Tới thời điểm này hầu như các tỉnh thành đã và đang hoàn thành việc bồi dưỡng thay sách cho giáo viên lớp 1.
Tập huấn giáo viên và giới thiệu về chương trình 2018, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn:Báo Giáo dục và Thời đại) |
Điểm khác biệt lớn nhất trong lần tập huấn lần này là giáo viên được trực tiếp gặp các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả của những bộ sách mà mình đã chọn để được nghe trao đổi, làm rõ những điểm mới của các bộ sách; đồng thời trao đổi thảo luận về phương pháp soạn giảng.
Những thắc mắc của các thầy cô giáo đã được người trực tiếp chỉ đạo chương trình và những người viết sách giải đáp ngay.
Vì thế, nhiều thầy cô cho biết dễ hiểu hơn nhiều khi nghe báo cáo viên (phần lớn là cán bộ cấp phòng, sở hoặc ban giám hiệu) truyền đạt lại như trước kia.
Tuy nhiên, phần minh họa cho từng môn học lại vẫn theo lối mòn cũ khi giáo viên được xem băng dạy mẫu hoặc vẫn phải đóng vai những cô cậu học sinh lớp 1 đang ê a tập đọc.
Thầy cô giáo vào vai trẻ con
Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi kể lại rằng, sau khi được nghe về nội dung chương trình, cấu trúc môn học, những điểm mới, phương pháp giảng dạy…đến phần thể hiện bài dạy cụ thể, giáo viên được chia nhóm và mỗi nhóm soạn một tiết dạy minh họa.
Tới phần trình bày, một giáo viên vào vai cô giáo, những giáo viên còn lại phía dưới đều vào vai học sinh.
Tiết học diễn ra như thật (chỉ khác học sinh là thầy cô). Giáo viên thể hiện cũng đặt những câu hỏi (dành cho học sinh lớp 1) và chỉ định người trả lời.
Các thầy cô cũng tạo tình huống để người minh họa dễ thể hiện bằng cách trả lời (một cách ngô nghê, ngây thơ) theo kiểu đúng đặc trưng của trẻ lớp 1.
Sau phần thể hiện bài dạy, giáo viên các nhóm sẽ có nhận xét của riêng mình về cách khai thác bài dạy, hệ thống câu hỏi, phương pháp giảng dạy mà đồng nghiệp vừa thể hiện…và sau đó đến những ý kiến phản hồi của người minh họa cho phần thể hiện của nhóm mình.
Cuối cùng người biên soạn sách sẽ nhận xét, ghi nhận những ưu điểm và góp ý thêm những điều còn tồn tại.
Xem băng dạy mẫu
Ngoài cách dạy minh họa được nêu trên, có nơi khi học tập huấn lại được xem băng dạy mẫu một số tiết dạy.
Tiết dạy mẫu xưa đến nay người trong nghề ai mà chẳng biết giáo viên và học sinh đã chuẩn bị hàng tuần thậm chí hàng tháng công phu đến chân tơ kẽ tóc.
Ngày thực dạy được xem như là diễn lại, thế nên những tiết dạy mẫu bao giờ cũng hay, cũng hoàn hảo nên không dễ gì tìm ra được những điểm còn tồn tại.
Vì thế, không thể lấy tiết dạy mẫu để đánh giá chương trình có vừa sức với học sinh hay không?
Cũng như giáo viên chúng tôi không thể lấy tiết dạy mẫu để làm kinh nghiệm giảng dạy cho mình vì tiết dạy mẫu so với những tiết dạy ngoài thực tế cách xa nhau quá nhiều.
Sao không thể thực hành tiết dạy ở lớp học thực tế?
Giá như có thời gian, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn ở trường giáo viên lớp 1 sẽ dạy minh họa một vài tiết ở ngay lớp học của mình.
Các thầy cô sẽ ghi lại những ưu, khuyết điểm, những nét nổi trội hơn của chương trình mới so với chương trình cũ.
Tập hợp những ý kiến, những đề xuất cho lần tập huấn tập trung để yêu cầu nhà biên soạn sách trả lời và chỉnh sửa (nếu cần).
Cùng với đó, tập huấn tại địa phương nào địa phương đó sẽ lo địa điểm thực nghiệm bài dạy ngay tại lớp học. Thông qua những tiết dạy thực tế, chắc chắn sẽ bộc lộ những bất cập mà chỉ nhìn qua những trang sách khó có thể thấy được.