“Cuộc đời làm giáo viên thì ai cũng phải có lúc mới đầu rồi sau một vài năm có thời gian trải nghiệm, bản thân tôi khi mới ra trường thì lớp đầu tiên tôi nhận làm chủ nhiệm là lớp 2, đây là lớp 1 của một giáo viên rất giỏi đã dạy, nên tôi cảm thấy áp lực.
Bản thân tôi rất lo lắng và phụ huynh lớp đó cũng không yên tâm vì thấy tôi trẻ quá.
Buổi họp đầu tiên, tôi có chia sẻ với với phụ huynh học sinh rằng: Tâm lý lo lắng của các anh chị về giáo viên trẻ là đúng, bản thân em vừa mới ra trường thì đã lấy đâu ra kinh nghiệm, đến trải nghiệm cũng còn chưa có.
Nhưng mọi người hãy yên tâm một điều là em rất yêu quý học sinh, mặc dù kinh nghiệm chưa có nhưng thời gian em lại có rất nhiều, cùng với tâm huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề.
Trong quá trình phối hợp với các anh chị để giáo dục con, nếu có vấn đề gì thì xin mọi người cứ trao đổi để hỗ trợ em làm tốt công tác chủ nhiệm, cũng như việc học tập và giáo dục các con được hiệu quả.
Với tâm niệm luôn cầu thị thì phụ huynh lại chính là những người thầy giúp cho tôi làm công tác chủ nhiệm tốt hơn.
Vì vậy mà sau năm lớp 2 đó thì tập thể phụ huynh của lớp yêu cầu nhà trường cho tôi được theo để dạy tiếp những lớp sau, cuối cùng tôi theo dạy lớp đó 4 năm liền”, cô Thủy chia sẻ.
Cô Đào Thị Thủy - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội: Phụ huynh và học sinh cảm nhận được tình cảm của mình đối với các con và công việc, thì đó là lúc công tác chủ nhiệm của mình đạt hiệu quả. Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đào Thị Thủy - Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, cho biết:
“Sau nhiều năm dạy học rồi lên làm quản lý, từ sự trải nghiệm của mình tôi thấy trong việc dạy học sinh thì không thể tránh khỏi việc mình sơ sảy, hoặc chưa được như mong muốn của phụ huynh.
Nhưng nếu tâm mình xuất phát từ việc yêu quý học sinh, làm tất cả cho các con một cách tốt nhất, thì những việc sơ sảy kia đều bị lu mờ.
Phụ huynh và học sinh cảm nhận được tình cảm của mình đối với các con và công việc, thì đó là lúc công tác chủ nhiệm của mình đạt hiệu quả.
Chọn và đào tạo giáo viên chủ nhiệm.
Việc tuyển giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi trải qua rất nhiều vòng, từ lựa hồ sơ, phỏng vấn xem hình thức, quan sát việc giao tiếp của cô với học sinh.
Tiếp đến phần thi viết về kiến thức Toán, tiếng Việt… nếu đạt tiếp vòng thi này sẽ đến phần thi giảng trực tiếp trên lớp.
Ban giám hiệu chỉ là người quan sát phần tương tác của giáo viên với học sinh có thân thiện hay không, có mang tính chất tất cả vì học sinh hay không…? Đây là phần được đánh giá rất cao, còn trực tiếp chấm điểm lại là việc của tổ trưởng bộ môn.
Có thể với cách dạy của giáo viên trong bài này, bài kia chưa được sáng tạo lắm, nhưng cách xử lý của cô ở trên lớp thì được ban giám hiệu quan tâm và đánh giá rất cẩn thận.
Các nhà trường đang đào tạo giáo viên chủ nhiệm như thế nào? |
Sau khi đạt phần thi giảng thực hành, chúng tôi sẽ phỏng vấn thông qua tiết học mà giáo viên đó vừa thi, để chính giáo viên đó tự đánh giá, nhận xét phần thi của mình?
Cuối cùng, cô Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch hội đồng quản trị của nhà trường sẽ phỏng vấn lần cuối trước khi giáo viên đó được nhận”.
Hàng năm nhà trường chúng tôi dành cả tháng 6 và tháng 7 để đào tạo giáo viên trực tiếp sau khi đỗ thi tuyển, vì mỗi giáo viên trước khi vào trường đều có xuất phát điểm khác nhau.
Ngoài việc đào tạo kỹ năng làm việc trên lớp thực tế, chúng tôi tập chung đào tạo về phát triển bản thân của giáo viên, đồng thời mỗi ngày các cô sẽ báo cáo với ban giám hiệu những việc mình đã và đang làm.
“Trong quá trình báo cáo sẽ bộc lộ, phát sinh ra những tình huống mà giáo viên xử lý chưa được tốt lắm, lúc này ban giám hiệu sẽ hướng dẫn, điều chỉnh sát với thực tế.
Sau 2 tháng được đào tạo, nhà trường sẽ sàng lọc lại xem giáo viên nào phù hợp, đủ điều kiện giảng dạy thì mới phân công công việc.
Cũng có trường hợp sau khi giáo viên được phân công làm chủ nhiệm, qua một thời gian thì các phụ huynh có ý kiến…chúng tôi sẽ gặp trực tiếp phụ huynh và giáo viên đó để tìm hiểu vấn đề phản ánh là gì.
Nếu thấy thực sự có vấn đề thì giáo viên chủ nhiệm đó sẽ có thời hạn 3 tuần để thay đổi, nếu như không thay đổi, không có tiến bộ thực sự thì chúng tôi sẽ đổi giáo viên.
Giáo viên chưa đạt đó sẽ chuyển xuống làm ở bộ phận hành chính, cũng như tiếp tục được đào tạo cho đến khi đạt tiêu chuẩn giáo viên chủ nhiệm.
Ban giám hiệu nhà trường luôn xác định vai trò đầu tiên của giáo viên chủ nhiệm phải giống như một người bố, người mẹ của các con ở trường.
Khi học sinh ở nhà thì các em có bố mẹ bên cạnh, nhưng khi ở trường cũng có bố mẹ nhưng đó là các thầy cô giáo chủ nhiệm của mình.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm ở trên lớp còn là người bảo vệ học sinh, là người luôn luôn đến trước để đón chào học sinh ở trường vào mỗi sáng.
Họ cũng như một trọng tài trong các tình huống học sinh trong lớp xảy ra mâu thuẫn, có thể các em không bằng lòng với bạn, với bố mẹ ở nhà nên đến kể với cô, nhờ cô giải quyết.
Những lúc như vậy thì giáo viên chủ nhiệm lại phân tích cho học sinh hiểu thế nào là sai, là đúng với bố mẹ, gia đình, bạn bè…
Vấn đề bồi dưỡng đào tạo giáo viên chủ nhiệm tại trường thì chúng tôi luôn quan tâm đến trình độ chuyên môn, cũng như tính cách con người của giáo viên đó, nhưng vấn đề con người thì chúng tôi quan tâm đầu tiên.
Khi mà yêu quý học sinh thì bản thân người giáo viên đó sẽ nghĩ được rất nhiều thứ, ví dụ với bài này mình cần phải dạy cho học sinh theo phương pháp nào để các em dễ tiếp thu, hoặc phải làm sao để các em hứng thú học tập.
Học sinh sẽ cảm nhận được tình cảm của giáo viên chủ nhiệm, thấy tin tưởng, thoải mái thì tự nhiên tư duy của các em sẽ phát triển, lúc này người giáo viên chủ nhiệm không cần phải hướng dẫn nhiều, các em sẽ tự tìm hiểu và rất nhớ kiến thức.
Nếu như giáo viên chỉ yêu bản thân và cách thể hiện của mình thì giờ lên lớp của giáo viên đó sẽ khác ngay, cô sẽ nhanh nhanh dạy xong giáo án của mình nhưng thực chất là học sinh không tiếp thu được gì qua bài giảng đó”, cô Thủy nói.
Giáo viên chủ nhiệm như người bố, người mẹ của các con ở trường. Ảnh: Tùng Dương. |
Nên hay không chọn giáo viên chủ nhiệm trẻ tuổi.
“Vấn đề này cũng tùy quan điểm suy nghĩ của từng người, bản thân tôi cũng không đánh giá nặng về độ tuổi, nhưng nếu chọn giữa một giáo viên trẻ vừa ra trường với một giáo viên đã có kinh nghiệm lâu năm, thì tôi sẽ chọn giáo viên trẻ.
Tại sao? Giáo viên trẻ vừa ra trường sẽ có nhiều thời gian hơn để gần gũi chăm sóc học sinh, cô như một người chị lớn chứ không bị xa cách về tuổi và suy nghĩ.
Giáo viên trẻ cập nhật mọi kiến thức mới rất nhanh, dễ tương tác với học sinh, hơn nữa các em thấy cô giáo của mình trẻ trung, xinh đẹp, vui vẻ thân thiện, thì bản thân các em cũng rất thích được làm việc với cô ở trên lớp.
Ngược lại thì giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm, nên để dạy một vấn đề nào đó thì các cô cần phải có nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi cũng như chia sẻ với các đồng nghiệp đi trước nhiều hơn.
Thậm chí giáo viên trẻ còn mang cả những đề Toán nâng cao của học sinh về nhà để làm, rồi các cô chấm chéo lẫn nhau, báo cáo ban giám hiệu, vậy nên những cô giáo trẻ vừa ra trường không có việc gì các cô không làm được, đó cũng là một lợi thế.
Cách dạy hiện nay không như ngày trước, cứ dạy nâng cao rồi làm đi làm lại các dạng toán, những giáo viên đã dạy lâu năm cũng đã thuộc làu ở trong đầu.
Vậy nên những giáo viên chỉ chăm chăm dạy kiến thức cho học sinh sẽ không còn phù hợp với xã hội hiện nay.
Để thay đổi được một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức là một việc rất khó, tuy nhiên không thể phủ nhận được có rất nhiều giáo viên đã thay đổi và thích nghi với những phương pháp dạy học mới khá nhanh.
Còn đối với những giáo viên có độ thay đổi ít, tính bảo thủ cao thì ngay từ vòng thi tuyển thứ 2 vào trường là chúng đã loại ra.
Hàng năm, chúng tôi tổ chức cho các giáo viên chủ nhiệm trong trường ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm ở một số nước có nền giáo dục phát triển.
Hàng tháng ngay tại trường, các giáo viên này vẫn được đào tạo thực tế với nhiều phương pháp giáo dục tích cực, điều này giúp cho các giáo viên chủ nhiệm áp dụng vào giảng dạy ở trên lớp rất tốt”, cô Thủy nhấn mạnh.