Giáo viên F0 rất ít người được nhận tiền hỗ trợ từ Công đoàn vì vướng quy định

24/02/2022 06:16
Nguyên Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên là F0 ở các nhà trường sau khi âm tính với dịch Covid-19 đã làm các thủ tục để nhận tiền hỗ trợ nhưng được trả lời là không đủ điều kiện…21 ngày.

Nếu như trước đây dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam trong khoảng nửa cuối năm 2021 thì bây giờ đang có sự dịch chuyển ra các tỉnh phía Bắc khiến cho số lượng ca nhiễm ngày một nhiều hơn.

Dịch bệnh Covid- 19 không chừa một ai, từ người già đến người trẻ, từ người khỏe mạnh đến những người ốm yếu và cả trẻ em nữa. Trong số những người không may bị mắc Covid-19 có rất nhiều người là giáo viên đang giảng dạy ở các nhà trường phổ thông…

Chỉ tiếc, nhiều chính sách hỗ trợ dù đã ban hành nhưng giáo viên không tiếp cận được, hoặc không đủ điều kiện, hay có thể vì một số lý do nào đó mà các chính sách này vẫn còn khá xa vời với nhiều thầy cô giáo.

Hình ảnh giáo viên tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Hình ảnh giáo viên tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Giáo viên bị mắc Covid-19 khó được nhận hỗ trợ theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ

Thời gian qua, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng chúng ta dễ dàng nhìn thấy những công đoàn viên là giáo viên ở các nhà trường bị mắc Covid-19 khá nhiều.

Tuy nhiên, những thầy cô này đa phần “không đủ điều kiện” để được nhận hỗ trợ tiền theo hướng dẫn của Quyết định 3749/QĐ-TLĐ. Bởi lẽ, theo hướng dẫn của Quyết định 3749/QĐ-TLĐ thì mức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ những công đoàn viên, người lao động là F0 như sau:

Tối đa 03 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế; Tối đa 1,5 triệu đồng/người nếu điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế”.

Nhưng, theo phác đồ điều trị thì phải là người thật nặng thì mới phải điều trị 21 ngày trở lên tại bệnh viện bởi lúc đầu thì F0 còn vào viện nhưng sau này số ca F0 tăng cao nên phần lớn giáo viên điều trị tại nhà. Việc điều trị tại nhà hay các cơ sở ý tế thì cũng không có mấy trường hợp 21 ngày.

Thậm chí, một số giáo viên bị mắc Covid-19 vẫn phải tham gia dạy trực tuyến bình thường và Ban giám hiệu nhà trường cũng lúng túng vì hiện nay cũng chưa thấy văn bản cụ thể nào của ngành giáo dục hay của địa phương hướng dẫn khi giáo viên bị lây nghiễm bệnh thì được nghỉ hay vẫn phải giảng dạy.

Vì thế, trong thời gian mà các tỉnh phía Nam đang còn dạy trực tuyến thì có trường linh động cho giáo viên là F0 nghỉ dạy nhưng cũng có trường vẫn phải để giáo viên đảm nhận công việc giảng dạy trực tuyến bình thường.

Thực tế, giáo viên nghỉ dạy thì cũng rất khó bố trí người dạy thay bởi có lúc trong trường có nhiều giáo viên đang là F0.

Lúc đầu, một số giáo viên ở các nhà trường sau khi âm tính với dịch Covid-19 cũng làm các thủ tục để nhận tiền hỗ trợ nhưng họ được trả lời là không đủ điều kiện…21 ngày điều trị.

Vậy nên, hướng dẫn chi trả cho công đoàn viên theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ thì mấy tháng qua những giáo viên là F0 gần như chưa mấy giáo viên được hỗ trợ vì họ không đủ điều kiện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi ở nhiều đơn vị trường học thì khi giáo viên không may bị mắc Covid-19 gần như không được hỗ trợ gì ngoài định mức thăm bệnh của nhà trường dao động khoảng trên dưới 200 ngàn đồng từ công đoàn nhà trường mà thôi.

Nếu theo hướng dẫn của nhiều văn bản hiện hành thì khi người lao động nói chung và giáo viên nói riêng không may mắc Covid-19 sẽ có nhiều chế độ chi trả nhưng thực tế các chính sách này vẫn đang nằm ở đâu đó... rất xa.

Địa phương, nhà trường không triển khai thì giáo viên dù biết các văn bản cụ thể nhưng cũng không thể nào tiếp cận với các chính sách hỗ trợ khi mình không may nhiễm Covid-19.

Không chỉ giáo viên là F0 không được hỗ trợ mà ngay cả nhiều giáo viên được địa phương, nhà trường điều động tham gia công tác chống dịch Covid-19 như tham gia trực ở các chốt, nhập số liệu tiêm ngừa vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng…nhưng gần như những thầy cô giáo này cũng không có bất kỳ hỗ trợ nào từ các cơ quan, ban ngành về vật chất.

Nếu có hỏi những người có trách nhiệm về mức hỗ trợ này thì được nói là giáo viên có lương rồi nên đi hỗ trợ không được chi trả thêm khoản tiền nào nữa.

Cần có những hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ và những giáo viên không may nhiễm Covid-19

Trước những diễn biến của dịch bệnh Covid-19 còn khó lường, trong khi hiện nay trường học đã mở cửa trở lại nên việc công đoàn viên là giáo viên là F0 sẽ còn xảy ra nhiều ở các địa phương. Chính vì thế, có lẽ ngành giáo dục và các cơ quan chức năng cần có những chủ trương, chế độ hỗ trợ, nghỉ ngơi đối với những giáo viên không may trở thành F0.

Đặc biệt là khi giáo viên là F0 thì việc nghỉ dạy trực tiếp là đương nhiên vì nó sẽ lây nhiễm sang học trò, đồng nghiệp nhưng nếu trường học đó đang triển khai dạy trực tuyến thì họ có được nghỉ dạy hay vẫn phải lên lớp bình thường?

Chúng ta đều biết, người không may bị mắc Covid-19 thì sẽ dẫn đến tổn thương về phổi và mà giáo viên dạy học thì phải nói nhiều, nói liên tục như vậy thì họ có được nhà trường bố trí cho nghỉ hay không? Khi giáo viên là F0 nghỉ, nhà trường bố trí giáo viên khác dạy thay thì người dạy thay đó được tính số tiết dạy như thế nào?

Bởi, nhiều tháng qua, kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương thì các nhà trường cũng đang còn gặp nhiều khó khăn khi trong đơn vị có giáo viên là F0 nên nhiều khi giáo viên vẫn phải đảm nhận công việc hàng ngày của mình.

Và, đặc biệt là Quyết định 3749/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động liệu có thực sự phù hợp với thực tế theo phác đồ điều trị hiện nay hay không bởi quy định 21 ngày điều trị tại bệnh viện, cơ sở ý tế hay điều trị tại nhà thì gần như người lao động rất khó đủ điều kiện.

Bởi, thông thường người bị F0 thì chỉ điều trị trong vòng trên dưới 1 tuần mà đối với đội ngũ nhà giáo thì chỉ cần âm tính là phải lên lớp để giảng dạy nên những công đoàn viên là giáo viên ở các nhà trường gần như không mấy người được hỗ trợ khoản tiền này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyên Khang