Đại bàng, Thương lượng và Đất lành chim đậu!

30/05/2020 06:06
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc chưa bao giờ xử kịch khung hình phạt với tội tham nhũng có phải là một trong các nguyên nhân khiến những bàn tay nhúng chàm vẫn thoăn thoắt đếm tiền?

Báo chí Nhật Bản đưa tin, hãng sản xuất nhựa Tenma có trụ sở tại Tokyo Nhật Bản thú nhận với Tòa án Tokyo rằng Công ty trách nhiệm hữu hạn Tenma Việt Nam - công ty con của hãng tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh đã hối lộ cán bộ nhà nước Việt Nam số tiền khoảng 25 triệu yên - tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tạm đình chỉ một loạt cán bộ lãnh đạo, công chức thuế, hải quan thuộc tỉnh Bắc Ninh để phục vụ công tác điều tra.

Thực hư vụ việc thế nào chỉ mới có thông tin từ phía Nhật Bản, còn tại Bắc Ninh, cho đến hết ngày 27/05/2020, Công an tỉnh này thông báo vẫn "chưa có chứng cứ" về việc Công ty Tenma Nhật Bản hối lộ hơn 5 tỷ đồng cho quan chức thuế, hải quan của tỉnh.

Vụ việc tại Bắc Ninh không khiến dư luận bất ngờ bởi trước đó đã xảy ra vụ án đưa và nhận hối lộ giữa đại diện công ty Pacific Consultants International (Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương – PCI) Nhật Bản và Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh.

Tranh biếm hoạ về nhận hối lộ (Ảnh minh hoạ: Plo.vn)
Tranh biếm hoạ về nhận hối lộ (Ảnh minh hoạ: Plo.vn)

Vụ Huỳnh Ngọc Sĩ không phải phía Việt Nam phát hiện mà lại là cơ quan chức năng của Nhật Bản khởi xướng.

Số tiền mà Sĩ nhận hối lộ phía Nhật công bố là hơn 2,4 triệu USD nhưng phía Việt Nam chỉ xác minh được khoảng 1/10 con số đó.

Sau khi tìm hiểu môi trường doanh tại Việt Nam và bản thân người phụ trách dự án (phía Việt Nam), lãnh đạo công ty đã kết luận:

“Muốn kinh doanh dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây chỉ còn cách kinh doanh bí mật với ông Sĩ”. [1]

Kết quả của vụ “kinh doanh bí mật với ông Sĩ” theo lời khai của các quan chức PCI là cơ quan này đã 07 lần đưa hối lộ cho Sĩ tổng số tiền là 2.432.000 USD, tính theo thời giá hiện tại là trên 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên cơ quan điều tra Việt Nam chỉ xác minh được một lần Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ 262.000 USD tại phòng làm việc (tương đương 5 tỷ đồng).

Năm 2010 Tòa sơ thẩm tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ tù chung thân với tội danh nhận hối lộ, năm 2011 Tòa phúc thẩm tuyên 20 năm tù giam vì có “tình tiết giảm nhẹ”. [2]

Được biết Luật Hình sự 1999 quy định tội nhận hối lộ từ 300 triệu đồng trở lên hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” có khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Hậu quả vụ việc liên quan đến Huỳnh Ngọc Sĩ là ngày 04/12/2008, Nhật Bản tuyên bố tạm dừng cung cấp vốn ODA (vốn vay ưu đãi) cho Việt Nam.

Liệu việc Nhật ngừng cấp ODA cho Việt Nam có phải là “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” từ hành vi đưa và nhận hối lộ liên quan đến Huỳnh Ngọc Sĩ?

Gần đây vụ cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD (gần 70 tỷ đồng) người này chỉ bị tuyên án chung thân mặc dù Luật Hình sự 2015 quy định nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên có thể bị tử hình.

Từng có vị Bộ trưởng nói đại ý “Đào tạo tại chức là nồi cơm của các cơ sở giáo dục đại học”, điều này khiến có người liên tưởng và hỏi rằng “Thuế có phải là nồi cơm của Nhà nước và Thể chế chính trị”?

Sáng 05/05/2020, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố “Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019”.

Tại trang 96, báo cáo ghi: “Không ít nơi, ít lúc doanh nghiệp và người dân vẫn bị gây khó khăn, nhũng nhiễu bởi những quy định mang tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức”.

Báo cáo cũng cho thấy năm 2019, có khoảng 10% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “bị nhũng nhiễu”.

Để tránh “bị nhũng nhiễu”, doanh nghiệp buộc phải “thương lượng với cán bộ thuế” và tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động này đã giảm từ con số 53,2% năm 2018 xuống còn 47,1% năm 2019 (số liệu trong báo cáo PCI2019).

Thế có nghĩa là gần 50% doanh nghiệp FDI đã thực hiện hành vi “thương lượng với cán bộ thuế” và hậu quả là gì?

Là thuế doanh nghiệp phải nộp, tức là nồi cơm của Nhà nước bị hao hụt. Và liệu có chuyện sau những cuộc thương lượng đó, những người tham gia thương lượng tức là những người thực thi công vụ phía Việt Nam không được chút “chè nước” gì?

Nếu các cuộc thương lượng (của doanh nghiệp FDI) thành công thì thuế mà doanh nghiệp phải nộp sẽ được giảm bởi nếu thuế vẫn giữ nguyên hoặc lại tăng thêm thì các cuộc “thương lượng” đó bị coi là thất bại.

Vậy phía sau những cuộc “thương lượng” thành công phải chăng là phong bì, là những khoản giống như cựu Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Ngọc Sĩ đã đút túi?

Cơ quan chức năng Nhật Bản điều tra chính các doanh nghiệp Nhật làm ăn mờ ám ở nước ngoài, phải chăng vì thế mà sau khi vụ việc Huỳnh Ngọc Sĩ vỡ lở, việc thương thảo các dự án đã có sự thay đổi “ngoạn mục”.

Số liệu thống kê cho thấy “90% các dự án tổng thầu EPC tại Việt Nam rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, có tới 30 dự án trọng điểm Quốc gia”. [3]

Tiếng tăm của nhà đầu tư Trung Quốc “vang lừng” khắp thế giới và người dân Việt Nam nhận thấy quả đắng này từ khá lâu rồi, chỉ có điều thông tin về việc Chính phủ Trung Quốc xét xử doanh nghiệp nước mình làm ăn mờ ám ở nước ngoài thì hình như chưa thấy.

Và có phải không ít người phía Việt Nam được giao nhiệm vụ “thương lượng” với phía Trung Quốc không biết tập quán sinh học của loài chim tu hú đến từ phương Bắc?

Có câu hỏi không thể không đặt ra, đó là hàng chục dự án thua lỗ do Bộ Công thương quản lý liên quan đến nhà đầu tư Trung Quốc, liệu có các cuộc “thương lượng” ngay từ khi dự án còn nằm trên giấy?

Nói về kinh nghiệm “thương lượng”, không có chuyện các nhà đầu tư Trung Quốc kém hơn các nhà đầu tư Nhật Bản.

Không những thế doanh nghiệp Trung Quốc còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng người Việt gốc Hoa.

Bằng chứng là thông tin Bộ Quốc phòng mới công bố, theo đó chỉ riêng địa bàn Đà Nẵng, “Từ năm 2011 đến 2015, cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đứng tên sử dụng và thuê của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng 134 lô, 1 thửa đất.

Có 2 trường hợp mang quốc tịch Trung Quốc đã đầu tư cho 8 người (trong đó 6 người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỉ đồng”. [4]

Người gốc Hoa bình thường sống ở Đà Nẵng đã có thể trợ giúp người mang quốc tịch Trung Quốc làm ăn như vậy, nếu (giả dụ) có ai đó “không bình thường” âm thầm trợ giúp “đồng bào mình” thì thế nào?

Mới đây, có ý kiến đề xuất “Đón đại bàng đến Việt Nam làm tổ”, nhưng lại có tờ báo chạy tít ngược lại “Làm tổ đón đại bàng”, liệu người ta có biết đại bàng thích làm tổ ở đâu?

Nói theo nghĩa bóng, dẫu xuôi hay ngược thì cũng có thể hiểu, rằng chúng ta cần chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cũng không nên quá hào hứng mà quên đi sự thật, rằng đại bàng được mệnh danh là “chúa tể bầu trời”, là loài chim chỉ ăn thịt tươi, cá tươi, không như kền kền ăn xác thối.

Nơi mà đại bàng sinh sống đương nhiên phải có các con mồi, nếu không có mồi đừng hòng chúng lưu lại.

Báo chí viết nhiều về một “đại bàng” nước uống từ Mỹ đến Việt Nam, bao nhiêu năm kinh doanh nhưng tìm mọi cách trốn thuế.

Năm 2019, Tổng cục Thuế cho rằng “Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm về khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định, nên đã ra quyết định phạt và truy thu số tiền 'khủng' lên đến hơn 821 tỉ đồng”. [5]

Thế có nghĩa là trước khi đón đại bàng thì phải lo bảo vệ các “động vật” bản địa, nếu chính người Việt lại chỉ lo “thương lượng” thì sớm muộn chúng ta sẽ chỉ còn lại rau muống.

Vậy nên người viết rất muốn ở tầm vĩ mô, chúng ta phải làm sao cho “Đàn chim Việt” trở nên hùng hậu, làm sao cho “Chim Lạc” không chỉ là hình ảnh trên trống đồng mà phải thực sự tung bay giữa trời xanh, chính “Chim Lạc” mới là mơ ước nghìn đời của người Việt chứ không phải đại bàng.

Nói thế không có nghĩa là tẩy chay “đại bàng” mà chỉ muốn chúng ta làm thế nào để “đại bàng” không càn quét hết các con mồi cả trên rừng, đồng bằng lẫn ngoài biển.

Theo chiều ngược lại, nếu xảy ra tình trạng “Đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim” thì đó không phải là lỗi mà là tội với muôn đời.

Để thu hút đầu tư nước ngoài về tỉnh mình, để tăng vị trí trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh, liệu có chuyện ngành Thuế và Hải quan Bắc Ninh chịu áp lực nào đó để giảm thuế cho doanh nghiệp FDI, để đón được nhiều “đại bàng” về mảnh đất này làm tổ chứ không chỉ là chủ ý của nhóm người có biệt tài “thương lượng”?

Cơ chế chính sách có lỗ hổng chỉ là một trong các nguyên nhân, nguyên nhân chính là con người, là những kẻ dù biết lò nóng đang đốt cháy cả củi tươi nhưng chúng vẫn không sợ.

Sau Huỳnh Ngọc Sĩ, còn bao nhiêu chiếc kim trong bọc chưa bị lòi ra?

Và việc chưa bao giờ xử kịch khung hình phạt với tội tham nhũng có phải là một trong các nguyên nhân khiến những bàn tay nhúng chàm vẫn thoăn thoắt đếm tiền?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://noichinh.vn/ho-so-tu-lieu/201206/vu-an-huynh-ngoc-si-291047/

[2]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/huynh-ngoc-si-duoc-giam-an-con-20-nam-tu-37799.html

[3] https://www.baogiaothong.vn/nhung-du-an-chet-do-vi-cong-nghe-nha-thau-trung-quoc-d151121.html

[4]https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-quoc-phong-neu-ca-nhan-doanh-nghiep-trung-quoc-su-dung-dat-dac-dia-tai-viet-nam-1224722.html

[5]https://tuoitre.vn/coca-cola-viet-nam-bi-phat-truy-thu-thue-hon-821-ti-20200109215422258.htm

Xuân Dương