Cái Lon trong lời bà Cục trưởng và cái Lu của bà Nghị

15/07/2019 06:43
Xuân Dương
(GDVN) - “Lạy trời cho thổi gió “Lồm”; Em mà “lói” ngọng, anh chồm vào … “nu””.

“Lon bà Cục” là câu chuyện râm ran từ ngõ hẻm ra đến đường cái quan về lý giải của bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, rằng chữ “lon” “nếu bị thêm dấu thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất khủng khiếp”.

Còn “Lu bà Nghị” là câu chuyện vị Đại biểu Hội đồng nhân dân (đơn vị quận Gò Vấp) Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân nêu sáng kiến trang bị cho mỗi gia đình chiếc lu to chứa nước mưa để chống ngập cho thành phố.

Được biết vị đại biểu trên có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư và là Phó Trưởng khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghe nói hội trường cuộc họp được phen tỉnh ngủ không biết có phải vì đề xuất rất “xã hội nhân văn” của vị Phó trưởng khoa này hay còn vì lâu lắm cử tri mới thấy được đóng góp của một nhà khoa học cho chính quyền thành phố.

Rác phát ngôn
Rác phát ngôn

Dụng cụ bằng đất nung dùng để đựng nước có nhiều tên gọi: ang, vại, lu, khạp, vò,…

Về phương diện ngôn ngữ, việc dùng từ “lu” không có gì phải bàn luận trừ trường hợp có những suy luận lệch lạc như chuyện thêm mũ thêm dấu vào chữ “lon” theo lý giải của bà Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở.

Được biết ngoài Bắc, cơ quan cùng “chủng loại” với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh là “Học viện Khoa học xã hội” được báo chí tặng cho cái tên là “lò” ấp tiến sĩ!

Cái “lò ngoài Bắc” đã đào tạo ra vô số tiến sĩ với những đề tài như: “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”; "Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”;… 

Dùng cụm từ “Lò ngoài Bắc” để bà con có cái mà mắng mỏ giống như “Lon Việt Nam”, còn nếu viết “Lò ấp tiến sĩ ngoài Bắc” thì “tiến sĩ” nào chẳng viết được.

Có điều, Hội đồng nhân dân thành phố là nơi bàn những vấn đề hệ trọng liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống khoảng 10 triệu người, cao hơn nhiều dân số những quốc gia nhỏ như Lào, Mông Cổ, Singapore,… 

Đưa ra sáng kiến hay kiến nghị phải có tính khả thi chứ không phải nói để khỏi bị quy là “nghị gật”.

Ai cố tình che mắt các đại biểu của dân?

Để hiểu vì sao những bình luận “bảo vệ” quan điểm của vị Phó Trưởng khoa Nhân học lại bị phản bác trên mạng xã hội, chỉ xin nêu một ví dụ:

Số liệu quan trắc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trận mưa ngày 25/11/2016 đo được tại quận Tân Bình là 407,6mm, tại trung tâm thành phố là 301mm, huyện Nhà Bè là 345mm, huyện Cần Giờ là 293mm… Bình quân toàn thành phố là 336,5 mm. [1]

Cũng nên biết “lượng mưa” là lượng nước rơi xuống thiết bị hứng nước đặt trong trạm quan trắc.

Lượng mưa 300 mm có nghĩa là nếu đất không thấm nước hoặc nước không thoát ra kênh rạch, ao, hồ thì mặt đất sẽ bị ngập 30 cm.

Số liệu của Tổ chức khí tượng thế giới cho thấy lượng mưa trung bình tại Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 5 đến tháng 10 từ trên 200 mm đến trên 300 mm (xem bảng)

Tháng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Cả năm

Lượng mưa (mm)

13,8

4,1

10,5

50,4

218,4

311,7

293,7

269,8

327,1

266,7

116,5

43,3

1.931

Nguồn: Số liệu thống kê của Tổ chức khí tượng thế giới

Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích gần 2.100 km2 tức là khoảng 2,1 tỷ mét vuông, với lượng mưa 0,336 mét thì lượng nước mưa đọng trên mặt đất (ngày 25/11/2016) sẽ vào khoảng 700 triệu mét khối. 

Cứ cho rằng nước thoát ra kênh rạch, ao hồ gần hết, chỉ còn 1/10 đọng trên mặt đất và giả sử mỗi cái lu chứa được 1 mét khối thì theo đề xuất của bà Nghị nọ, Thành phố Hồ Chí Minh cần 70 triệu cái lu để chứa nước. 

Bệnh Não bé
Bệnh Não bé

Giả sử mỗi cái lu chiếm diện tích 1 mét vuông thì thành phố phải dành ra 70 triệu mét vuông (70 km2) làm chỗ đặt lu. 

Diện tích này lớn gấp gần 10 lần diện tích quận 1 (7,73 km2), gấp gần 20 lần ba quận nhỏ nhất là quận 3 (4,92km2), quận 4 (4,18 km2) và quận 5 (4,27 km2).

Đấy là chưa nói đến giá tiền mua một chiếc lu.

Có thể người hoạt động trong lĩnh vực “xã hội nhân văn” thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia chậm hơn lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng chắc chắn đã làm đến Phó khoa của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì không thể không biết lời dạy của cổ nhân “Bảy lần đo, một lần cắt”.

Làm nhà giáo mà chỉ biết “cắt”, không biết “đo” thì học trò sẽ biết gì?

Về trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ Việt Nam hiện tại, thiết nghĩ không gì chính xác hơn là dẫn ý kiến trong bài: “ “Thiếu” giáo sư, tiến sĩ (?!)” đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam:

“Nếu nói rằng chúng ta đang “quá tải” hay “lạm phát” giáo sư, tiến sĩ thì cũng không hẳn, nhất là khi chỉ có vài trăm giáo sư là đang có cống hiến cho sự nghiệp khoa học, giáo dục…

Chính phủ rất cần sự đóng góp của “giới tinh hoa”, đó là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ” nhưng ngược lại cũng cần “Tránh việc đào tạo tiến sĩ và xét công nhận giáo sư, phó giáo sư không thực chất, hình thức, háo danh ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của những nhà khoa học chân chính”. [2]

Theo bài báo, cả nước chỉ có “vài trăm” giáo sư là có cống hiến cho sự nghiệp khoa học, giáo dục vậy số còn lại “cống hiến” cho cái gì?

Chuyện cái lon, cái lu và cái lò liệu có phản ánh mặt bằng trình độ cán bộ, công chức và đội ngũ “tinh hoa” hiện nay hay không?

Đoán rằng không ai dám xúc phạm các “nguyên khí quốc gia”, có điều nhân bàn về vần “l” trong các phát kiến kể trên, mấy “chuyên gia” trà đá vỉa hè được phen cười sái quai hàm khi biến báo câu thơ:

“Lạy trời cho thổi gió Nồm; Ðể cho thuyền Chúa thuận buồm về kinh” như sau:

“Lạy trời cho thổi gió “Lồm”; Em mà “lói” ngọng, anh chồm vào … “nu””.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/dem-qua-sai-gon-hung-luong-mua-ky-luc-400mm-20181126094958512.htm

[2] http://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/thieu-giao-su-tien-si-499315.html

Xuân Dương