LTS: Xung quanh câu chuyện sẽ đưa cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc và chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa, dư luận đón nhận thông tin này rất tích cực và cho đó là việc làm cầu thị, cần thiết, kịp thời của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, mức độ, cấu trúc, nội dung đưa vào sách giáo khoa như thế nào, hay như cách triển khai xây dựng chương trình bộ môn như thế nào cho phù hợp thì vẫn còn nhiều kỳ vọng từ xã hội.
Liên quan nội dung trên, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với PGS. Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Sách giáo khoa mới cần phản bác lại vấn đề xuyên tạc lịch sử
PV: Ông đón nhận thông tin về việc Bộ GD&ĐT sẽ đưa nội dung các cuộc chiến tranh biên giới và biển đảo vào sách giáo khoa như thế nào?
PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Việc đưa nội dung cuộc chiến tranh chống quân xâm lược trên biên giới phía Bắc năm 1979 và Tây Nam thực tế ở sách giáo khoa đã đưa.
Tôi vẫn nhớ cụ thể ở sách Lịch sử lớp 9, bài 32, tên bài là “Xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc”, trong đó có mục I “xây dựng đất nước, mục II “bảo vệ tổ quốc”. Trong mục II có nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Có thể khẳng định việc đã đưa cuộc chiến tranh biên giới vào chương trình lịch sử và sách giáo khoa đã có. Tuy nhiên, hạn chế là nội dung còn đơn giản, dung lượng cũng chưa làm thỏa mãn người dạy, người học, thậm chí là chưa thỏa mãn ngay bản thân người viết.
Do đó, khi nghe tới thông tin trên tôi hoàn toàn ủng hộ. Trong chương trình và sách giáo khoa mới chúng ta phải bổ sung, cụ thể hóa ra để làm rõ ràng hơn.
Vì thực tế nếu nói về mặt phương pháp luận và quan điểm cũng phải để cho công bằng, vì những sự kiện, những chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta trong việc chống ngoại xâm, gìn giữ đất nước.
Cũng không thể né tránh, và cũng cần nói đầy đủ hơn. Nhưng nếu làm thì cũng có những hạn chế, đó là chương trình tổng thể hiện nay chưa xong, chương trình bộ môn cũng chưa làm. Vậy thì sẽ làm như thế nào?
PGS. Nghiêm Đình Vỳ. Ảnh Xuân Trung |
Ý của tôi, sau này trong chương trình bộ môn cũng sẽ làm cho những nội dung này đậm hơn, để với mục tiêu giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, thậm chí phải để cho các thế hệ hiện tại khắc cốt ghi tâm vào những ngày chiến thắng của từng sự kiện, để ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam...
Như vậy làm tăng lên hào khí, tình thần yêu nước, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các thế lực chống phá.
Vậy cụ thể hóa ý tưởng của ông cần những việc làm nào cụ thể?
PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Để làm được việc này, theo tôi ở tiểu học vẫn theo phương hướng không học theo thông sử, tích hợp giữa địa lý và lịch sử trong môn tìm hiểu xã hội.
Làm theo cách kể chuyện về những địa danh lịch sử ở những khu vực biên giới, để cho các em yêu đất nước hơn, hay như các địa điểm đã từng diễn ra những trận đánh quyết liệt mà ta chống trả lại ngoại xâm như Vị Xuyên (Hà Giang).
Sự thật của chiến tranh vệ quốc chống xâm lược cần được đưa vào sách giáo khoa(GDVN) - Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh chống xâm lược phía Bắc và cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ từ đất liền tới hải đảo cần được đưa vào sách. |
Cùng với đó có thể kể chuyện thêm về những anh hùng đã tham gia chiến đấu vào ngày 17/2/1979, trong đó có những gương như Anh hùng Lê Đình Chinh, hay như thiếu úy Nguyễn Văn Hiền (tấm gương chiến đấu trên mặt trận cửa ngõ chính để ngăn chặn những đợt tấn công của giặc).
Còn bậc THCS sẽ bổ sung cho cụ thể hơn, rõ hơn, kể cả âm mưu của kẻ thù, đối sách của chúng ta, diễn biến và kết quả, ý nghĩa...Có lẽ sau này trong chương trình và sách giáo khoa cần biên soạn theo định hướng phát triển năng lực (có tư liệu, những câu hỏi để cho học sinh hiểu rõ về những chiến thắng trên).
Đối với THPT theo định hướng chung của các chuyên gia lịch sử, sẽ học theo chủ đề, chuyên đề. Sẽ có những chuyên đề về cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, hoặc các chuyên đề về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, đây là những chủ đề nhỏ trong chủ đề lớn.
Ở THPT do mức độ nâng cao hơn thì ở những chuyên đề đó phải nói rõ cho học sinh về những quan điểm, thậm chí có những quan điểm phản bác lại sự xuyên tạc lịch sử của phía Trung Quốc.
Những nội dung lịch sử có trong sách cần được thẩm định
Dung lượng và thời gian các sự kiện lịch sử đưa vào sách như thế nào cho phù hợp thưa ông?
PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Dung lượng và thời gian như thế nào đó sẽ phụ thuộc vào chương trình mới, nhưng chắc chắn phải tăng thời lượng lên, chứ không thể là đơn giản như hiện nay.
Tất cả những nội dung đó thì Ban soạn thảo chương trình sẽ làm, những tác giả sẽ làm. Trong đó, để bảo đảm tính chính xác, tính khoa học thì sẽ có Hội đồng thẩm định.
Những điều ông suy nghĩ như trên là kỳ vọng của ông đối với Ban soạn thảo chương trình, đặc biệt là chương trình bộ môn lịch sử?
PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Đúng vậy.
Là người làm sử, nghiên cứu lịch sử và người thầy dạy sử, ông cảm thấy thế nào khi trước khi nhiều tình tiết lịch sử bị che giấu?
PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Nói đến lịch sử là sự thật. Nhưng cũng có nguyên tắc chung đối với những người nghiên cứu khoa học, nhất là đại học hoặc các nhà khoa học thì sẽ nghiên cứu một cách cụ thể.
Có những tình tiết lịch sử chỉ thấy dân gian lan truyền(GDVN) - Tại sao nhắc đến chiến tranh chống các vương triều phong kiến Trung Quốc trước đây và cuộc chiến tranh biên giới 1978, 1979 bị xem là “ nhạy cảm”? |
Riêng đối với phổ thông thì những vấn đề gì đang nghiên cứu sẽ chưa công bố trong sách giáo khoa. Có những sự kiện lịch sử cũng chưa nên công bố trong một thời điểm nào đó. Nhưng đối với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam và biển đảo thì đến thời điểm này có thể công bố được.
Ông có chia sẻ gì về các tiêu chí viết sách giáo khoa sắp tới, đặc biệt là sách giáo khoa lịch sử?
PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Hiện nay Bộ GD&ĐT đang xây dựng tiêu chí, nhưng có lẽ phải nên ngắn gọn, bảo đảm được những kiến thức cơ bản, phương pháp, tiếp thu của người học, tiêu chí trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nhưng tiêu chí quan trọng nhất đó là sau khi sách giáo khoa ra rồi thì người học có tiếp thu được hay không.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường học trong khi chờ sách giáo khoa mới có thể lồng ghép giảng dạy nội dung các cuộc chiến tranh biến giới, bảo vệ biển đảo vào giờ chính khóa hoặc ngoại khóa. Liệu điều này có khó thực hiện khi chưa có định hướng cụ thể?
PGS. Nghiêm Đình Vỳ: Tôi ủng hộ ý tưởng này. Nhưng vấn đề đặt ra cho Bộ GD&ĐT và các cơ sở GD&ĐT trong cả nước, đó là phải bám sát nội dung cho thật chuẩn. Vấn đề này nên có sự thảo luận, thống nhất ở các trường, chứ không buông lỏng cho giáo viên muốn dạy thế nào thì dạy.
Vai trò người phụ trách môn lịch sử ở các trường, các cơ sở giáo dục phải thẩm định trước khi áp dụng.
Trân trọng cảm ơn ông.