Giáo viên tâm tư vì rơi vào thế phải đi thu tiền, "đòi nợ" phụ huynh

08/10/2023 08:27
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi một số trường học “quàng” trách nhiệm "đòi nợ" và thu tiền lên vai giáo viên thì chuyện thất thu trong nhà trường phần nhiều là giảm hẳn. 

Đầu năm, câu chuyện thu chi ở các trường học trên cả nước luôn thu thu hút được được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Có nhiều trường hợp, giáo viên không thoát khỏi trách nhiệm khi để xảy ra "lạm thu, lạm chi" đầu năm. Lẽ ra, việc thu chi nên là của phụ huynh và bộ phận kế toán của trường. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, giáo viên muốn "thoát" khỏi chuyện tiền nong với phụ huynh cũng không phải dễ thực hiện. Thậm chí, ở một số nơi, giáo viên còn phản ảnh họ bị giao chỉ tiêu thu tiền đầu năm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Biết đòi nợ và thu tiền học sinh không phải nhiệm vụ giáo viên nhưng vì sao nhiều trường học vẫn thực hiện?

Nếu đặt câu hỏi cho các hiệu trưởng trường học: Nhiệm vụ của giáo viên là gì? Tin chắc rằng, hiệu trưởng nào cũng nói đúng những nhiệm vụ đã được quy định trong điều lệ trường học. Lãnh đạo trường sẽ không thể tìm ra câu trả lời nào là giáo viên có nhiệm vụ thu tiền hay “đòi nợ” học sinh.

Nếu hỏi: “Trường học nào đó phân công cho giáo viên nhắc nhở học sinh đóng tiền hoặc trực tiếp thu tiền là đúng hay sai?”, câu trả lời nhận được chắc chắn là sai.

Nhiều người sẽ thắc mắc: Vì sao có hiệu trưởng biết sai nhưng vẫn cố tình giao cho giáo viên nhiệm vụ thu tiền? Thậm chí còn cột trách nhiệm vào thi đua cuối năm của mỗi nhà giáo?

Dù biết là sai nhưng nhiều hiệu trưởng vẫn phân công giáo viên thu tiền của học sinh vì những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, khi giáo viên trực tiếp thu tiền, nhiều phụ huynh vì nể thầy cô đang giảng dạy con mình cũng sẽ nộp tiền nhanh hơn.

Thứ hai, mỗi ngày lên lớp giáo viên sẽ nhắc học trò về khoản tiền cần đóng. Khi trò bị nhắc nhở, các em sẽ về làm khó cha mẹ. Vì thế, việc thu tiền cũng dễ dàng hơn.

Thứ ba, thầy cô vì sợ ảnh hưởng đến thi đua nên sẽ ráo riết đòi tiền học sinh mỗi ngày, sẽ tìm mọi cách để liên lạc với phụ huynh như nhắn tin, gọi điện, thậm chí đến tận nhà học sinh. Sự kiên trì của giáo viên, buộc phụ huynh phải xoay tiền nộp dù thời điểm ấy đó có thể rất khó khăn.

Thứ tư, giao cho giáo viên thu tiền vừa thu nhanh, lại thu đủ mà không bị thất thu. Có những thầy cô sợ bị nhà trường nhắc nhở, sợ bị ảnh hưởng thi đua nên đã tự móc tiền túi đóng hộ học sinh với suy nghĩ “sẽ thu lại sau” nên nhà trường sẽ kết thúc những khoản thu nhanh chóng.

Thứ năm, phần đông giáo viên khi được nhà trường giao nhiệm vụ đều nhẫn nại thực hiện mà ít có sự phản đối dù biết những việc ấy không thuộc trách nhiệm của mình. Vì thế, công việc thu tiền và “đòi nợ” đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của giáo viên vào đầu mỗi năm học.

Thứ sáu, một số giáo viên khác lại thích thể hiện, muốn chứng tỏ với nhà trường để được ghi nhận nên rất nhiệt tình trong việc thu tiền của học sinh.

Thứ bảy, áp lực từ cấp trên, trường học nếu không hoàn thành các khoản được giao chri tiêu cũng sẽ bị cấp trên nhắc nhở và hiệu trưởng phải giải trình.

Không chỉ bản thân mỗi hiệu trưởng này bị xem xét thi đua mà trường học ấy cũng bị ảnh hưởng ít nhiều cho dù những công tác dạy và học đều thực hiện tốt. Bởi thế, cấp trên tạo áp lực về trường thì trường sẽ đẩy trách nhiệm xuống mỗi giáo viên.

Phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm?

Vì sao nói phụ huynh cũng có một phần trách nhiệm trong việc nhà trường bắt giáo viên đóng vai “đòi nợ” và thu tiền?

Phần đông phụ huynh luôn thực hiện đầy đủ những khoản thu của trường, đặc biệt là những khoản phải nộp bắt buộc. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn không ít phụ huynh không chịu đóng bất kỳ một khoản tiền nào mặc dù gia đình không thuộc diện nghèo hay khó khăn.

Một số phụ huynh “nắm thóp” được rằng, trường học sẽ không đuổi học sinh vì không đóng tiền. Bởi thế, họ thường xuyên dây dưa không chịu đóng bất kỳ một khoản tiền nào.

Nếu chỉ vài ba người còn đỡ nhưng nếu phụ huynh bắt chước nhau mới đáng sợ. Người này không đóng, người khác sẽ bắt chước theo. Và, cứ thế, giáo viên phải đi làm việc không liên quan đến chuyên môn. Một năm, một trường học vài trăm học sinh cũng có đến vài chục người không chịu đóng tiền.

Trong khi, có những khoản tiền đóng bắt buộc như tiền bảo hiểm y tế, tiền ăn trưa (đối với trường bán trú), tiền học phí…nhà trường không thu đủ sẽ không thực hiện tốt công tác bảo hiểm và không thể lo chu toàn bữa ăn cho học sinh.

Khi một số trường “quàng” trách nhiệm đòi nợ, thu tiền lên vai giáo viên thì chuyện thất thu trong trường học giảm hẳn, có trường nhiều năm liền đã xóa sổ chuyện thất thu.

Đây là lý do chính nhiều hiệu trưởng biết giao nhiệm vụ cho giáo viên thu tiền hay “đòi nợ” là không phù hợp nhưng vẫn không muốn làm khác. Vì thế, góp phần chấm dứt tình trạng biến giáo viên thành “chủ nợ” hay “người đòi nợ thuê” thì mỗi phụ huynh cũng nên thực hiện tốt việc hoàn thành các khoản đóng theo quy định đã ban hành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên