạng nhiều dạng toán khác. Trong làm khoa học, muốn duy trì nghiên cứu một cách liên tục ở mức độ nào đó, thì cần phải luôn làm mới mình, biết lựa chọn đề tài và thay đổi tư duy của mình.

Sinh viên Nguyễn Đình Đăng Khoa đặt câu hỏi với Giáo sư Châu rằng, ông có phải là người giỏi cân bằng mọi thứ trong cuộc sống không, và có khoảnh khắc lười trong ngày không, làm thế nào để vực dậy khỏi cơn lười đó?

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Lê Phương)

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: Lê Phương)

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ, bản thân không rõ mình có phải là người giỏi cân bằng cuộc sống không, nhưng cũng có lúc ông bị mất cân bằng.

“Trong cuộc sống, tôi không chỉ quan tâm đến toán, mà còn để tâm đến nhiều vấn đề khác như Khoa học, Triết học, Mỹ thuật…điều đó làm cuộc sống thú vị hơn. Tuy nhiên, những mối quan tâm đó không quá nhiều, vì tôi biết mình tập trung vào làm toán sẽ tốt hơn. Còn lười thì ai cũng lười cả” – Giáo sư Ngô Bảo Châu cho hay.

Giáo sư Ngô Bảo Châu nói tiếp, không rõ phải do ngày càng lớn tuổi hay không, mà bản thân thích ngủ. Tuy nhiên, phải luôn cố gắng để hoàn thành trách nhiệm của mình. Đó cũng là cách Giáo sư Châu thoát khỏi những cơn lười.

Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, ông rất may mắn khi vợ ông rất quan tâm, tôn trọng công việc của ông, dù điều đó không phải là dễ dàng. Khi giải toán cũng giống như tự kỷ, khi suy nghĩ đến việc giải toán gần như Giáo sư Châu không quan tâm đến ai, trông mặt không lấy gì là vui vẻ.

Đó là một gánh nặng tâm lý rất lớn với người trong nhà, nhưng vợ Giáo sư Châu hiểu và thông cảm được điều đó, tôn trọng và là chỗ dựa vững chắc cho giáo sư.

“Tôi từng có thời gian khủng hoảng học tập”

Phạm Ngọc Trai – sinh viên năm nhất đặt câu hỏi: “Mỗi lần giải Toán em đều áp dụng công thức để giải, nhưng không hiểu được lý do tồn tại của những công thức đó. Những lúc ấy, em thường bị mất động lực, và luôn tự hỏi vì sao mình ở đây, vì sao học những điều này. Thầy có bao giờ bị như vậy không?”

Chia sẻ với nam sinh viên này, Giáo sư Ngô Bảo Châu đồng cảm cho biết, bản thân mình cũng có thời gian khủng hoảng học tập rất nghiêm trọng.

“Lúc đó, tôi sang Pháp học và rơi vào tình cảnh không hiểu một loạt kiến thức như không gian, vector đối ngẫu…và những mẹo mực của toán tôi cảm thấy rất vô bổ. Nhưng may mắn sau đó, tôi đã gặp thầy Laumon – người Pháp và đã được hướng dẫn rất tỉ mỉ.

Tôi ngày càng hiểu không phải khái niệm trừu tượng nào cũng hay, và nó chỉ hay khi giúp khả năng diễn đạt khoa học của bạn tốt hơn.” – Giáo sư Ngô Bảo Châu cho hay về chính câu chuyện mình đã gặp.

Sinh viên đặt câu hỏi trực tiếp với Giáo sư Ngô Bảo Châu (ảnh: Lê Phương)

Sinh viên đặt câu hỏi trực tiếp với Giáo sư Ngô Bảo Châu (ảnh: Lê Phương)

Giáo sư Châu thừa nhận, chính thầy Laumon là người có vai trò định hướng cho ông đến với thành công như ngày hôm nay. Trong suốt 3 năm học, Giáo sư Châu đã bế tắc, nhưng nhờ người thầy này là một may mắn lớn nhất trong cuộc đời ông.

“Với tôi, thầy Laumon là một trong những thầy giáo dạy Toán giỏi nhất thế giới” – Giáo sư Ngô Bảo Châu khẳng định.

Trao đổi trực tiếp với Giáo sư Ngô Bảo Châu, sinh viên Phan Thành Trung cho biết, em gặp bế tắc về học tập, nghiên cứu và “cầu cứu” giáo sư lời khuyên.

Ông Ngô Bảo Châu thừa nhận, để có những đột phá trong nghiên cứu thì cần phải tích lũy mỗi ngày. Khái niệm tích lũy có thể hiểu như một phương trình, lần đầu không hiểu nhưng nếu mỗi ngày suy nghĩ về nó một chút thì sau vài tháng nó sẽ không còn là điều lạ lẫm nữa.

Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, bế tắc cũng là việc bình thường. Thậm chí 90-95% trong thời gian nghiên cứu rơi vào tình trạng này. Khi gặp bế tắc cũng không cần quá lo, bởi nếu làm được ngay thì mọi việc chắc cũng không cần đến nghiên cứu hay các nhà khoa học làm gì.

“Tôi nghĩ trong cuộc đời nghiên cứu chỉ cần vài ba lần khám phá, là chúng ta đã hạnh phúc, và thấy cuộc sống tuyệt vời “ – Giáo sư Châu nhấn mạnh.

Thầy Ngô Bảo Châu cho rằng, ngày nay thì điều kiện nghiên cứu khoa học ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, dù đã tốt hơn 10 năm trước. Chính vì vậy, sinh viên nếu muốn theo hướng nghiên cứu thì cần đến sự nỗ lực, can đảm và đầu tư rất lớn.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cho hay, sinh viên có thể bắt đầu bằng việc tham gia một nhóm nghiên cứu nào đó với những người thầy có kinh nghiệm. Trong những nhóm nghiên cứu, sinh viên cũng sẽ được học hỏi rất nhiều thứ mới mẻ, không chỉ kiến thức mà còn là cách làm khoa học, cách tư duy.

Lê Phương