Nói tóm lại, nhân dân cứ yên chí nhé!

12/09/2018 06:35
Xuân Dương
(GDVN) - Thế dân có nên mừng vì có người đồng hành cùng mình từ tháng 5 năm 2018 đến nay?

Báo Thanhtra.com.vn đưa tin, tại phiên họp ngày 5/9/2018 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Cường nêu ý kiến:

Năm 2018, số lượng bản kê khai là rất lớn nhưng chỉ xác minh được 44 người/1.136.902 người đã kê khai.

Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Kết quả xác minh phát hiện có 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường hợp so với năm 2017”. [1]

Theo phát biểu của ông Cường, việc xác minh bản kê khai tài sản (của 44 người) là để phục vụ cho “công tác cán bộ, bổ nhiệm”. Như vậy có hai khả năng xảy ra:

Thứ nhất những người đó thuộc diện được quy hoạch, có thành tích công tác nổi trội hơn người khác, có đạo đức trong sáng, tức là những cá nhân xuất sắc, được tổ chức quan tâm, chuẩn bị bổ nhiệm chức vụ mới;

Thứ hai, có thể có trường hợp cần làm rõ thêm trước khi quyết định kỷ luật (hoặc bổ nhiệm).

Nếu việc xác minh chỉ nhằm phục vụ công tác bổ nhiệm thì đương sự phải thuộc diện “xuất sắc”, thế nhưng 6 trong số 44 người tạm gọi là “xuất sắc” đó bị kết luận là “vi phạm”, chiếm tỷ lệ tới 13,6%.

Ảnh minh họa: anninhthudo.vn
Ảnh minh họa: anninhthudo.vn

Số còn lại, tức là những người không cần xác minh bản khai tài sản, theo phép suy đoán thông thường có lẽ (hay chắc chắn?) không “xuất sắc” hơn những người được dự kiến “bổ nhiệm”!

Nếu số còn lại không “xuất sắc” hơn và nếu cơ quan chức năng xác minh thì tỷ lệ 13,6% sẽ “ổn định” hay biến động, nếu biến động thì tăng hay giảm?

Số người vi phạm khi xác minh bản kê khai tài sản trong 4 năm qua dao động trong khoảng 3-6 phần triệu (làm tròn), cụ thể năm 2015 là 5 phần triệu; [2] Năm 2016 là 3 phần triệu; [3] Năm 2017 là 5 phần triệu và năm 2018 là 6 phần triệu. [4]

Nếu những con số phản ánh đúng thực tế thì quả là hồng phúc của dân tộc.

Đánh giá mức độc hại của khói nhà máy nhiệt điện, giới chuyên môn cho rằng nếu lọc được 99% lượng SO2 (điôxit lưu huỳnh) trong khói là tuyệt vời, 1% còn lại hoàn toàn đảm bảo an toàn cho sức khỏe cư dân khu vực tiếp giáp nhà máy. [5]

Vậy chỉ có 3-6 phần triệu người phải kê khai tài sản “có vấn đề” thì mức độ “an toàn” của bộ máy là trên cả tuyệt vời?

Nói tóm lại, nhân dân cứ yên chí nhé! ảnh 2Nhiều Ban thế có phải là hồng phúc của dân tộc?

Thống kê trong “Sách Trắng” do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao công bố cho thấy:

Năm 2015 tổng số vụ án đã khởi tố trên toàn quốc là 72.450 với 109.096 bị can, chiếm tỷ lệ 0,15% so với tổng dân số có độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự”. [6]

Cùng trong năm 2015, chỉ có 5 phần triệu cán bộ phải kê khai tài sản “có vấn đề” trong khi dân (ở độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) đã bị khởi tố là 0,15%.

Làm một phép so sánh đơn giản đơn giản thế này, tỷ lệ phạm tội của dân 0,15% nghĩa là cứ 1 vạn dân thì có 15 người phạm tội, một triệu dân có 1.500 người phạm tội.

Chia 1.500 cho 5 sẽ thấy cứ 300 người dân bị khởi tố thì mới có một cán bộ có vấn đề về kê khai tài sản, nhưng chưa thấy ai bị khởi tố như dân.

Cán bộ trong sạch đến thế sao dân vẫn mất niềm tin? Người xưa nói: “Thái quá bất cập”, bất luận cái gì “quá” cũng không tốt, “trong sạch quá” thì trở thành tầm thường, đáng nghi ngờ.

Người bảo vệ pháp luật, cầm trong tay chiếc cân công lý có lẽ nào lại không quan tâm đến đạo lý ấy?

Hãy lấy ví dụ sự kiện khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh để biết sự “trong sạch” của cán bộ thực sự thế nào?

Kể từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự án Thủ Thiêm (1996), đến nay đã qua 22 năm, tức gần một phần ba đời người, dân kêu thì cứ kêu, ra Hà Nội lập “Làng Thủ Thiêm” là việc của dân, guồng máy công quyền Thành phố Hồ Chí Minh dẫu sao chạy vẫn “lì”!

Bí thư Thành ủy đương nhiệm Nguyễn Thiện Nhân từng nói với bà con Thủ Thiêm đại ý rằng thành phố rất quan tâm đến đời sống của bà con nhân dân, luôn giữ lời hứa với dân.

Zingnews dẫn lời ông Nhân nói với cựu đại tá quân đội Hồng Minh Hải: “Gia đình anh là sĩ quan quân đội mà để anh phải ở nhà này, tôi thấy hổ thẹn quá”. [7]

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về vụ việc Thủ Thiêm chỉ rõ sai phạm từ quận đến trung ương, những địa chỉ được nêu trong kết luận gồm “Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Sở Địa chính, Ủy ban Nhân dân Quận 2, Ủy ban Nhân dân Thành phố và Văn phòng Chính phủ”.

Nói tóm lại, nhân dân cứ yên chí nhé! ảnh 3Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng!

Thế chẳng nhẽ chỉ có từng ấy địa chỉ?

Để vụ việc (dân khiếu nại) kéo dài tới 20 năm đâu phải chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đã nêu, nếu thiếu thì phải bổ sung thêm các địa chỉ nào?

Thứ nhất là lãnh đạo cao nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996 bởi Quyết định số 367. Từ đó đến nay thành phố Thành phố Hồ Chí Minh đã qua 4 đời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân gồm:

1. Ông Võ Viết Thanh, Chủ tịch thành phố từ 1996 - 2001;

2. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch thành phố từ 2001 - 2006; Ông Hải còn là Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010, tái đắc cử chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015;

3. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch thành phố từ 2006 - 2015 (hai nhiệm kỳ); Ông Quân từng là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy.

4. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch đương nhiệm. Đầu năm 2007, ông Phong chính là Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Quận 2 (địa chỉ được Thanh tra Chính phủ đề cập), ông Phong cũng là Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010 đến nay.

Trong buổi họp ngày 15/5/2018 với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Thủ tướng yêu cầu các bộ:

“Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong quá trình rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại”.

Nói tóm lại, nhân dân cứ yên chí nhé! ảnh 4Tham nhũng quyền lực tinh vi và nguy hiểm nhất

Một khi đã đề cập đến chức năng quản lý nhà nước (vụ Thủ Thiêm) thì không chỉ các Bộ Xây Dựng, Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp mà còn nhiều bộ, ngành khác.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, không ít quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố trái với quyết định của Thủ tướng, thay đổi nội dung trong quyết định của Thủ tướng, chẳng hạn  ra quyết định thay thế quyết định của Thủ tướng, không dành 160 ha đất phục vụ công tác tái định cư như dự án mà Thủ tướng phê duyệt,… Thậm chí thành phố này còn ban hành văn bản thay thế quyết định của Thủ tướng!

Trả lời câu hỏi: “Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có làm trái luật” có phải chỉ là nhiệm vụ của Bộ Tư pháp hay còn của cả Công an, Kiểm sát và các cơ quan bên Đảng?

Rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Thủ Thiêm, số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng (4 con đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm được định giá gần 12.000 tỷ đồng), chẳng lẽ Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có chút gì liên quan?

Có một câu hỏi nhiều bài báo đã đề cập, đó là vai trò của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh?

Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam Vov.vn ngày 11/5/2018 dẫn ý kiến Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp:

Đáng nhẽ Hội đồng Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phải giám sát cách đây 7-8 năm trước”.

Bảy tám năm trước tức là khoảng năm 2010-2011, có một vị đại biểu Quốc hội được dân bầu từ năm 2011 đến nay, thế mà mãi tới ngày 10/5/2018 người dân mới nghe được câu nói của vị đại biểu này:

“Còn làm Đại biểu Quốc hội ngày nào tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân”.

Nói tóm lại, nhân dân cứ yên chí nhé! ảnh 5Có ai khóc cùng dân không?

Thế dân có nên mừng vì có người đồng hành cùng mình từ tháng 5 năm 2018 đến nay?

Ngoài các cơ quan thuộc khối hành pháp, Thanh tra Chính phủ không nhắc đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể,… là tuân theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên việc không đề cập đến vai trò của chính cơ quan Thanh tra Chính phủ là điều khó hiểu bởi Thanh tra Chính phủ đã kết luận sai phạm của cơ quan ngang bộ là Văn phòng Chính phủ như sau:

Đối với Văn phòng Chính phủ, xem xét để xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan đến các thiếu sót, khuyết điểm trong việc lưu trữ hồ sơ, bản vẽ quy hoạch”.

Báo Danviet.vn viết: “Câu chuyện mất bản đồ, hay câu chuyện đột ngột dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân, đến giờ này không còn là chuyện "nội bộ" của Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh tra Chính phủ với những văn bản lẽ ra phải công khai lại được che giấu bằng "dấu mật", phải được xử lý rốt ráo từ cấp cao hơn”. [8]

Tạp chí điện tử Làng Mới - Cơ quan của Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam - trong bài: “Phải trả lời vì sao dừng thanh tra Thủ Thiêm?” nêu ý kiến chất vấn của Đại biểu Đặng Thuần Phong - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre gửi Tổng Thanh tra Chính phủ:

“Vì sao dừng việc thanh tra Thủ Thiêm trước đây; Vì sao công tác tiếp công dân nhiều năm liền không phản ánh gì về vấn đề Thủ Thiêm.

Dân khiếu nại tố cáo thành làng Thủ Thiêm ở Hà Nội mà báo cáo công tác khiếu nại tố cáo hàng năm của Chính phủ hàng năm hoàn toàn không đề cập”.

Bài báo viết tiếp: “Sau 3 năm dừng thanh tra khu đô thị Thủ Thiêm bằng văn bản mật, sáng nay 30/5(2018) Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã giao các bộ phận liên quan làm báo cáo để trả lời Đại biểu quốc hội”. [9]

Như vậy trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, vấn đề mà Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong yêu cầu liên quan đến chính vụ việc Thủ Thiêm không được thể hiện, phải chăng Thanh tra Chính phủ sẽ trả lời riêng cho ông Đặng Thuần Phong?

Nếu có một văn bản trả lời từ phía Thanh tra Chính phủ, với tư cách là người được dân bầu, ông Đặng Thuần Phong có nên công bố văn bản đó trên truyền thông hay văn bản này cũng phải đóng dấu “mật”?

Một khi Thanh tra Chính phủ đã kết luận: “Ủy ban Nhân dân Thành phố (Hồ Chí Minh) đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi Khu tái định cư 160 ha thuộc 05 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” thì tiếp theo sẽ là gì?

“Vi phạm các quy định của pháp luật” kéo dài liên tục trong vòng 20 năm có phải là vi phạm nghiêm trọng? Nếu nghiêm trọng thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay theo truyền thống sẽ là “rút kinh nghiệm”?

Tỷ lệ dân bị xử gấp 300 lần so với cán bộ chỉ là con số tương đối, nếu vụ việc Thủ Thiêm đến đây là kết thúc thì nhà nước sẽ giải thích thế nào về “Thượng tôn pháp luật”?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/trieu-nguoi-ke-khai-chi-xac-minh-44-truong-hop-tong-thanh-tra-ly-giai_t114c1059n138240

[2] https://dantri.com.vn/xa-hoi/41-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-khong-co-co-so-nghi-ngo-1436873558.htm

[3] https://nld.com.vn/thoi-su/hon-11-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-nhung-chi-3-thieu-trung-thuc-20170905163636347.htm

[4] https://www.tienphong.vn/phap-luat/ke-khai-tai-san-chi-5-phan-trieu-can-bo-khong-trung-thuc-1090799.tpo

[5] http://gereports.vn/khu-khi-doc-trong-khoi-thai-dien-than/

[6] http://vneconomy.vn/thoi-su/tinh-hinh-toi-pham-tai-viet-nam-2015-trong-sach-trang-20151204110812348.htm

[7] https://news.zing.vn/ba-con-thu-thiem-noi-gi-sau-khi-thanh-tra-chi-ra-sai-pham-cua-ubnd-tp-post875330.html

[8] http://danviet.vn/tin-tuc/ban-do-thu-thiem-mat-tich-va-chuyen-dung-thanh-tra-dot-ngot-872084.html

[9] http://langmoi.vn/phai-tra-loi-vi-sao-dung-thanh-tra-thu-thiem/

Xuân Dương