Mẹ – Tổ quốc, nỗi đau và niềm kiêu hãnh

08/03/2016 07:27
Xuân Dương
(GDVN) - Người phụ nữ Việt yêu thương đằm thắm, thủy chung, nhân ái trong gia đình, trong cộng đồng bao nhiêu thì dữ dội bấy nhiêu khi bảo vệ Tổ quốc.

Nói về phụ nữ, người ta hay dùng cụm từ “một nửa thế giới”, thực tế cho thấy do tư tưởng trọng nam khinh nữ, ở châu Á nơi dân cư chiếm 60% toàn thế giới, sự mất cân bằng giới đã khiến câu nói trên chỉ mang tính tượng trưng. 

Ở Việt Nam, ngay tại Hà Nội sự mất cân bằng giới tính đã đến mức báo động, năm 2013, tỷ lệ sinh sản là 114 bé trai/ 100 bé gái, năm 2014 con số này là 116/100. [1]  

Những cụ bà nông thôn an nhàn tuổi già bên nhau. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Mai.
Những cụ bà nông thôn an nhàn tuổi già bên nhau. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Mai.

Cũng chính tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã khiến phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi về quyền lợi chính trị, quyền bình đẳng giới, quyền được chăm sóc và bảo vệ…

Gần hai thế kỷ trước, ngày 8 tháng 3 năm 1857, các công nhân ngành dệt thành phố New York – Hoa Kỳ đã tập hợp nhau kiên quyết chống lại điều kiện làm việc tồi tệ mà giới chủ áp đặt cho họ. 

Phải đến năm 1975 Liên Hiệp Quốc mới chọn ngày 8/3 làm ngày tổ chức kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ (International Women's Day). 

Cũng phải hai năm sau Tổ chức này mới chính thức thông qua một nghị quyết công bố Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế (United Nations Day for Women's Rights and International Peace).

Có một điều lý thú, trong tiếng Anh, từ “Motherland” (đất mẹ) đồng nghĩa với Tổ quốc, còn người Nga năm 1967 đã dựng một tượng đài vĩ đại với tên gọi “Mẹ - Tổ quốc kêu gọi” (Родина-мать зовёт). 

Với người Nga, mẹ cũng đồng nghĩa với Tổ quốc, còn người Việt dù quen nói là “đất cha ông” chứ ít khi nói “đất mẹ” nhưng lại dành tình cảm đặc biệt cho các mẹ khi nhà nước chỉ quy định danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Người Việt từ xa xưa đã có tín ngưỡng thờ Mẫu, Bà Chúa Liễu (Liễu Hạnh công chúa) cùng với Tản Viên Sơn thánh, Phù Đổng Thiên vương và Chử Đồng Tử hình thành nên Tứ bất tử trong dân gian nước Việt.

Mẹ – Tổ quốc, nỗi đau và niềm kiêu hãnh ảnh 2

Những tên cướp biển mang truyền thống AQ

(GDVN) - Tính cách AQ cộng với máu cướp biển khiến lãnh đạo và truyền thông TQ cứ nói bừa, thiên hạ bịt tai hay xỉ mũi cũng mặc kệ miễn là dân Trung Quốc tin là được.

Các nhà sử học cho rằng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nổ ra vào mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công nguyên) là cuộc khởi nghĩa toàn diện và rộng khắp đầu tiên của cư dân Âu Lạc chống lại bọn đô hộ phương Bắc. 

Hai trăm năm sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu (Thị Trinh) và anh trai Triệu Quốc Đạt vào năm 248.

Nếu sử sách lưu truyền Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt qua câu thơ “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư...” của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thì chính sử cũng ghi lại câu nói khí phách của Bà Triệu: 

Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.

Không chỉ dựng cờ khởi nghĩa mới được lưu danh muôn thủa, bằng sự hi sinh thầm lặng hạnh phúc cá nhân, Công chúa Huyền Trân đã góp phần mở mang bờ cõi Đại Việt về phía nam. 

Châu Ô, châu Lý (vùng đất từ bờ Nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam) chính là sính lễ mà vua Chăm Pa (Chế Mân) dâng cho vua Trần nước Đại Việt để cầu hôn Công chúa Huyền Trân.

Không mất mũi tên hòn đạn mà giúp quốc gia mở rộng bờ cõi như thế chẳng phải là công tích thiên thu hiếm có hay sao?

Mẹ – Tổ quốc, nỗi đau và niềm kiêu hãnh ảnh 3
Đền thờ Huyền Trân Công chúa tại Huế (Ảnh: dulichhue.com.vn)

Triều đình nhà Nguyễn (1802 - 1945) đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, TP.Huế, thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân.

Ngày nay khu du lịch văn hóa tâm linh rộng 28 ha xây dựng tại Huế năm 2007 chính là sự ghi nhận công trạng mà Huyền Trân Công chúa đã mang lại cho nước Việt.

Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thơ ca có lẽ khó tìm thấy nơi nào trên thế giới:

Cái cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Nàng về nuôi cái cùng con

Cho anh đi trẩy nước non Cao Bằng


Và có lẽ hình ảnh “núi Vọng Phu” trong văn học Việt Nam cũng là một nét độc đáo ít gặp. Những năm sơ tán ở Lạng Sơn thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, núi Vọng Phu đã trở thành cảm hứng cho bài thơ “Núi Vọng phu” viết năm 1967, xin kính tặng các mẹ, các chị, các em, các cháu, đặc biệt là bạn đọc nữ của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam:

Ai ngày xưa đứng đó

Mắt dõi tìm chơi vơi

Biển xanh hoà đẫm lệ

Lệ vẫn rơi, còn rơi


Ai ngày xưa đứng đó

Mênh mang một khoảng trời

Chim chiều về non biếc 

Sao không về người ơi


Ai ngày xưa đứng đó

Dáng in trong nắng chiều

Thời gian ơi quay lại

Cho nàng tìm người yêu.

Người phụ nữ Việt yêu thương đằm thắm, thủy chung, nhân ái trong gia đình, trong cộng đồng bao nhiêu thì dữ dội, quyết liệt bấy nhiêu trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 

Có thể thấy điều đó trong lời bài hát Đất Quê Ta Mênh Mông: “Mẹ vẫn đào hầm từ lúc tóc còn xanh, nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc” hay câu nói của nữ anh hùng Út Tịch “nó đánh mình, mình đánh nó; còn cái lai quần cũng đánh”.

Sau ngày thống nhất hai miền Nam - Bắc, làm kinh tế trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cả nước và điều gây ngạc nhiên lớn không chỉ cho người Việt mà còn bạn bè khắp năm châu, doanh nghiệp làm ăn có lãi lớn, có uy tín quốc tế hàng đầu Việt Nam lại là doanh nghiệp do một phụ nữ chèo lái.

Mẹ – Tổ quốc, nỗi đau và niềm kiêu hãnh ảnh 4

Gen “hòa” và triết lý “lô đề”

(GDVN) - Nghe và biết người ta nói dối mà vẫn vỗ tay hoan hô thì hoặc là “ngây thơ quá” hoặc là “cao minh quá”. Có điều “thái quá bất cập”, cái gì “quá” cũng không tốt.

Đó là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk mà bà Mai Kiều Liên là Tổng giám đốc. Bà Liên cũng là người Việt Nam duy nhất trong số 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á được Forbes bình chọn năm 2012.

Một doanh nghiệp sữa khác, tập đoàn sữa TH true MILK đứng đầu là bà Thái Hương cũng trở thành thương hiệu được thế giới công nhận. 

Năm 2015 này cùng với bà Mai Kiều Liên, bà Thái Hương  là hai nữ doanh nhân Việt Nam lọt vào top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. 

Cũng cần nói thêm là năm 2013 trong danh sách của Forbes, Việt Nam có một đại diện là bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang.

Năm 2014 Việt Nam có 3 đại diện là các bà Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Mai Thanh (Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE),bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á - SeAbank).

Thống kê gần đây của Bộ GD&ĐT [2] cho thấy trong tổng số 841.800 giáo viên phổ thông và đại học, số giáo viên nữ là 584.327 người, chiếm 69,3%.

Nếu tách riêng khối trường Cao đẳng - Đại học thì con số tương ứng là 23.262 và 12.051, nghĩa là giảng viên nữ chiếm 52%.

Tỷ lệ nữ trong ngành Y có lẽ không thấp hơn ngành Giáo dục, ví dụ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có trên 60% cán bộ nữ; tỉnh Quảng Bình số lượng nữ cán bộ, viên chức, lao động ngành Y chiếm trên 70%; số liệu công khai của Đại học Y Hà Nội cho thấy toàn trường có 1303 cán bộ, số cán bộ nữ là  687 chiếm 53%.

Phụ nữ chiếm đa số nhân lực trong hai ngành Giáo dục và Y tế, có thể nói đó là những ngành của giới trí thức, những ngành có ảnh hưởng quan trọng nhất đến sự phát triển đất nước, tầm vóc và trí tuệ người Việt. 

Nếu biết rằng người Việt ngày nay, chỉ riêng rượu bia đã tiêu tốn chừng 3 tỷ đô la, bằng số tiền thu được từ xuất khẩu gạo hẳn chúng ta không khỏi giật mình. Càng giật mình khi biết phần lớn người uống bia rượu là nam giới. 

Một thống kê trong bài “Người Việt uống rượu bia hết 3 tỉ USD/năm” đăng trên Anninhthudo.vn ngày 2/4/2015 cho biết: “Riêng nam giới thì mức tiêu thụ trung bình/năm của nam giới Việt Nam là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu. Các nghiên cứu chỉ ra, gần một nửa nam giới Việt Nam có sử dụng rượu bia”.

Số liệu mà Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền công bố tại buổi tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp” sáng 24/2/2016 cho thấy tỷ lệ phụ nữ tham chính ở Việt Nam chưa bao giờ vượt quá 30%. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu là 35%. [3]

Phụ nữ chiếm xấp xỉ 50% dân số, phụ nữ trong hai ngành Giáo dục và Y tế chiếm tỷ lệ hơn 50% vậy tại sao con số đặt ra đối với tỷ lệ nữ tham chính chỉ là 35%? 

Vì phụ nữ không đủ năng lực lãnh đạo hay tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không chỉ hiện diện trong suy nghĩ của người lao động bình thường? 

Cần phải thấy rằng điều này thực sự không công bằng với phụ nữ, với những gì mà họ đã cống hiến cho Tổ quốc và dân tộc. Đảng, Nhà nước rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm để phụ nữ Việt Nam thực sự bình đẳng với nam giới.

Nhân ngày 8/3, một sự thật nhức nhối mà người viết không thể không đề cập, vì sao khá nhiều phụ nữ Việt phải lấy chồng Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan…? 

Không ít người trong số đó đã phải đánh đổi mạng sống của mình vì một cuộc sống tha hương không có tương lai? 

Vì sao Nhà nước không thể mạnh tay hơn nữa với bọn buôn người trá hình thông qua hình thức môi giới hôn nhân? 

Bảo vệ nhân phẩm người phụ nữ cũng chính là bảo vệ hình ảnh đất nước, cũng chính là cách để duy trì, bảo tồn nòi giống Việt khỏi sự đồng hóa ẩn giấu dưới chiêu bài tinh vi nhưng chẳng có gì là bí mật này. 

Phụ nữ luôn là những người nhận phần thiệt về mình, phần lớn công nhân các công ty vệ sinh môi trường là phụ nữ, phần lớn những người đứng trên bục giảng với đồng lương ít ỏi cũng là phụ nữ. Thực trạng ấy bao giờ sẽ được xóa bỏ?

Phụ nữ Việt Nam là như thế, người mẹ Việt Nam là như thế nên không có gì khó hiểu khi những tình cảm sâu nặng nhất, cao quý nhất của cả dân tộc là dành cho họ.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/24470402-ty-le-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-o-ha-noi-tang-cao-bat-thuong.html

[2]http://www.moet.gov.vn/?page=11.6&view=3544

[3]http://daihoi12.dangcongsan.vn/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340739&cn_id=404354

Xuân Dương