Theo ước tính, trong kho tàng tiếng Việt thì có đến 70% là từ ngữ Hán Việt. Điều đó cho thấy rằng, giáo viên cần thiết phải có vốn từ ngữ Hán Việt nhất định để làm tốt công tác giảng dạy.
Không biết từ bao giờ, mọi người luôn quan niệm rằng chỉ có giáo viên bộ môn Ngữ văn mới cần đến việc trang bị cho mình vốn từ ngữ Hán Việt, còn lại thì không cần biết vì ít khi sử dụng tới.
Trong chương trình đào tạo ở các trường đại học sư phạm, chỉ có ngành Văn mới có tiết dạy về từ Hán Việt, còn lại không có mà chỉ dạy chuyên môn của ngành mình.
Do đó, khi ra trường, các giáo viên phải “tự bơi”, tự tìm hiểu để khi cần thiết giảng giải nghĩa cho học sinh hiểu hơn.
Giáo viên cần thiết phải có vốn từ ngữ Hán Việt (Ảnh minh họa: DAD 16). |
Không những bộ môn Ngữ văn mà tất cả các bộ môn, từ tiểu học đến trung học đều luôn có mặt từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa.
Ví dụ, nếu học sinh hỏi ý nghĩa của tên gọi sách “Đại số” , “Địa lý”, “Sinh học”, “Hóa” trong “Hóa học” nghĩa là gì thì giáo viên có thể giải thích cho các em được không?
Đó là chưa nói đến những từ ngữ Hán Việt mà chúng ta chỉ biết đọc theo như một thói quen mà không hiểu được tường tận nghĩa sâu xa của nó…
Nếu gặp trường hợp đó, một khi giáo viên có hiểu biết về ý nghĩa từ Hán Việt thì khi được giải thích, học sinh sẽ có cách nhìn rộng hơn, khắc ghi kiến thức sâu hơn.
Đó cũng là một lợi thế trong việc truyền thụ kiến thức nếu giáo viên tự học, tự tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ Hán Việt trong bộ môn của mình.
Đâu phải chỉ mỗi bộ môn Ngữ văn cần đến từ Hán Việt mà tất cả các bộ môn đều phải tìm hiểu, nghiên cứu đến nơi đến chốn nguồn gốc của vốn từ ngữ này.
Xin hỏi mấy ai có cuốn “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” để trên kệ sách để khi cần thì tra cứu?
Cần nhìn nhận về hệ thống tư liệu chữ Hán ở nước ta như thế nào? |
Tôi dám chắc là rất ít người có cuốn sách này vì họ nghĩ rằng cũng không cần thiết, giảng bài cứ theo sách là “an toàn trên xa lộ”, chẳng sợ ai “thổi còi”.
Cũng may mắn cho chúng ta là học sinh thường ít hỏi, ít chịu động não để có những câu hỏi “Tại sao?” để sẵn sàng phản biện, hỏi thầy cô đến đầu đến đuôi ý nghĩa từ ngữ.
Phần lớn do học sinh nhút nhát, thiếu tự tin và hiếm có học sinh chịu miệt mài, đam mê tìm hiểu, nghiên cứu…
Tôi từng chứng kiến cô giáo lúng túng, không trả lời được câu hỏi của một học sinh trong giờ “Địa lý” rằng: từ “xích đạo” có nghĩa như thế nào? “Xích” là gì? “Đạo” là gì? Hoặc ý nghĩa của từ “đồ thị” trong bộ môn Toán chẳng hạn. “Đồ” là gì? “Thị” là gì?
Chắc có không ít giáo viên môn Toán không tường tận nghĩa gốc mà chỉ biết đọc theo thói quen mà thôi.
Thế mới biết bể học không cùng, mỗi giáo viên phải tự trang bị cho mình rất nhiều kiến thức chuyên môn, kiến thức bổ trợ mà việc không ngừng học hỏi, tìm hiểu ý nghĩa từ Hán Việt, trang bị cho mình vốn hiểu biết này là hết sức cần thiết.