Giáo viên La Gi, Bình Thuận mong Bộ sớm hướng dẫn tính thừa giờ cho "năm Covid"

20/04/2021 06:59
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không còn là mong ước của giáo viên, nhiều cán bộ quản lý cũng mong muốn Bộ Giáo dục có những hướng dẫn cụ thể việc thanh toán tiền tăng tiết cho năm dịch bệnh

Tại tỉnh Bình Thuận hiện giáo viên ở 2 bậc tiểu học và trung học cơ sở thiếu khá nhiều. Thay vì tuyển thêm giáo viên để đảm bảo tỷ lệ giáo viên dạy trên lớp theo quy định thì nhiều trường học phân công cho giáo viên trong nhà trường dạy tăng tiết để hưởng tiền dạy thêm giờ.

Nhiều trường học tại Bình Thuận vẫn thiếu giáo viên (Ảnh Phan Tuyết)

Nhiều trường học tại Bình Thuận vẫn thiếu giáo viên (Ảnh Phan Tuyết)

Thế là, người dư ít thì một tuần được vài tiết, người nhiều dư tới 6 đến 7 tiết/tuần. Bộ môn thiếu nhiều giáo viên nhất phải kể đến môn Sử, Địa. Do số tiết mỗi lớp trong tuần khá ít nên giáo viên dạy tăng tiết 2 môn học này phải dạy rất nhiều lớp đồng nghĩa với việc chấm bài kiểm tra, bài thi rất nhiều.

Dạy đủ tiêu chuẩn đã mệt, dạy tăng tiết mệt mỏi gấp đôi. Tuy thế, nhiều thầy cô tự an ủi mình đó là làm tăng giờ nên phải ráng hết sức sẽ có thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống.

Năm học 2019-2020, có không ít giáo viên nhẩm tính số tiền tăng tiết sẽ nhận được lên đến 30 triệu đồng. Có trường đã chi trả, trường vẫn đang hoàn thành thủ tục thì bất ngờ biết tin: trường nào đã trả xong phải thu hồi lại, trường chưa chi trả sẽ không trả nữa.

Cơ quan chức năng trả lời thế nào?

Theo Phòng tài chính - kế hoạch huyện Tánh Linh, cách tính tiền dạy tăng tiết là thanh toán theo năm học và định mức giờ dạy/năm của giáo viên được xác định đối với khối THCS là 37 tuần. Như vậy, giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của mình cho cả năm học đúng theo định mức là 19 tiết/tuần, tương đương 703 tiết/năm học.

Khi số tiết giảng dạy thực tế cao hơn số tiết chuẩn thì được thanh toán. Đơn vị này cho biết thêm đặc thù năm học 2019 - 2020 tất cả trường học được nghỉ gần hai tháng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khi quy đổi số giờ thực học thì không đủ chuẩn.

Vì vậy Phòng tài chính - kế hoạch huyện Tánh Linh cho rằng việc thanh toán tiền dạy tăng tiết cho giáo viên của Trường THCS Suối Kiết trong năm học 2019 - 2020 là không có cơ sở do không có giáo viên nào dạy vượt quá số giờ quy định là 703 tiết/năm học. Đây cũng là quy định áp dụng chung cho tất cả các cấp tiểu học và THCS ở địa phương.

Tương tự, ông Trần Thanh Quế - phó chủ tịch UBND thị xã La Gi - cho biết do năm học qua ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các giáo viên được nghỉ gần hai tháng nhưng vẫn nhận lương. Căn cứ tình hình thực tế, địa phương đã tính toán lại số tuần thực dạy trong năm học nên không còn tiền dạy tăng giờ cho các giáo viên. [1]

Cái lý của sự vô lý

Giáo viên thắc mắc tại sao mình dạy tăng tiết do thiếu giáo viên, do giáo viên về hưu giữa chừng, do giáo viên nằm viện, giáo viên nghỉ hộ sản mà không được chi trả? Cấp trên chỉ trả lời do năm học 2019-2020, dịch Covid nên tỉnh nhà chỉ thực dạy 28 tuần trong khi quy định giáo viên phải dạy đủ 35 tuần.

Lấy 8 tuần không dạy trên trường nhân với số tiết tiêu chuẩn phải dạy 1 tuần thì thiếu tiết nên không giáo viên nào được nhận tiền dạy tăng.

Nghịch lý đã xảy ra, những giáo viên có tiết dạy tăng phải chia sẻ cho những giáo viên không dạy tăng (do bộ môn đó không thiếu giáo viên). Vậy là hòa cả làng, người dạy cật lực suốt 28 tuần đã bằng người chỉ dạy dưới tiết chuẩn quy định. Nhiều giáo viên phản đối sự phi lý đó, yêu cầu nhà trường thanh toán tiền tăng giờ bằng số tuần thực dạy. Ví như lấy số tiết dạy tăng mỗi tuần nhân với 28 tuần thực dạy.

Nhà trường và phòng giáo dục nơi đây nói rằng không tìm thấy công văn hướng dẫn nào của cấp trên nói đến 28 tuần mà chỉ có công văn hướng dẫn năm học quy định 35 tuần. Vì thế, phải lấy 35 tuần làm chuẩn.

Năm học 2020-2021 tiếp tục gặp rắc rối trong việc tính tăng giờ

Sự việc trả tăng giờ năm 2019-2020 vẫn chưa ngã ngũ, khiếu nại của giáo viên tiếp tục được gửi lên cấp trên nhưng vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát thì năm học 2020-2021 giáo viên tại thị xã La Gi tiếp tục bức xúc về việc tính tiền tăng tiết của nhiều trường học.

Hiệu trưởng nhiều trường học nơi đây đều cho rằng, năm học này giáo viên tiếp tục bị trừ 23 tiết đã dạy tăng giờ. Vậy là, kịch bản giáo viên phải khiếu nại về việc mất tiền tăng giờ đã xảy ra năm ngoái có nguy cơ lặp lại.

Nguyên nhân, Tết Nguyên đán học sinh tại Bình Thuận được nghỉ thêm 1 tuần do dịch Covid.

Bởi thế, một số trường học thông báo sẽ trừ 23 tiết chuẩn của giáo viên trong tuần ấy vào số tiết đã dạy tăng giờ của năm. Giáo viên nào không có số tiết tăng giờ thì thôi.

Nhiều thầy cô giáo cho rằng nhà trường làm như thế là không công bằng, không ghi nhận công sức của giáo viên. Nhiều giáo viên yêu cầu năm học tới sẽ không dạy tăng tiết, chỉ dạy đúng số tiết chuẩn số theo quy định.

Trường nào thiếu giáo viên sẽ tự tuyển. Nếu tất cả đều làm thế thật gây khó cho trường, cho ngành giáo dục. Nhưng nếu không thế thì công sức dạy bao ngày cứ bị đổ đồng hết thảy hay sao?

Giáo viên bức xúc vì thu nhập tăng thêm không được trả nhưng các hiệu trưởng cũng đau đầu bởi không biết làm sao mới đúng? Một số hiệu trưởng (đề nghị giấu tên) tâm tư:

Nếu trả tiền tăng tiết cho giáo viên không đúng sẽ bị quy trách nhiệm mà dính đến tiền bạc là nguy hiểm lắm. Nhưng không trả cũng sẽ bị giáo viên làm khó dễ.

Không còn là mong ước của mình giáo viên, nhiều cán bộ quản lý nơi đây cũng mong muốn Bộ Giáo dục cần có những hướng dẫn cụ thể việc thanh toán tiền tăng tiết cho những năm học có dịch bệnh (thực dạy bao nhiêu tuần sẽ hưởng tăng tiết của bấy nhiêu tuần mà không bị cấn trừ).

Các cơ quan quản lý giáo dục xin đừng để mỗi nơi làm mỗi khác dẫn đến bức xúc, khiếu kiện kéo dài vừa sứt mẻ tình đồng nghiệp, vừa làm mất thời gian công sức và ảnh hưởng trực tiếp đến công việc giảng dạy của các thầy cô giáo nơi đây.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/day-tang-tiet-khong-duoc-tang-tien-20210417083200091.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết