Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến

25/02/2016 07:22
Xuân Dương
(GDVN) - Quên đi trang sử bi thương, hùng tráng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là có tội với tổ tiên, với anh linh đồng bào chiến sĩ.

Bộ phim Unbroken (không khuất phục) được chiếu trên truyền hình cáp Việt Nam vào dịp lễ tình yêu với tên dịch là Bất khuất. Unbroken là tác phẩm của nữ đạo diễn kiêm diễn viên phim hành động nổi tiếng Angelina Jolie.

Unbroken được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về vận động viên điền kinh Olympic người Mỹ gốc Ý Louis Zamperini (1917 – 2014). 

Năm 1936, mới 19 tuổi Louis Zamperini đã tham dự Olympic Berlin ở cự ly chạy 5.000 mét.

Chiến tranh xảy ra, ông trở thành xạ thủ trên máy bay B26, máy bay hỏng động cơ rơi xuống biển, ông cùng 2 đồng đội khác lênh đênh trên biển hơn 40 ngày và bị hải quân Nhật bắt làm tù binh đưa về giam giữ trên một hòn đảo Thái Bình Dương.

Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến  ảnh 1
Cán bộ chiến sĩ Điện Biên Phủ Ma Lù Thàng sau trận đánh 17/2/1979, chụp hình lưu niệm với Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Ảnh: thanhnien.com.vn)

Phim có những hình ảnh trong trại tù Louis bị cai ngục người Nhật đánh đập dã man bằng gậy tre, bị bắt lao động khổ sai, bị mua chuộc lên đài phát thanh nói lời phản chiến… 

Bộ phim bị tẩy chay ở Nhật vì người Nhật cho rằng phim phản ánh không chính xác hình tượng quân đội Nhật trong các nhà tù thời chiến tranh thế giới 2 cũng như việc mô tả viên cai tù tàn ác Mutsuhiro Watanabe.

Tuy nhiên, ngoài nước Nhật, bộ phim vẫn được chào đón với nhiều nhận xét khá thẳng thắn và công bằng.

Nước Mỹ và Nhật Bản ngày nay là hai quốc gia tư bản hàng đầu thế giới, là đồng minh chiến lược gắn bó vận mệnh với nhau, song những cảnh quay trong phim không hề né tránh những hành động tàn bạo, vô nhân tính mà lính Nhật đối xử với tù binh Mỹ.

Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến  ảnh 2

Sự thật của chiến tranh vệ quốc chống xâm lược cần được đưa vào sách giáo khoa

(GDVN) - Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh chống xâm lược phía Bắc và cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ từ đất liền tới hải đảo cần được đưa vào sách.

Còn chúng ta, người Việt ngày nay nghĩ gì, nói gì về cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc trên biên giới phía Bắc năm 1979 nói riêng và lịch sử đất nước nói chung?

Dường như có sự đối xử không công bằng giữa khoa học Lịch sử với một số môn khoa học xã hội, khoa học chính trị khác. 

Có lúc, có nơi với tư duy áp đặt Lịch sử không còn giữ vẹn nguyên tính chân thực vốn có của một ngành khoa học xã hội, nó chưa trở thành khoa học tuyên truyền nhưng nếu không sớm nghĩ lại, đó sẽ không còn là nguy cơ.

Sự bó buộc, định hướng có thể thấy rõ trong cả ba lĩnh vực: giáo dục lịch sử; nghiên cứu, ghi chép các sự kiện lịch sử và giải mã bí ẩn lịch sử.

Sự kiện Quốc hội phải quyết định giữ lại môn Lịch sử với tư cách là môn học độc lập vừa qua cho thấy rõ nét một quan điểm ứng xử với lịch sử. 

Dù rằng đó mới chỉ là quan điểm của một số lãnh đạo ngành Giáo dục song khó có thể nói những quan điểm ấy là hoàn toàn độc lập, không bị chi phối bởi các ý kiến khác.

Từ sau năm 1975, có những sự kiện lịch sử chỉ được làm sáng tỏ khi các phương tiện truyền thông công bố các tư liệu nước ngoài, chẳng hạn số hiệu chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm 1975 hay sự kiện Gạc Ma 1988.

Câu chuyện vài trẻ em cho rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em hay người dẫn chương trình Truyền hình Việt Nam khẳng định Ngô Quyền ba lần đánh quân Nguyên Mông chỉ là hệ quả của một thời kỳ mà Lịch sử không được coi trọng đúng mức.

Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến  ảnh 3

Có những tình tiết lịch sử chỉ thấy dân gian lan truyền

Sau năm 1979, có thời kỳ báo chí trong nước đăng bài ca ngợi Đặng Tiểu Bình - người đã quyết định xua quân tấn công Việt Nam - là một nhân vật kiệt xuất. 

Nhân vật ấy có thể là kiệt xuất với người Trung Quốc và thế giới nhưng không thể chối bỏ một sự thật lịch sử, rằng cuộc chiến mà ông Đặng phát động đã phá hủy toàn bộ cơ sở vật chất vùng biên giới dài 1.200 km nước ta, đã cướp đi sinh mạng hàng vạn người Việt và cũng khiến người dân Trung Quốc phải trả giá bằng sinh mạng nhiều vạn con em họ.

Xin trích một đoạn trong chương 9 - Lịch sử Sư đoàn Sao Vàng anh hùng:

Ngày 17 tháng 2, một ngày hết sức bình thường, một ngày mà mọi người dân Việt Nam đang lao động, xây dựng đất nước trong hòa bình bỗng trở nên một cái mốc trong lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của đất nước. Một kẻ thù mới đã lộ rõ nguyên hình với bộ mặt thâm hiểm ghê tởm, đầy tội ác, và một cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu với dân tộc ta”. [1]

Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến  ảnh 4

Bộ Giáo dục sẽ đưa cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa

(GDVN) - Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đưa các cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, Hải chiến Hoàng Sa…vào sách giáo khoa mới với dung lượng phù hợp nhất.

Những kẻ chủ mưu gieo tội ác giết hại đồng bào ta, phá hủy làng mạc, thành phố quê hương ta phải được gọi đúng tên là tội phạm chiến tranh giống như Hitler, như Mutsuhiro Watanabe chứ không thể có cách gọi hay ứng xử khác.

Phát biểu tại Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình nói: “Chế độ chính trị của hai nước tương đồng, lí tưởng và niềm tin giống nhau, có chung lợi ích chiến lược”. [2]

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang níu kéo chúng ta bằng lá bài lí tưởng và niềm tin, có thật họ và chúng ta cùng chung ý thức hệ, “có chung lợi ích chiến lược”?

Mỗi cá nhân nắm quyền ở Trung Quốc đều có những quan điểm chủ đạo, chẳng hạn Mao Trạch Đông đưa chủ thuyết “Ba ngọn cờ hồng”, Đặng Tiểu Bình với học thuyết “Mèo trắng, mèo đen” và ngày nay ông Tập Cận Bình phát động thuyết “Bốn toàn diện”. 

Điều này được suy ra từ phát biểu của ông Tập tại Quốc hội Việt Nam: “Xây dựng xã hội khá giả toàn diện, tiến hành cải cách sâu rộng, xây dựng quốc gia pháp trị toàn diện mọi mặt, thi hành nghiêm khắc chiến lược phát triển của Đảng”. [2]

Có thể tóm tắt bốn toàn diện của ông Tập gồm: “Xây dựng xã hội khá giả toàn diện; cải cách toàn diện; pháp trị toàn diện và đảng trị toàn diện”

“Xã hội khá giả” là khái niệm được Đặng Tiểu Bình đề xướng từ 1979, được nhắc lại trong thời Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, nay được nâng thành quan điểm chủ đạo, chiếm vị trí số một trong học tuyết chính trị của ông Tập. 

Cần phải thấy rằng ông Tập dùng cụm từ “xã hội khá giả toàn diện” chứ không phải cụm từ  mô tả một hình thái xã hội nào khác.

Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến  ảnh 5

Trăn trở của người lính từng qua tất cả các cuộc chiến tranh cách mạng thế kỷ XX

(GDVN) - Trung tướng Đặng Quân Thụy là người đã tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cho tới chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc.

Cũng cần phải thấy rằng từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính các nước láng giềng, đặc biệt là đối với Việt Nam, như tiêu đề một bài báo trên Giaoduc.net.vn ngày 21/2/2016: “(tên lửa) HQ-9 Trung Quốc kéo ra Hoàng Sa chủ yếu đe dọa Việt Nam”. 

Chiếm đất và cướp đảo, đe dọa và lừa phỉnh, những điều ấy ai cũng biết, ai cũng thấy, vậy thì làm sao chúng ta lại có cùng ý thức hệ với họ, làm sao chúng ta có thể đồng chí hướng với họ?

Tên lửa, máy bay, tàu chiến không đáng sợ, đáng sợ là sự mất cảnh giác, là sự mơ màng về ý thức hệ, về tình anh em, đồng chí mà con cháu bậc thầy binh pháp Tôn Tử hàng ngày quảng bá.

Sự buông lỏng quản lý mấy chục năm qua đã khiến lượng người Trung Quốc sinh cơ lập nghiệp trên đất Việt tăng lên chóng mặt, phố người Hoa, nhà máy, khách sạn của người Hoa và những đứa trẻ mang hai dòng máu Hoa-Việt hiện diện khắp nơi, thậm chí ngay bên cạnh các công trình quân sự tối mật như sân bay, quân cảng...

Điều đó chẳng lẽ không nhắc chúng ta về câu chuyện đau lòng Mỵ Châu – Trọng Thủy?

Phải chăng chính vì “mơ màng” nên mới có chuyện lịch sử cuộc chiến được các nhà viết sách giáo khoa biên soạn trong 4 trang nhưng lại bị cắt xén chỉ còn lại 11 dòng?

Không thể trách các nhà khoa học, những người viết sử bởi họ không phải là người quyết định viết cái gì, bỏ cái gì.

Mỹ, Pháp,Trung Quốc… đều là đối tác chiến lược với Việt Nam, với chủ trương đối ngoại “làm bạn với các nước” sao chúng ta có thể nói nhiều về chiến thắng quân đội viễn chinh Pháp, về chiến tranh cục bộ do chính quyền Mỹ gây ra ở miền Nam mà lại chỉ có 11 dòng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược trong sách giáo khoa phổ thông? 

Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến  ảnh 6

3 viên tân Tư lệnh Chiến khu Trung Quốc từng tham gia Chiến tranh Biên giới

(GDVN) - Triệu Tông Kỳ là tổ trưởng trinh sát từng nhiều lần dẫn quân xâm nhập khu vực đóng quân của bộ đội Việt Nam và bắt cóc tù binh.

Phải chăng chính chúng ta đang tự tạo ra sự không công bằng, minh bạch trong quan hệ quốc tế, đang tự tạo ra rào cản với bè bạn muốn đến với mình?

Cần nhớ rằng cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm (1945-1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ là 21 năm (1954-1975), còn cuộc chiến chống Trung Quốc trên biên giới phía Bắc, như nhận định trên Wikipedia:

Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung chính thức được bình thường hóa”. [3]

Chiến tranh Việt Nam có sự tham gia của 550.000 quân Mỹ cùng với 70.000 quân đồng minh (Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines). Không tính quân lực Việt Nam cộng hòa, số lính nước ngoài là 620.000 người [4]. 

Chiến tranh xâm lược Việt Nam, Trung Quốc huy động khoảng 600.000 quân. Có thể thấy quy mô chiến tranh biên giới 1979 không kém gì hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trận chiến được các nhà sử học quân sự thế giới đánh giá là “trận chiến ác liệt nhất, đẫm máu nhất trong các chiến dịch quân sự ở Châu Á sau thế chiến thứ 2” xảy ra vào ngày 13/7/1984 khi quân đội Việt Nam phản công tại cao điểm 1509 và 1250 trên biên giới Việt Trung. [5]

Vô tình hay có chủ ý quên đi một trong những trang sử bi thương, hùng tráng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc là có tội với tổ tiên, với anh linh đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống suốt chiều dài biên giới phía Bắc. 

Không muốn hay không dám nói đến “vì đại cục” không phải là cách ứng xử của con người văn minh với lịch sử.

Đối với kẻ có dã tâm xâm lược, một sự nhịn sẽ mang đến chín sự phiền, sự nhẫn nhịn của chúng ta không bao giờ biến kẻ xâm lược trở thành người tử tế. 

Đối tác chiến lược và góc nhìn cuộc chiến  ảnh 7

Tướng Thước: “Ngày 17/2/1979 mãi là bài học cho các thế hệ trẻ”

(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ, chúng ta không bao giờ muốn gây hận thù dân tộc, nhưng chúng ta phải tôn trọng lịch sử.

Các căn cứ quân sự Trung Quốc đang hình thành ở Hoàng Sa, Trường Sa sẽ chỉ là bước khởi đầu cho việc chặn con đường ra biển của người Việt. 

Người viết cho rằng, đối xử một cách đàng hoàng với tất cả các quốc gia là cách hành xử tốt nhất để thêm bạn bớt thù.

Một đối tác tin cậy bao giờ cũng tốt hơn một người bạn xấu tính.

Người viết có một kiến nghị, đã đến lúc cần phải tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn “Việt Nam - dấu ấn lịch sử thế kỷ 20”.

Một ấn phẩm chính thức của nhà nước về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc chống bốn kẻ thù mạnh nhất thế giới Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc.

Việc đưa các sự kiện lịch sử vào sách giáo khoa chỉ nên xem là một bộ phận trong công trình biên soạn này.

Bỏ ra số tiền lớn biên soạn các cuốn sách về văn hóa để ngay sau đó bán sách như giấy vụn, chẳng lẽ chúng ta lại không có kinh phí cho việc nghiên cứu lịch sử đất nước?

Từ câu chuyện Bí thư và Chủ tịch Hà Nội cùng xuống ruộng cấy lúa đầu xuân 2016, nếu một ngày nào đó nhân dân được nhìn thấy hình ảnh các vị lãnh đạo cấp cao cùng thắp nén nhang trước anh linh các liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ biên cương Tổ quốc, người viết tin rằng đó sẽ là hình ảnh xúc động mãi mãi lưu vào sử sách.

Tài liệu tham khảo:

 [1]http://kilopad.com/Tieu-su-Hoi-ky-c12/doc-sach-truc-tuyen-lich-su-su-doan-sao-vang-b3580/chuong-9-t135644

[2] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151107_xi_jinping_vn_speech_complete

[3]https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_bi%C3%AAn_gi%E1%BB%9Bi_Vi%E1%BB%87t-Trung,_1979

[4]http://vietbao.vn/The-gioi/Chien-tranh-Viet-Nam-nhin-tu-phia-My/40076626/159/

[5] www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/.../150713_laoshan_anniversar

Xuân Dương