Giáo viên thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận nỗ lực dạy học mùa Covid

30/05/2021 06:50
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi hình thức dạy học trực tuyến như dạy bằng phần mềm Zoom, gửi bài trên tin nhắn, email, gửi bài bằng giấy cho từng phụ huynh đều có những thuận lợi và khó khăn

Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh mùa Covid-19, học sinh tại tỉnh Bình Thuận đã tạm dừng đến trường từ ngày 13/5/2021 (trừ học sinh lớp 9 và lớp 12).

Học sinh làm bài, đọc bài quay clip gửi giáo viên kiểm tra và sửa (Ảnh P.T)

Học sinh làm bài, đọc bài quay clip gửi giáo viên kiểm tra và sửa (Ảnh P.T)

Một điều khá may mắn là, tất cả học sinh ở cả 3 cấp học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc kiểm tra cuối kỳ II. Bởi thế, việc cho các em nghỉ học tại thời điểm này các trường vẫn thực hiện tốt việc tổng kết năm học.

Tuy nhiên, nếu theo khung kế hoạch chương trình năm học từ đầu năm (bậc tiểu học học 35 tuần; 2 bậc học còn lại trung học cơ sở và trung học phổ thông học 37 tuần) thì các trường sẽ thiếu 3 tuần học kiến thức (1 tuần học sinh nghỉ sau Tết Nguyên Đán và 2 tuần học nghỉ sớm thời điểm này).

Thực hiện đúng tinh thần “Dừng đến trường nhưng không ngừng học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục thị xã La Gi đã có công văn gửi về các trường học trên địa bàn hướng dẫn chọn biện pháp phù hợp với điều kiện của phụ huynh và học sinh nhằm thực hiện kế hoạch dạy và học hiệu quả nhất.

Phòng Giáo dục thị xã La Gi chỉ đạo: “Để đảm bảo việc hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học 2020-2021, các đơn vị trường học chủ động tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác phù hợp để hoàn thành chương trình chính khóa theo quy định.

Đối với các lớp dạy 2 buổi/ngày không dạy các tiết tăng thêm trong thời gian dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác”.

Nhiều biện pháp dạy học cho học sinh mùa dịch bệnh

Để giúp học sinh hoàn thành nội dung học tập theo quy định, giáo viên thị xã La Gi đã áp dụng khá nhiều biện pháp dạy học nhằm đạt hiệu quả học tập cao.

Cô giáo Thục Oanh, giáo viên trường Tiểu học Bình Tân cho biết: “Giáo viên soạn bài in vào giấy và đi phô tô đúng số lượng học sinh của lớp. Cứ đầu tuần, giáo viên mang nội dung học tập lên trường phát cho phụ huynh học sinh tới lấy.

Lần tiếp theo, giáo viên sẽ thu bài các em đã làm và phát tiếp yêu cầu cần học. Sau khi xem bài, giáo viên sẽ chấm, sửa bài và lưu ý những điều học sinh chưa nắm chắc”.

Cô giáo Phan Tuyết dạy Trường Tiểu học Tân An 1 chia sẻ: “Nhà trường giao quyền cho giáo viên chọn hình thức dạy học trực tuyến phù hợp nhất với điều kiện từng lớp. Vì muốn tương tác trực tiếp với học sinh, tôi đã tham khảo ý kiến phụ huynh của lớp để cài đặt phần mềm Zoom cho các em học. Tuy thế, số lượng học sinh của lớp tham gia lớp học khá ít do gia đình các em không có máy tính, điện thoại thì ba mẹ lại đi làm cả ngày.

Cuối cùng chúng tôi thống nhất chọn cách gửi và nộp bài trên Zalo, messenger, email. Hằng ngày, tôi chuyển bài đã soạn qua cho phụ huynh (phiếu hướng dẫn học tập phải ngắn gọn, dễ hiểu nhưng vẫn đảm bảo lượng kiến thức học sinh cần nắm).

Phụ huynh sẽ hướng dẫn cho các con học và gửi sản phẩm đã hoàn thành để giáo viên kiểm tra có thể là clip học của các em hoặc chụp nội dung bài các em đã làm để gửi.

Bài học được chuyển ngày 1 lần (5 tiết học), có thể kéo dài cho nhóm học sinh chậm tiến. Sau tuần đầu tiên, giáo viên nhận thấy nhiều học sinh hào hứng đọc bài, trả lời câu hỏi để quay clip gửi cho cô”.

Thầy giáo Trần Bá Nam, giáo viên Trường Trung học cơ sở Tân Bình cũng chia sẻ: “Em chọn cách dạy Zoom, cách này trực tiếp tương tác với học sinh, dễ kiểm tra, dễ quản lý”.

Muôn vàn khó khăn

Mỗi hình thức dạyhọc trực tuyến hiện nay như dạy bằng phần mềm Zoom, gửi bài trên tin nhắn, gửi bài bằng giấy cho từng phụ huynh đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Có phụ huynh thật lòng chia sẻ: “Gia đình em chỉ có 1 chiếc điện thoại mà em lại đi làm cả ngày. 7 giờ tối mới về đến nhà là 2 anh em đều giành nhau để lấy học. Đưa cho đứa này, đứa khác lại không học được”.

Dạy bằng phần mềm Zoom, một số học sinh chưa quen nên thường hay nói đổng, chửi tục, có em nằm ngồi không nghiêm túc. Đôi khi đường truyền chậm, bất ngờ bị văng ra học sinh không thể theo học hết bài.

Do, một lớp học chỉ tối đa 100 học sinh nên giáo viên bậc trung học phải dạy nhiều lần trong ngày.

Học sinh gửi bài qua tin nhắn không có thời gian nộp bài cố định, bất kể giờ nào cũng gửi, cũng hỏi, tin nhắn cứ tin tin suốt cả đêm ngày. Có phụ huynh gọi điện hỏi bài cho con vào giờ trưa hoặc quá khuya, có người lại yêu cầu chấm bài liền.

Đưa bài tận tay học sinh nếu mỗi ngày đưa một lần, phụ huynh cho biết không rảnh để đi lấy. Một tuần đưa/lần thì lượng bài yêu cầu phải học, phải làm khá nhiều dễ gây cảm giác ngán, áp lực cho các em.

Ai cũng biết, cũng hiểu dù dạy với hình thức nào cũng vẫn thua việc dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, dạy trực tuyến bằng nhiều hình thức như các trường học trên địa bàn thị xã La Gi đang áp dụng dù có khó khăn nhưng giáo viên nơi đây vẫn đang nỗ lực để bù đắp phần nào lỗ hổng kiến thức cho học sinh do dịch bệnh mang đến.

Việc dạy và học như thế, bước đầu cũng đã mang lại ít nhiều hiệu quả và là giải pháp tốt nhất trong tình hình Covid đang diễn biến bất thường hiện nay.

Đỗ Quyên