Vào lúc 8 giờ sáng ngày 28/11/2019, Tòa án nhân dân huyện Cái Nước đã tiến hành mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án Lao động thụ lý số 01/2019/TLST-LĐ ngày 25/1/2019 về việc “Tranh chấp về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại” do cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh là nguyên đơn.
Như vậy, vụ việc cô giáo Hoài Thanh trong 1 năm bị kỷ luật 2 lần đã chính thức được xét xử sơ thẩm.
Cô giáo Hoài Thanh tại Tòa án nhân dân huyện Cái Nước trước giờ xét xử. |
Theo đó, cô Hoài Thanh khởi kiện Quyết định số 14/QĐ-THCSTHĐ, ngày 14/12/2018 về việc thi hành kỷ luật viên chức đối với cô Thanh bằng hình “buộc thôi việc” do ông Nguyễn Bá Quyển - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông ban hành.
Lý do kỷ luật: “Không chấp hành sự phân công của hiệu trưởng; nghỉ việc không lý do 36 ngày (từ ngày 06/9/2018 đến ngày 18/10/2018). Vi phạm khoản 5, Điều 3, Nghị định 27/2012”.
Lý lẽ của người đi kiện
Tại phiên tòa, cô Hoài Thanh yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Cái Nước tuyên hủy Quyết định số 14/QĐ-THCSTHĐ ngày 14/12/2018.
Lập luận theo phần xét hỏi tại tòa cô Thanh cho rằng, ông Phạm Bá Quyển đã không thực hiện các thủ tục pháp lý trong công tác tiếp nhận viên chức nên không thể quy kết cô Thanh vi phạm kỷ luật như lý do đã nêu trong Quyết định số 14/QĐ-THCSTHĐ.
Cô Thanh trình bày: bản thân là viên chức, được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (Quy định tại Điều 2, Luật Viên chức 2010).
Do đó, ngày 22/8/2018, khi cô Thanh chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới là Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông phải ký kết hợp đồng làm việc với cô Thanh. (Quy định tại Điều 15, Thông tư số 15/2012/TT-BNV hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức).
Theo cô Thanh, việc ông Phạm Bá Quyển phải ký kết hợp đồng làm việc với cô Thanh còn được quy định tại Khoản 2 Điều 25, Điều 26, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Luật Viên chức và Khoản 2 Điều 18 Nghị định 29/2012/NĐ-CP.
Đồng thời, trước Tòa cô Thanh khẳng định: việc ông Phạm Bá Quyển phải ký kết hợp đồng với cô Thanh là bắt buộc (nếu ông Quyển đồng ý tiếp nhận cô Thanh đến công tác tại Trường trung học cơ Sở Tân Hưng Đông theo quyết định số 841/QĐ-PGDĐT của Phòng giáo dục huyện Cái Nước).
Quyết định điều động cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh có dấu hiệu lạm quyền |
Chính vì lý do, ông Phạm Bá Quyển đã không thực hiện thủ tục ký kết hợp đồng với cô Thanh nên 2 bên không thể xác định rõ được “Nhiệm vụ hợp đồng; Chế độ làm việc; Quyền và nghĩa vụ của viên chức; Quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp”.
Từ đó, ông Quyển không có cơ sở để đánh giá cô Thanh “không chấp hành sự phân công của hiệu trưởng, nghỉ việc không lý do 36 ngày (từ ngày 06/9/2018 đến ngày 18/10/2018).
Lập luận của người bị kiện
Phản bác lại các vấn đề cô Thanh đã nêu, ông Phạm Bá Quyển lập luận: cô Thanh không thuộc đối tượng mà ông phải có trách nhiệm ký kết hợp đồng làm việc.
Lý do, trước khi chuyển từ Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu về Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông, cô Hoài Thanh đã là viên chức của Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông rồi. Cô Thanh chỉ công tác ở Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu một năm học (năm học 2017-2018).
Và, năm học 2017-2018, mặc dù cô Thanh chuyển công tác đến Trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu nhưng hồ sơ cá nhân của cô Thanh vẫn do Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông quản lý (?)
Là giáo viên cũ của trường, nên Cô Thanh không thuộc đối tượng phải ký hợp đồng làm việc. Do cô Thanh không chấp hành sự phân công làm nhân viên thư viện và tự ý nghỉ việc 36 ngày nên xử lý kỷ luật buộc thôi việc là đúng quy định.
Ý kiến người có quyền và nghĩa vụ liên quan
Ông Hà Thanh Khiết - Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa yêu cầu ông Trần Quốc Trí, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước, là người đại diện theo pháp luật cho Phòng Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân huyện Cái Nước cho biết cô Thanh có thuộc đối tượng phải ký kết hợp đồng làm việc không?
Ông Trí trình bày: “Cô Thanh được tuyển dụng từ năm 1999, nên không phải thực hiện ký kết hợp đồng làm việc.
Không chỉ riêng cô Thanh, đối với viên chức thuộc ngành giáo dục, nếu được tuyển dụng trước khi Luật viên chức ra đời thì không phải thực hiện ký hợp đồng làm việc.
Chỉ những viên chức được tuyển dụng sau khi Luật viên chức có hiệu lực Ngành giáo dục huyện Cái Nước mới ký hợp đồng làm việc”.
Nhận định của những người tiến hành tố tụng
Đồng thuận theo quan điểm của Phòng Giáo dục huyện Cái Nước, ông Hà Thanh Khiết - Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa phân tích.
Khoản 1, Điều 59, Luật Viên chức có quy định, viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này.
Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.
Những điều vô lý trong vụ việc cô giáo một năm bị kỷ luật buộc thôi việc 2 lần |
Do đó, không thể hồi tố để yêu cầu viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003 phải ký hợp đồng làm việc. Việc ông Quyển không ký hợp đồng làm việc đối với cô Thanh là đúng.
Lý do: cô Hoài Thanh đã được Ban tổ chức chính quyền tỉnh Cà Mau tuyển dụng từ ngày 30/1/1999, do đó tính trước cả thời điểm ngày 08/8/2017 (thời điểm cô Thanh còn làm việc tại Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông) thì ông Phạm Bá Quyển cũng không phải ký hợp đồng với cô Thanh.
Bà Từ Thanh Thúy, kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và người tham gia tố tụng đã tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
Đồng thời bà Bà Từ Thanh Thúy phát biểu: Luật Viên chức có quy định, viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định nên đây là điều có lợi cho viên chức.
Và, cô Thanh không thuộc đối tượng phải ký hợp đồng, do đó không có cơ sở khởi kiện yêu cầu hủy quyết định số 14/QĐ-THCSTHĐ.
Đến 11 giờ ngày 28/11/2019, ông Hà Thanh Khiết công bố phần trình bày, hỏi, tranh tụng và phát biểu của kiểm sát viên đã hoàn tất, không ai có ý kiến gì thêm nên buổi chiều ngày 28/11/2019 Hội đồng xét xử sẽ nghị án.
Chủ tọa phiên tòa thông báo sáng ngày 29/11/2019 tuyên án.
Phòng Giáo dục huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau không thực hiện ký hợp đồng làm việc cho viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003 là đúng hay sai?
Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, việc tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa án là trách nhiệm của công dân.
Tuy nhiên, thông tin về việc “Phòng Giáo dục huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã không thực hiện ký hợp đồng làm việc cho viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003” do ông Trần Quốc Trí, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Nước công bố tại phiên tòa khiến chúng tôi khá băn khoăn và mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Cà Mau nhanh chóng kiểm tra làm rõ.
Bởi, Khoản 1, Điều 59, Luật Viên chức có quy định cụ thể về đối tượng này như sau:
“Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/07/2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này.
Chưa được 1 năm, 2 lần bị chuyển trường và 2 lần nhận kỷ luật buộc thôi việc |
Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng”.
Quy định này được hướng dẫn rất chi tiết tại Khoản 1, Điều 43, Nghị định 29/2012/NĐ-CP.
Cụ thể: “Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 25, Điều 26, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Luật viên chức và Khoản 2 Điều 18 Nghị định này, bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng”.
Nhưng, hiện tại Ngành giáo dục huyện Cái Nước không thực hiện nghĩa vụ ký kết hợp đồng thì làm sao có cơ sở pháp lý để bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách, ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác đối với viên chức?
Đặc biệt, nếu những viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003 không được Ngành giáo dục huyện Cái Nước ký hợp đồng làm việc thì làm sao có cơ sở để đánh giá, xếp viên chức hằng năm theo quy định của Điều 40, Luật Viên chức và tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP?
Vì: Việc đánh giá viên chức phải dựa trên căn cứ:
a) Cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết;
b) Quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của viên chức.