LTS: Quý vị đang theo dõi bài viết của cô giáo Phan Tuyết, gửi về Tòa soạn từ Bình Thuận.
Nói về chủ trương của Thông tư 30, cô Tuyết đưa ra những ý kiến về vấn đề phối hợp đánh giá học sinh giữa giáo viên và phụ huynh.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả
Điều 7 Thông tư 30 nêu rõ về nội dung và cách thức đánh giá học sinh tiểu học:
“Đánh giá thường xuyên hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học, hoạt động giáo dục khác theo chương trình phổ thông cấp tiểu học.
Tham gia đánh giá thường xuyên gồm: giáo viên, học sinh (tự đánh giá và nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động của nhóm, lớp); khuyến khích sự tham gia đánh giá của cha mẹ học sinh.
Cha mẹ học sinh được khuyến khích phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện; được giáo viên hướng dẫn cách thức quan sát, động viên các hoạt động của học sinh hoặc cùng học sinh tham gia các hoạt động: trao đổi với giáo viên các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp, thuận tiện nhất như lời nói, viết thư”.
Nhưng thực tế, ở vùng biển nghèo khó này, giáo viên thực sự khó khăn trong việc kết hợp với phụ huynh để đánh giá học sinh theo tinh thần của Thông tư 30. Phần lớn phụ huynh đứng “ngoài cuộc”.
Một phần do cha mẹ các em suốt ngày đầu tắt mặt tối, bươn chải kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhiều người rời nhà lúc 2, 3 giờ sáng khi con cái còn đang ngủ, đi làm tới khuya mới về thì các em cũng đã ngủ rồi.
Số khác lại có suy nghĩ việc học và giáo dục học sinh là nhiệm vụ của nhà trường mà trực tiếp là các thầy cô giáo nên đưa con tới trường là xong nhiệm vụ mà không cần quan tâm gì đến việc học tập và sinh hoạt của con.
Cha mẹ học sinh được khuyến khích phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ học sinh. Ảnh minh họa của nguyensieu.edu.vn |
Ở trường, nhiều khi thầy cô cần trao đổi về tình hình của học sinh cũng khó mà liên lạc được với ba mẹ các em. Hoặc chuông điện thoại đổ không ai bắt máy, hoặc giáo viên nghe được sự thoái thác quen thuộc: Tôi bận làm không đi được, cô (thầy) thông cảm…
Đánh giá thường xuyên thì thế, còn việc khen thưởng cuối kỳ và cuối năm thì sao?
Thông tư 30 quy định: “Cuối học kỳ 1 và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng”.
Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30
(GDVN) - Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.Trong học kỳ 1, một số trường tiểu học ở địa phương tôi giảng dạy, đã thí điểm việc mời đại diện phụ huynh lớp cùng tham dự với học sinh của lớp để bình bầu học sinh được khen thưởng.
Hàng tháng, phụ huynh không có sự phối hợp cùng giáo viên trong việc đánh giá thường xuyên học sinh. Vì thế, phụ huynh được mời lên ngồi dự cùng với lớp cũng chỉ là hình thức cho đúng thủ tục quy định mà thôi. Khi được hỏi: Anh (chị) có ý kiến gì không? Có người cười thật thà nói: "Chúng tôi biết gì đâu mà nói hả cô!"
Đó chỉ là đại diện ban chấp hành phụ huynh lớp, nếu mời phụ huynh cả lớp thì sao? Nhiều phụ huynh nơi này còn mang nặng tư tưởng hình thức, thích thành tích để oai thể hiện bằng việc luôn ganh đua, thắc mắc trong việc tại sao con mình học giỏi hơn mà không được khen, cô bé, cậu bé kia lại được? mà không cần quan tâm con mình học được gì, học ở lớp ra sao và tiếp thu như thế nào…?
Những năm trước, đánh giá học sinh còn bằng điểm số, tình trạng phụ huynh ghi sổ theo dõi điểm của con mình với bạn được cho là đối thủ không phải là hiếm. Năm học này, áp dụng việc nhận xét học sinh thay bằng chấm điểm thì áp lực chọn học sinh nổi trội lại đè nặng trên vai giáo viên.
Sau học kì 1, đã có không ít phụ huynh thắc mắc vì sao con mình mấy năm trước đều là học sinh giỏi mà năm nay lại không?...Với những phụ huynh như thế này mà có mặt trong cuộc bình bầu học sinh khen thưởng của lớp, liệu sẽ thế nào?
Đây cũng đang là điều trăn trở của nhiều giáo viên vùng quê tôi. Rất mong được sự chia sẻ của đồng nghiệp để học được những cách làm hay ở mọi nơi, góp phần thực hiện Thông tư 30 một cách hiệu quả.