Còn đâu “thủ phủ”… trâu bò?
Thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái từ hàng chục năm nay nổi tiếng cả nước với nghề nuôi và mua bán trâu bò giống.
Trước đây vài năm, mỗi ngày có đến hàng trăm thương lái vào ra, hàng ngàn con trâu bò giống được luân chuyển về và đi. Đời sống kinh tế của người dân được nâng lên, nhiều gia đình có “của ăn của để”, xây nhà cao cửa rộng…
Nhưng nay, thay vì cảnh “huy hoàng” đó là một thị trấn đìu hiu, cô quạnh. Chúng tôi quyết đi tìm nguyên nhân dẫn tới hệ quả như ngày hôm nay.
Ngày 02/4/2009, Sở Nông nghiệp tỉnh Yên Bái có Văn bản số 170/SNN-CNTS cho phép Công ty TNHH Thẩm Hường ở thị trấn Cổ Phúc cung ứng gia súc giống trên địa bàn tỉnh. |
Năm 2009, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái ban hành Công văn số 170/SNN-CNTS về cho phép Công ty TNHH Thẩm Hường ở thị trấn Cổ Phúc cung ứng gia súc giống trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Thực hiện công văn nêu trên, tính đến thời điểm ngày 24/9/2009, tại các trại nuôi nhốt của Công ty Thẩm Hường trên địa bàn huyện Trấn Yên có 1.942 con trâu, 472 con bò, trị giá 21,5 tỷ đồng.
Ngày 21/9/2009, UBND tỉnh Yên Bái bất ngờ ban hành Văn bản số 1795/UBND-NLN do Phó Chủ tịch Nguyễn Sơn Bình ký với nội dung: Cho phép người dân vùng dịch tiếp tục nuôi nhốt trâu bò (đối với số chưa bị dịch), còn vùng không bị dịch (cách 100 km) thì phải giết mổ tại chỗ (?!). |
Việc cung ứng gia súc giống trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn ra bình thường cho đến ngày “định mệnh” – 21/9/2009, UBND tỉnh Yên Bái bất ngờ ban hành Văn bản số 1795/UBND-NLN do Phó Chủ tịch Nguyễn Sơn Bình ký về việc tăng cường các biện pháp tổ chức dập dịch lở mồm long móng trâu bò trên địa bàn huyện Văn Chấn.
Nội dung Văn bản số 1795 có một nghịch lý là, UBND tỉnh yêu cầu: đối với số trâu bò chưa bị bệnh trong vùng dịch (tức là ở huyện Văn Chấn), thì giao Chi cục Thú y tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ; còn đối với toàn bộ số trâu bò ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trấn Yên (cách vùng dịch khoảng 100 km) thì UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu khẩn trương thống kê, triển khai thực hiện giết mổ bắt buộc dưới sự giám sát của cơ quan thú y địa phương.
Như vậy, số trâu bò chưa bị bệnh trong vùng dịch (huyện Văn Chấn) thì có cơ hội được sống sót, còn toàn bộ số trâu, bò ở vùng không có dịch, cách 100 km thì phải bị giết.
Hàng nghìn con trâu, bò đến bao giờ được… giải oan!?
Trước yêu cầu trên của UBND tỉnh Yên Bái, ngày 23/9/2009, Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái ban hành một văn bản… “không số”, trong đó có nội dung: Nếu Công ty Thẩm Hường không tự giác thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì sẽ bị cưỡng chế bắt buộc giết mổ... và không nhận được bất cứ khoản tiền hỗ trợ nào.
Một trong số hàng trăm biên bản xác nhận giết mổ trâu bò của Công ty Thẩm Hường. |
Vì quá lo sợ (không được hỗ trợ) và tin tưởng vào cơ quan chức năng của tỉnh nên Công ty Thẩm Hường đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của tỉnh và huyện.
Nhớ lại thời điểm đó, vợ chồng ông Thẩm, bà Hường (chủ doanh nghiệp Thẩm Hường) vẫn còn “rùng mình” bởi chỉ trong vòng 28 ngày, bắt đầu từ 28/9/2009 đến hết 26/10/2009, Công ty đã phải giết mổ 1.689 con trâu, bò dưới sự giám sát trực tiếp của Trạm thú y Trấn Yên.
Văn bản "không số" của Chi cục Thú Y tỉnh Yên Bái yêu cầu Công ty Thẩm Hường phải giết mổ ngay lập tức gần 2.000 con trâu, bò. |
Chỉ đến khi còn lại 63 con (43 trâu, 20 bò) tại các khu nuôi nhốt đang chờ giết mổ, thấy quá đau xót, Công ty mới đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục thú y tỉnh tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương làm xét nghiệm virus lở mồm long móng
Kết quả xét nghiệm số 719/TTCĐ/XN ngày 9/11/2009 của Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương về 63 mẫu bệnh phẩm đều đều cho kết quả “âm tính” với kháng thể lở mồm long móng và đủ điều kiện để được tiếp tục nuôi giữ.
Như vậy, có nghĩa là hàng nghìn còn trâu bò đã bị "chết oan" vì thực sự chúng không hề bị nhiễm dịch bệnh.
Vậy “động cơ nào”, có hay không “nhóm lợi ích” đã khiến UBND tỉnh Yên Bái vội vàng ban hành văn bản dẫn đến hàng nghìn con trâu, bò chết “tức tưởi” và ai phải chịu trách nhiệm cho việc làm “vô trách nhiệm này”?
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích ở các bài báo tiếp theo.