Thu tiền đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm chúng tôi cũng khổ lắm!

15/09/2022 06:32
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có giáo viên vì đưa ra ý kiến về các khoản thu chi đã bị liệt vào nhóm "cứng đầu cứng cổ", "hay thắc mắc" hoặc bị gây khó khăn.

Sau mỗi đợt họp phụ huynh đầu năm ở các bậc học, các khoản thu luôn là đề tài để nhiều người bàn tán.

Nhiều phụ huynh bất bình trước nhiều khoản thu đầu năm, cho rằng nhà trường tận thu, giáo viên vô cảm trước cái nghèo, cái khổ.

Những câu nói nghe nhói lòng cứ râm ran từ người này sang người kia, từ hội nhóm này đến hội nhóm khác, từ quán café rồi ra đến chợ, lên các diễn đàn, mạng xã hội với những ngôn từ thật khủng khiếp.

Họ lên án trường và thầy cô vì những khoản thu đầu năm. Điều đáng buồn ở chỗ, trong các buổi họp phụ huynh, mặc dù giáo viên đã để một khoảng thời gian cho phụ huynh có ý kiến nhưng gần như rất ít hoặc không có ai nói gì.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bởi thế, biên bản cuộc họp luôn được chốt một câu rằng, phụ huynh đồng ý với những triển khai của giáo viên.

Tuy thế, chỉ ít phút sau ra khỏi trường thì họ lại bắt đầu râm ran bàn tán. Giáo viên thường phải chịu đựng những lời chỉ trích nhiều nhất trong khi các thầy cô giáo gần như không có quyền quyết định việc thu tiền.

Giáo viên khó xử khi phải đứng giữa nhà trường và phụ huynh

Một số khoản thu dù các thầy cô không muốn triển khai nhưng vẫn phải làm có thể kể đến là tiền hội phí, tiền mua sắm trang thiết bị phòng học như máy lạnh, quạt, ti vi…

Thường nhà trường sẽ họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để ấn định mức thu hội phí.

Có nơi thu 100 ngàn đồng/học sinh, nơi thu 200 ngàn đồng, nơi lại thu 500 ngàn đồng, thậm chí có nơi thu đến tiền triệu.

Ngoài số tiền quỹ hội, có trường đưa ra chỉ tiêu mỗi lớp phải vận động phụ huynh đóng góp thêm một cái ti vi hoặc một máy chiếu.

Những số tiền này, theo quy định là kêu gọi sự ủng hộ tự nguyện từ phụ huynh, thế nhưng trong thực tế rất khó huy động được.

Để đạt được chỉ tiêu nhà trường đưa ra, các giáo viên chủ nhiệm chỉ còn cách lấy tổng số tiền dự kiến để chia đều cho sĩ số học sinh trong lớp theo hình thức cào bằng.

Thế là, dù biết là cách thu sai (đưa ra mức sàn và cào bằng) so với hướng dẫn của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục (tất cả đều đóng góp trên tinh thần tự nguyện) nhưng giáo viên vẫn phải làm.

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2022-2023, người viết có dự một buổi họp phụ huynh cho người thân tại một trường trung học phổ thông ở địa phương. Giáo viên cho biết, lớp muốn có một chiếc ti vi, giá mua là 12 triệu đồng.

Người ta lấy tổng số tiền chia cho 45 học sinh, mức đóng của mỗi em là 300.000 đồng. Ngoài ra, tiền hội phí cũng ấn định 300.000 đồng/em. Nhiều phụ huynh dù không đồng ý nhưng cũng chẳng ai lên tiếng.

Là người trong nghề, người viết hiểu cô giáo cũng không muốn nói điều này, không muốn thu khoản tiền này. Bởi, có những gia đình vài trăm ngàn chỉ là con số nhỏ nhưng với nhiều gia đình đó lại là khoản tiền lớn đủ chi phí ăn uống cho cả nhà đến vài tuần.

Chia bình quân số tiền cho phụ huynh đóng góp cũng khiến gia đình một số học sinh khó xử. Nhưng không chia để đóng theo kiểu tự nguyện sẽ có nhiều phụ huynh không đóng hoặc mức đóng quá thấp so với số tiền dự kiến cần đạt.

Khi nhà trường đã đưa ra kế hoạch và mức đạt tối thiểu của từng lớp, giáo viên dù không đồng tình cũng không thể phản đối nên thường tìm cách thu đủ.

Đã có không ít gương đồng nghiệp chỉ có ý kiến về các khoản thu chi đã bị liệt vào nhóm "cứng đầu cứng cổ", "hay thắc mắc, lý sự" hoặc có người bị hiệu trưởng gây khó khăn. Vì thế, gần như giáo viên nào cũng chỉ nhận lệnh và cần mẫn thi hành.

Muốn thu được đầy đủ, thầy cô buộc phải dùng biện pháp tác động đến học sinh để chính các em về gây áp lực cho ba mẹ mình buộc phải đóng tiền.

Có những thầy cô giáo phải gợi sự thương cảm từ phụ huynh để mong sự hợp tác. Đã có không ít người tuyên bố “vì thương thầy (cô) nên tôi mới đóng tiền đó”.

Có những giáo viên dù rất thương học sinh nhưng không thể làm khác vì đã từng có những thầy cô giáo thu không đủ định mức được mời lên phòng hiệu trưởng nói chuyện.

Có những thầy cô đã bị nêu tên trong cuộc họp hội đồng trước bao đồng nghiệp, cũng đã có những thầy cô bị hạ thi đua vì để lớp thất thu quá nhiều.

Phụ huynh cần lên tiếng trước những khoản thu sai

Thu tiền học sinh, giáo viên mới là người khổ nhất. Thu không đủ cũng khổ với nhà trường mà thu đủ thì bị phụ huynh lên án.

Phụ huynh cần nhận diện những khoản thu sai như tiền hội phí yêu cầu đóng ở mức khá cao, tiền mua trang thiết bị phòng học, một số khoản tiền không phục vụ việc học cho học sinh. Khi đã biết đó là những khoản thu sai, phụ huynh cần lên tiếng trong cuộc họp và có sự thống nhất cao của cả lớp.

Nhiều phụ huynh cứ nghĩ rằng lên tiếng phản đối những khoản thu con mình sẽ bị để ý, bị thầy cô đưa vào “tầm ngắm” nên đành im lặng và phản ứng bên ngoài.

Tuy nhiên, họ đâu có hiểu, nhiều thầy cô giáo cũng không đồng tình với một vài khoản thu, mức thu nhà trường đưa ra. Thế nên, những giáo viên này, cũng rất ủng hộ (chỉ là không nói ra) khi phụ huynh lên tiếng.

Nếu tất cả phụ huynh ở các lớp đều như thế thì đảm bảo rằng nhà trường sẽ xem xét lại việc quy định thu, việc áp chỉ tiêu thu mà không ảnh hưởng gì đến giáo viên. Điều này, cũng sẽ giúp các thầy cô giáo thoát khỏi gánh nặng triển khai thu tiền một cách sai quy định.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-55-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-Ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-132369.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-16-2018-TT-BGDDT-quy-dinh-ve-tai-tro-cho-co-so-giao-duc-thuoc-he-thong-giao-duc-quoc-dan-393562.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên