Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Lịch sử bớt xén, học sinh mơ hồ

27/02/2016 07:11
Xuân Trung
(GDVN) - Quan điểm của GS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khi ông nói về tin sẽ đưa chiến tranh biến giới, hải đảo vào sách giáo khoa.

GS. Nguyễn Quang Ngọc rất hoan nghênh thông tin của Bộ GD&ĐT sẽ đưa chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa sắp tới. Đáng lẽ điều này phải làm từ lâu rồi, đến bây giờ mới đưa là muộn, nhưng muộn còn hơn không.

"Đó chính là sự quyết tâm, cố gắng của Bộ GD&ĐT. Vấn đề đưa chiến tranh biên giới, hải đảo đã được thảo luận rất nhiều, Bộ GD&ĐTcũng nhất trí với chúng tôi từ rất lâu rồi. Nhưng việc triển khai có hơi chậm" GS. Ngọc cho biết.

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cũng đã đưa vào sách nhưng quá ít, sách giáo khoa lớp 12 chỉ có 11 dòng. Với dung lượng ngắn như vậy theo GS. Ngọc nếu không giải thích được rõ ràng thì còn tạo ra sự mơ hồ cho người học.

Thực tế đây là cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, những đóng góp, hy sinh của các chiến sỹ thời đó đã giành được thắng lợi oanh liệt trong thời gian ngắn.

GS. Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh Xuân Trung
GS. Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh Xuân Trung

“Đó là dấu ấn lớn của lịch sử đất nước. Chúng tôi hoan nghênh điều này, cũng mong Bộ GD&ĐT chỉ đạo như thế nào đó để thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn” GS. Nguyễn Quang Ngọc cho biết.

Đối với những nội dung cần thiết sẽ đưa vào sách, GS. Nguyễn Quang Ngọc tóm lược những ý cơ bản như cần phải giải thích rõ ràng, kể cả bối cảnh trong nước và quốc tế để dẫn đến cuộc chiến đó. Cũng cần phải nói rõ chuyện Trung Quốc đã xuyên tạc ý nghĩa của cuộc chiến.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Lịch sử bớt xén, học sinh mơ hồ ảnh 2

Sách giáo khoa mới cần phản bác lại vấn đề xuyên tạc lịch sử

(GDVN) - Nói đến lịch sử là sự thật. Có nguyên tắc chung đối với những người nghiên cứu khoa học, đối với phổ thông những vấn đề đang nghiên cứu sẽ chưa công bố ngay.

Cũng cần nói diễn biến cuộc chiến xảy ra như thế nào, kèm theo đó phải có những mốc chính, phải ghi nhận, khẳng định những đóng góp, hy sinh vô bờ bến của quân dân ta trong thời kỳ này.

“Chúng ta cũng phải đánh giá được vị trí, tầm vóc, ý nghĩa của cuộc chiến thắng này. Trình bày phải đầy đủ, toàn diện, khách quan” GS. Ngọc đề nghị.

Trao đổi thêm với chúng tôi, GS. Nguyễn Quang Ngọc tỏ ra buồn khi trước đó nhiều tình tiết lịch sử cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bị giấu hoặc cắt xén ở sách giáo khoa hiện hành.

Bởi thực tế, những người tham gia viết sử bao giờ cũng phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, số lượng nội dung trước khi được đưa vào sách giáo khoa trước kia là tương đối dày dặn. 

“Sau đó những tình tiết bị cắt bớt đi, lí do là muốn giảm tải, nhưng tôi nghĩ giảm tải kiểu đó là rất nguy hiểm, làm mơ hồ hóa lịch sử. Không được cô đọng lịch sử theo kiểu cắt đi để ít dòng. Người học sẽ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Tôi hy vọng phải làm nghiêm chỉnh trong thời gian tới” GS. Ngọc cho biết.

Cũng liên quan tới nội dung này, phóng viên đã trò chuyện với một cựu chiến binh, ông từng tham gia các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới –TS. Nguyễn Văn Khoan (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), TS. Khoan nhìn nhận sự việc này bằng một trích dẫn của Bác Hồ: “Yêu nước thì phải bảo vệ đất đai và Tổ quốc”.

TS. Nguyễn Văn Khoan - một cựu chiến binh đã trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và chiến tranh bảo vệ biên giới. Ảnh Xuân Trung
TS. Nguyễn Văn Khoan - một cựu chiến binh đã trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và chiến tranh bảo vệ biên giới. Ảnh Xuân Trung

 TS. Nguyễn Văn Khoan nhấn mạnh lại quan điểm khi cho rằng, không có ai giữ nước hộ cho ta, dân ta phải giữ lấy nước ta là chủ yếu, còn viện trợ của nước ngoài rất quan trọng nhưng xét cho cùng không có nước nào giữ nước hộ cho ta dưới ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước. 

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Lịch sử bớt xén, học sinh mơ hồ ảnh 4

Có những tình tiết lịch sử chỉ thấy dân gian lan truyền

(GDVN) - Tại sao nhắc đến chiến tranh chống các vương triều phong kiến Trung Quốc trước đây và cuộc chiến tranh biên giới 1978, 1979 bị xem là “ nhạy cảm”?

Đón nhận thông tin sẽ đưa cuộc chiến vệ quốc của dân tộc vào sách giáo khoa sắp tới, TS. Nguyễn Văn Khoan nói “muộn còn hơn không”. Nhưng “một sự thật mà đau xót còn giá trị rất nhiều lần sự dối trá mà ngọt ngào”.

Đề xuất ý kiến của mình cho những người biên soạn sách giáo khoa sắp tới, TS. Nguyễn Văn Khoan cho rằng, cấp tiểu học, THCS có thể nói sơ qua, nhưng cấp THPT và Đại học phải nói thật tỉ mỉ, thành một chương trong lịch sử Việt Nam. 

“Quan trọng chương đó cần vạch rõ âm mưu thôn tính người Việt Nam của những người lãnh đạo chính phủ Trung Quốc. Cũng phải mạnh dạn nói về những sự thật về ngoại giao chính trị lúc bấy giờ” TS. Khoan thẳng thắn đề nghị. 

Những chia sẻ, đề nghị của các chuyên gia, nhà giáo trong thời gian qua được xã hội ghi nhận, đồng thuận cao. Hy vọng với những động thái tích cực và được sự ủng hộ của xã hội, Bộ GD&ĐT sẽ nhanh chóng đưa các sự kiện lịch sử đầy đủ, phù hợp vào sách giáo khoa trong chương trình bộ môn lịch sử.

Xuân Trung