Ngày 09/12/2019, Tòa án nhân dân huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã ban hành Thông báo số 1016/TB-TA thông báo về mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại của vụ kiện quyết định hành chính do bị điều động công tác trái luật.
Được biết, cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh nguyên giáo viên Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu (nay là Trường tiểu học và trung học cơ sở Võ Thị Sáu - tác giả) huyện Cái Nước đã làm đơn khởi kiện ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng phòng giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước vì lý do ông Nguyễn Minh Phụng đã ban hành Quyết định về việc điều động viên chức đối với cô Hoài Thanh.
Theo đó, ngày 22/8/2018 cô Hoài Thanh được ông Nguyễn Minh Phụng ban hành Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT về việc điều động viên chức để điều động cô từ Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu, thị Trấn Cái Nước đến nhận nhiệm vụ tại Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông, xã Tân Hưng Đông.
Quyết định điều động viên chức số 841/QĐ-PGDĐT. |
Cô Hoài Thanh cho rằng, quyết định do ông Nguyễn Minh Phụng ban hành để điều động viên chức đối với cô là trái thẩm quyền và sai đối tượng, quyết định này gây thiệt hại to lớn đến quyền và lợi ích chính đáng của bản thân mình nên cô Hoài Thanh đã khởi kiện ra tòa.
Sau khi thụ lý đơn khởi kiện, Tòa án nhân dân huyện Cái Nước đã có thông báo yêu cầu nguyên đơn, bị đơn và những đối tượng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải tham gia phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại vào ngày 25/12/2019 tại trụ sở của Tòa án.
Trong diễn biến có liên quan đối với vụ việc, sau khi nhận quyết định điều động 841/QĐ-PGDĐT, cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh đã bị Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông ký quyết định số 14/QĐ-THCSTHĐ kỷ luật buộc thôi việc vì lý do không chấp hành sự phân công của hiệu trưởng, tự ý nghỉ việc 36 ngày.
Cô Hoài Thanh đã khởi kiện quyết định kỷ luật số 14/QĐ-THCSTHĐ này tại Tòa án nhân dân huyện Cái Nước. Vụ án đã được xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của cô Hoài Thanh trong vụ kiện này đã bị tòa án bác bỏ.
Hiện tại, cô Hoài Thanh đã tiến hành kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm quyết định kỷ luật buộc thôi việc số 14/QĐ-THCSTHĐ.
Thông báo đối thoại của Tòa án Nhân dân huyện Cái Nước. |
Giáo viên có thuộc đối tượng “điều động” công tác hay không?
Năm 2010, Quốc hội ban hành Luật viên chức để quy định về viên chức; quyền nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Luật viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.
Và, Nhà nước tập trung xây dựng hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp những dịch vụ công mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm chủ yếu bảo đảm nhằm phục vụ nhân dân trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và các lĩnh vực khác mà khu vực ngoài công lập chưa có khả năng đáp ứng; bảo đảm cung cấp các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục tại miền núi, biên giới, hải đảo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, nhà giáo/giáo viên được công nhận là viên chức và điều này được cụ thể hóa bằng trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.
Quyền, nghĩa vụ của viên chức và công tác quản lý viên chức được cụ thể hóa trong các điều khoản của Luật và các văn bản dưới Luật do chính phủ và các bộ ngành liên quan quy định.
Theo Luật viên chức 2010, viên chức hoàn toàn không thuộc đối tượng được cơ quan quản lý điều động công tác mà thay vào đó, cơ quan quản lý viên chức được quyền thực hiện thẩm quyền biệt phái viên chức.
Luật viên chức 2010 đã quy định rõ đối với việc biệt phái viên chức. Cụ thể, biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.
Vụ kiện của cô giáo Hoài Thanh và công tác điều chuyển giáo viên |
Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.
Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến.
Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.
Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Như vậy, xét theo quy định về việc sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được quy định trong Luật viên chức 2010 thì việc Trưởng phòng giáo dục huyện Cái Nước ban hành quyết định “điều động” viên chức như đã thể hiện trong quyết định số 841/QĐ-PGDĐT là chưa đúng quy định của pháp luật hiện hành.