Giáo sư Trần Hồng Quân - Người khởi xướng cho một loạt chủ trương đổi mới GDĐH

27/08/2023 06:31
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bao thế hệ nhà giáo hôm nay vẫn sẽ nhớ về Giáo sư Trần Hồng Quân - một người thầy của những quyết sách đổi mới giáo dục, một nhà giáo giản dị, thân tình.

Giáo sư Trần Hồng Quân- người đã làm thay đổi diện mạo của hệ thống giáo dục đại học và kiên định với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Dù Thầy đã đi xa nhưng mọi người vẫn sẽ luôn nhớ đến một Bộ trưởng với nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, một nhà giáo chân chính, mẫu mực, một người luôn yêu và “say sưa” với những câu chuyện giáo dục.

Người khởi xướng cho một loạt chủ trương đổi mới giáo dục đại học

Cùng kề vai, sát cánh với cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân trong những năm tháng thực hiện đổi mới giáo dục đại học, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) luôn trân trọng những sáng kiến đổi mới và công lao đóng góp to lớn của Giáo sư Trần Hồng Quân.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân tiếp tục đóng góp, cống hiến cho nền giáo dục.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân tiếp tục đóng góp, cống hiến cho nền giáo dục.

Tiến sĩ Khuyến cho biết, Giáo sư Trần Hồng Quân là người khởi xướng cho một loạt chủ trương đổi mới, tác động mạnh mẽ đến toàn hệ thống giáo dục đại học như: Bốn tiền đề với tư duy mới hoàn toàn khác so với cơ chế tập trung bao cấp; Ba chương trình mục tiêu; Dân chủ bầu cử hiệu trưởng thay cho việc bổ nhiệm của cấp trên; Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý; Chia quá trình đào tạo đại học thành hai giai đoạn để tăng cường kiến thức và kỹ năng cơ bản trong đào tạo, khắc phục tình trạng chuyên môn hóa sớm theo ngành hẹp; Ban hành quy chế học bổng thành hai loại: học bổng theo chính sách xã hội của Nhà nước và học bổng khuyến khích học tập (lần đầu tiên có) được xếp theo bậc thang...

Đồng thời nhiều chủ trương khác cũng lần đầu được Thầy đưa ra như mở các trường đại học ngoài công lập, mở các trường đại học mở....

“Đặc biệt, phải nhắc đóng góp to lớn của Giáo sư Trần Hồng Quân khi đưa ra 4 tiền đề đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong những ngày đầu của công cuộc cải cách giáo dục đại học.

Bốn tiền đề mới này đã giúp giải quyết theo hướng mới hai mâu thuẫn tưởng chừng không thể giải quyết trong các điều kiện hiện nay là:

Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển quy mô, nâng cao chất lượng với khả năng đầu tư của Nhà nước rất hạn chế và ngày càng suy giảm.

Mâu thuẫn giữa đào tạo và sử dụng, hai mặt này thường không khớp nhau, làm giảm đi nhiều hiệu quả của đào tạo”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay.

Phân tích những quan điểm đổi mới của Giáo sư Trần Hồng Quân thời điểm đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ, cũng xuất phát từ các quan điểm của Đại hội VI mà nảy sinh những yêu cầu mới đối với giáo dục đại học.

Mục tiêu đào tạo chung cho mọi loại hình đào tạo đại học là phải nhấn mạnh đến tính cách mạng, tính năng động và tính sáng tạo và phải nhấn mạnh đặc biệt đến việc hình thành bản lĩnh tư duy sáng tạo, biết độc lập suy nghĩ, biết phân tích, có óc phê phán trên một nền tảng vững chắc về kiến thức và kỹ năng cơ bản.

Nói chung phải hết sức chú trọng hình thành chất lượng mới, đó là nội dung cơ bản của nâng cao chất lượng, nhất là ở hệ chuẩn.

Từ đào tạo ban đầu nay phải bồi dưỡng tiếp tục một cách thường xuyên, sau tốt nghiệp phải đào tạo lại cho phù hợp với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Từ đào tạo ở trình độ đại học nay phải tiến lên đào tạo ở trình độ sau đại học ở trong nước, làm cho công tác này trở thành chủ yếu so với việc gửi ra nước ngoài đào tạo.

Từ đào tạo đáp ứng nhu cầu các loại cán bộ, phải mở rộng đào tạo, đáp ứng từng bước các loại nhu cầu học tập, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật của nhân dân.

Từ đào tạo phục vụ những yêu cầu trong nước, có thể phải tiến lên đào tạo chuẩn bị cho việc đưa lao động ra nước ngoài.

Trong quá trình đó nền đại học chúng ta phải tự hoàn thiện và nâng cao năng lực của mình theo hướng tăng tiềm lực, hiện đại hóa, đổi mới cơ cấu hệ thống và đổi mới quản lý.

Chính những tư tưởng đổi mới và những chính sách đổi mới của Giáo sư Trần Hồng Quân đã thổi một luồng gió mới cho giáo dục đại học, giúp các trường đại học được “cởi trói” và có những bước đột phá, phát triển.

Bộ trưởng có nhiều quyết sách cải cách giáo dục mạnh mẽ

Trước khi giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh - Giáo sư Trần Hồng Quân từng là trưởng Khoa Cơ khí của trường.

Có thời gian làm việc, gắn bó với Giáo sư Trần Hồng Quân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thời gian Giáo sư Trần Hồng Quân là trưởng khoa thì thầy Tống là phó khoa. Năm 1976, thầy Quân trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

“Khi đó, thầy Quân đặt hàng tôi thiết kế chương trình đào tạo Kỹ sư Hàng không, tôi viết đề án nhưng thời điểm đó khó mở ngành này, nên tôi đề nghị nên mở những môn tự chọn học thêm trong khoa Cơ khí để có thể dạy các môn học liên quan đến Kỹ thuật hàng không. Song rất tiếc, chúng tôi vẫn chưa mở được ngành Kỹ sư Hàng không thời điểm đó.

Sau này, trường đã mở được ngành học này, nhưng ý tưởng mở ngành đã có từ thời Giáo sư Trần Hồng Quân làm hiệu trưởng”, thầy Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Giáo sư Trần Hồng Quân luôn sống mãi trong trái tim bao thế hệ nhà giáo Việt Nam.

Giáo sư Trần Hồng Quân luôn sống mãi trong trái tim bao thế hệ nhà giáo Việt Nam.

Thời gian làm việc cùng nhau, thầy Tống ấn tượng bởi sự nhiệt tình, tận tâm trong công việc của Giáo sư Trần Hồng Quân, đặc biệt là những tình cảm chân thành, thân tình với đồng nghiệp, bạn bè.

Khi Giáo sư Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy đã có nhiều quyết sách cải cách giáo dục mạnh mẽ, tạo nên những bước đột phá trong tiến trình phát triển của giáo dục đại học Việt Nam.

Trong đó, phải kể đến chính sách bầu cử hiệu trưởng của các trường đại học, những trường đại học tiên phong trong việc thực hiện chính sách này là Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ,... sau đó là các trường đại học khác.

“Tôi đánh giá đây là một chính sách rất tiến bộ, dân chủ, nhiều hiệu trưởng được bầu thời đó đều đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, đưa ra được những con đường đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế cho các trường đại học. Nhưng tiếc là chính sách này chỉ duy trì được một thời gian”, thầy Tống chia sẻ.

Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống tâm sự: “Thầy Trần Hồng Quân là một trong những lãnh đạo của Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh mà tôi rất quý mến.

Thời gian qua, tôi cũng có dịp đến thăm thầy, cùng trò chuyện và ôn lại những kỷ niệm xưa, được lắng nghe thầy chia sẻ về những tâm tư đổi mới, phát triển giáo dục nước nhà”.

Một nhà giáo giản dị, sâu sắc, thân tình

Từ khi còn là Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục), Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo đã có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với Giáo sư Trần Hồng Quân.

Trò chuyện với phóng viên, thầy Đặng Quốc Bảo chia sẻ: “Gắn bó với Trường Cán bộ Quản lý giáo dục và Đào tạo, có 2 vị Bộ trưởng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi, đó là Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và Bộ trưởng - Giáo sư Trần Hồng Quân.

Giáo sư Trần Hồng Quân là một bộ trưởng tài năng, tâm huyết, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là trong những năm đầu đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thầy Quân hơn tôi 1 tuổi, với tôi, thầy cũng như là một người bạn lớn, một người bạn tri âm, một nhà giáo tôi vô cùng quý mến, ngưỡng mộ. Nghe tin thầy ra đi, tôi thảng thốt, hẫng hụt, những kỷ niệm ngày xưa lại chợt về”.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho biết, mỗi khi chuẩn bị mở lớp đào tạo, thầy Bảo đến xin ý kiến chỉ đạo của Giáo sư Trần Hồng Quân. Và rồi, thầy mời thầy Quân đến trường để nói chuyện với các học viên mới.

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo kể lại: “Thầy Quân bình dị lắm! Đến nói chuyện với học viên mới, thầy rất gần gũi, thân tình, những ý tưởng, chia sẻ của thầy Bộ trưởng lúc đó đều được các cán bộ quản lý giáo dục tiếp thu với tất cả niềm say mê, hứng thú.

Phong cách của thầy Quân là vậy, không quan cách, không dùng những từ ngữ “đao to búa lớn”, chỉ bằng sự chân thành, những chia sẻ sâu sắc của thầy cứ tự nhiên đi vào lòng người.

Các học viên cũng không có cảm giác xa cách đối với Bộ trưởng. Có lần, một học viên sau khi được mời phát biểu đã đề nghị Bộ trưởng làm một bài thơ về bản thân mình.

Hai câu thơ cuối bài mà thầy Quân đọc lên khi ấy tôi nhớ mãi không quên: “Làm tôi chẳng xứng làm tôi/Làm quan phải miễn cưỡng ngồi làm quan”. Thế mới thấy phong cách giản dị, khiêm nhường của một vị lãnh đạo ngành giáo dục khi ấy”.

“Giáo sư Trần Hồng Quân cùng Giáo sư Lâm Quang Thiệp, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến là những lãnh đạo rất gắn bó với Trường Cán bộ Quản lý giáo dục và Đào tạo khi tôi còn làm Hiệu trưởng.

Những lần gặp gỡ, thầy Quân thường nói với tôi rằng: "Thầy Bảo ơi, thầy đi xem tất cả học viên, mọi người có ai thắc mắc gì về giáo dục, thầy tổng hợp mang lên đây để tôi biết, tôi giải đáp thắc mắc cho mọi người.

Nếu ai có mong muốn gì ở Bộ trưởng, ở ngành giáo dục, cũng hãy tập hợp gửi cho tôi."

Và như vậy, tôi đã tập hợp ý kiến của các học viên phản ánh để gửi đến thầy Quân.

Với những lần gặp gỡ học viên, thầy Quân luôn có chủ định nói về một vấn đề giáo dục nào đó, có hôm thầy nói về vấn đề thanh tra giáo dục, có hôm thầy nói về giáo dục tiểu học, có dịp thầy lại căn dặn về vai trò, trách nhiệm của người cán bộ quản lý giáo dục,… Từng câu chuyện, từng chia sẻ của thầy chứa đầy tình yêu, tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà”, thầy Bảo chia sẻ.

Thầy Bảo nói rằng, Giáo sư Trần Hồng Quân luôn luôn có sự khích lệ cho các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, đi sâu vào lĩnh vực Triết lý giáo dục.

Phạm Minh