Ngày 14/1/2020, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: “Không chấp nhận việc người nước ngoài tham gia biên soạn sách Tiếng Anh”.
Theo nội dung bài báo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ công bố phê duyệt các sách giáo khoa tiếng Anh mà tác giả là người Việt.
Chúng tôi đem băn khoăn này trao đổi với giáo viên V.Đ.H., tổ trưởng bộ môn tiếng Anh một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thầy H. ngỡ ngàng.
Thầy H. cho biết bản thân không đồng tình với việc chỉ có tác giả người Việt Nam tham gia biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh.
Thầy H. nêu quan điểm:
“Tôi không bàn đến ngữ pháp tiếng Anh trong sách giáo khoa, vì chuyện này đã quá rõ ràng theo quy định quốc tế. Tôi khẳng định, chỉ có người bản xứ (người Anh) biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh thì mới hợp lí.
Vì chúng ta sử dụng ngôn ngữ thứ 2 (ngoại ngữ tiếng Anh – tác giả) thì không thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của lời nói như người bản xứ.”
Việc biên soạn sách giáo khoa Tiếng Anh đang được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh họa: Baohungyen.vn) |
Thầy H. nêu dẫn chứng, chẳng hạn như một người Việt thì có thể làm thơ bằng tiếng Anh nhưng cách diễn đạt cũng rất gượng gạo vì không thể chuyển tải hết cảm xúc thông qua ngôn ngữ.
Thầy H. cho biết đã từng trò chuyện với một giáo viên Ấn Độ bằng tiếng Anh (Ấn Độ đã từng là thuộc địa của Anh nên người dân nói ngôn ngữ này rất tốt), nhưng phải mất 5 phút thầy mới hiểu hết nội dung câu chuyện, bởi người kia nói theo phong cách của người Ấn Độ.
“Người Việt Nam học tiếng Anh dứt khoát phải hướng tới người bản xứ (người Anh)”, thầy H., nêu quan điểm.
Còn thầy Nguyễn T. L., giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh một trường trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh không hài lòng khi hay tin tác giả sách Tiếng Anh là người Việt biên soạn.
Thầy L. nói rằng, học tiếng Anh thì tốt nhất là mua bản quyền sách do các nhà xuất bản lớn của nước ngoài biên soạn như Oxford, Cambridge, Longman, Mc Milan, Cengage, National Geographic Learning, rồi in ấn tại Việt Nam để giảm bớt chi phí.
Cũng theo thầy L., sách do giáo viên người Việt biên soạn thì chẳng thể nào khá hơn được. Hiện tại sách giáo khoa tiếng Anh chưa chuẩn mà Bộ luôn cứ đưa ra chuẩn này chuẩn nọ rồi bắt mọi người tuân thủ.
Hãy để yên cho thầy cô lựa chọn sách, đừng tung hỏa mù! |
Thầy L. cũng thẳng thắn thừa nhận, giáo viên nước ngoài tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa tại Việt Nam cũng không phải là một điều hay, vì có nhiều độ vênh về trình độ.
Cùng với đó, đội ngũ biên soạn nội dung hầu hết sách tiếng Anh do các nhà xuất bản nước ngoài biên soạn thực ra không quá hùng hậu. Chỉ một vài cái tên nhưng họ biên soạn ra rất nhiều đầu sách, ở đủ mọi cấp độ.
Trong khi đó, đội ngũ biên soạn sách tiếng Anh do người Việt chủ trì có rất nhiều người, nhưng nội dung thì trùng lặp, không sâu và có nhiều sai sót về nội dung, trình bày cũng kém hấp dẫn.
Khi được hỏi về những bất cập của sách giáo khoa tiếng Anh hiện hành do tác giả người Việt biên soạn, thầy L. phân tích:
Nội dung sách tiếng Anh hời hợt, không có tính hệ thống, kế thừa nên người học thấy nhàm chán. Giáo viên thì phải vất vả tổ chức các hoạt động dạy học vì phải “chế biến” lại.
Từ vựng về một chủ đề thường ít hơn các giáo trình nước ngoài rất nhiều. Ví dụ, lượng từ mới trong sách Tiếng Anh lớp 12 không nhiều và sâu như các giáo trình nước ngoài.
Ngữ pháp thì không tập trung, chỉ lớt phớt một hai câu trong bài hội thoại hay bài đọc, nên học sinh rất khó để hiểu chủ điểm ngữ pháp đó, vì không có bài tập luyện tập thích hợp.
Tất cả đều phụ thuộc vào khả năng ứng biến của giáo viên. Mà mỗi giáo viên có năng lực khác nhau nên tài liệu chọn lựa để dạy mỗi người một phách.
“Ngoài ra, trong các sách giáo khoa tiếng Anh bậc trung học cơ sở không có bài tập để học sinh luyện tập chủ điểm ngữ pháp hay từ vựng mới được học. Có chăng thì chỉ học ở các bài Language focus, chỉ chiếm khoảng 10% nội dung chương trình”, thầy L. cho biết thêm.
Tác giả bài viết là người nghiên cứu ngôn ngữ cũng không đồng tình với người Việt biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh.
Bởi, người Việt dù giỏi đến đâu cũng không có được cảm thức ngôn ngữ như người bản ngữ. Hơn nữa, ngôn ngữ luôn có yếu tố văn hóa mang theo trong nó, nên việc biên soạn sách Tiếng Anh cần sự đồng hành của người bản ngữ.