“Sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 không chỉ riêng bộ Cánh Diều

26/10/2020 06:14
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách Cánh Diều bị phê phán vì dùng một số từ địa phương, vậy sách “không cánh diều” dùng “lá trang” thì sao?

Câu chuyện sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Cánh Diều đã khiến cả xã hội tốn nhiều công sức mổ xẻ, nhiều vị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị (Quốc hội, Chính phủ, truyền thông,…) phải lên tiếng.

Chẳng lẽ “sạn” chỉ có trong bộ sách Cánh Diều?

Để trả lời câu hỏi này, mời bạn đọc cùng lướt qua một số trang trong cuốn sách “Tiếng Việt 1, tập 1” do nhóm tác giả Nguyễn Thị Hạnh (chủ biên), Nguyễn Thị Hương Giang, Nguyễn Lê Hằng, Đặng Thị Lanh, Trần Thị Hiền Lương, Trịnh Cam Ly biên soạn.

Cuốn sách này do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Điểm qua dư luận, cuốn sách này chưa bị “ném đá hội đồng” có phải vì không có hoặc ít “sạn” hơn sách Cánh Diều hay phía sau đó là cuộc đấu khốc liệt mà các nhóm lợi ích âm thầm phát động?

Bài viết này không đi sâu vào khía cạnh chuyên môn tiếng Việt (âm, vần, câu,…) mà về những vấn đề khoa học, xã hội.

Bài “Tấm Cám”, trang 109:

“Tấm mồ côi mẹ, phải ở với mẹ kế là mẹ của Cám.

Tấm rất chăm chỉ. Ngày ngày, Tấm mò cua, bắt cá, chăn trâu, cắt cỏ,… Còn Cám ham chơi, chả chịu làm gì. Có lần, cả hai đi bắt cá. Cám nghĩ kế lấy hết cá ở giỏ của Tấm để mẹ khen”.

Nhiều ý kiến đánh giá bài tập đọc “Hai con ngựa” trong sách Cánh Diều dạy trẻ thói lười biếng, vậy bài “Tấm Cám” với nội dung như trên dạy trẻ thói gì?

Để được “mẹ khen” thì “nghĩ kế” lấy cắp của người khác, những gì mà bài tập đọc này dạy học sinh vì sao lại không bị “soi”, không bị xem là có “sạn”?

Bài “Gà mẹ chăm con”, trang 111:

“Buổi sớm, khi mặt trời vừa lên, gà mẹ dẫn đàn con ra cây rơm. Ở đó có nhiều hạt lúa còn sót lại.

Khi hết lúa, gà mẹ gọi con ra khóm chuối cuối vườn. Gà mẹ muốn dạy con bới giun.

Từ sớm đến tối, gà mẹ luôn ở bên gà con”.

Trong tiếng Việt, các cụm từ “hạt lúa” và “hạt thóc” đôi khi được dùng với ý nghĩa tương tự, tuy nhiên thực tế cũng có sự phân biệt, khi chưa gặt, khi hạt còn gắn trên “bông lúa” thì gọi là “hạt lúa”, khi bị tuốt khỏi bông thì hạt đó gọi là “hạt thóc”.

Áp dụng vào ngữ cảnh bài “Gà mẹ chăm con” thì sử dụng từ “hạt lúa” là không phù hợp bởi liên quan đến câu: “Khi hết lúa, gà mẹ gọi con ra khóm chuối ở cuối vườn”.

“Lúa” là loại cây trồng, không phải hạt, nói “hết lúa” không có nghĩa là “hết thóc”, vì thế ngữ liệu bài viết không phù hợp về khoa học, “lúa” không phải thứ mà đàn gà tìm kiếm bởi trâu bò có thể ăn “lúa” chứ gà thì không.

Nếu bài viết được sửa: “… Ở đó có nhiều hạt thóc còn sót lại” thì câu văn phía dưới: “Khi hết thóc … ” sẽ không gặp vấn đề về “sạn”.

Mặt khác, hình vẽ minh họa cho thấy đàn gà tìm giun trên khoảnh đất có nhiều hoa màu vàng, phải chăng đám hoa này là “cây rơm” hay “khóm chuối”?

Bài “Mặt Trăng”, trang 131:

Mặt trăng có tuổi gần bằng tuổi của trái đất. Một ngày ở mặt trăng dài gần bằng ba mươi ngày ở trái đất.

Hai người đầu tiên lên mặt trăng là người Mĩ.

Sau này đã có thêm nhiều người lên mặt trăng”.

Theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP: “Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm…) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh. Trường hợp danh từ chung chỉ địa hình đi liền với danh từ riêng: Không viết hoa danh từ chung mà chỉ viết hoa danh từ riêng” ví dụ Cửa Lò, biển Cửa Lò.

“Mặt Trăng” là tên riêng của một hành tinh quay quanh trái đất cũng như các tên riêng Việt Nam, Hoa Kỳ, Hà Nội,… đều phải viết hoa. Vậy cả bốn từ “Mặt Trăng” trong bài đọc (trừ tít bài) đều viết sai.

Về mặt khoa học, hai phi hành gia người Mĩ là Neil Armstrong và Edwin Eugene Aldrin cùng có mặt trong Modun Mặt trăng (tách ra từ tàu Apollo 11) hạ cánh xuống Mặt trăng. Tuy nhiên các tài liệu chính thức từ Hoa Kỳ đều nói “Người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng” là Neil Alden Armstrong.

Viết “Hai người đầu tiên lên mặt trăng” dễ đưa đến cách hiểu sai lệch, rằng cả Neil Armstrong và Edwin Eugene Aldrin đều là người đặt chân lên Mặt Trăng vào cùng một thời điểm.

Với trẻ nhỏ lớp 1, điều này không không dấy lên nghi ngờ nhưng với khoa học thì chuyện chính xác cần phải đặt lên hàng đầu.

Bài “Ếch con tính nhẩm”, trang 149:

“Ngồi trên lá trang

Ếch làm tính nhẩm

Thấy cua bò ngang

Ếch giơ tay chộp…”

Từ hình minh họa bên cạnh bài đọc, các tác giả soạn sách và Hội đồng thẩm định có nên in thêm một tờ rơi giải thích cho phụ huynh học sinh, thày cô giáo và học trò, rằng “Lá Trang” là lá gì? Cua “bò ngang” trên mặt nước bằng cách nào?

Được biết tiếng Việt cổ tại một vài làng, xã thuộc đồng bằng Bắc Bộ (ví dụ xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội,…) gọi những chiếc lá sen, lá súng nằm trên mặt nước là “lá trang” để phân biệt với những chiếc lá nhô khỏi mặt nước. Tuy nhiên đây là từ địa phương ít được sử dụng và ngày nay rất ít người biết đến.

Nhà thơ Hoàng Cầm có thể “bịa” ra lá Diêu Bông, tác giả Trần Thị Nhật Tân có thể rất am hiểu từ ngữ dân gian về “Lá Trang” song nếu không giải thích cặn kẽ thì nhà giáo không thể gán thứ lá nhiều người không biết ấy cho lá sen, lá súng và hồn nhiên đưa chúng vào sách giáo khoa cho học sinh lớp 1.

Sách Cánh Diều bị phê phán vì dùng một số từ địa phương, vậy sách “không cánh diều” dùng “lá trang” thì sao?

Người trưởng thành đều biết “bò” là động tác diễn ra trên mặt đất còn “bơi” là động tác diễn ra trên mặt nước. Hình vẽ minh họa bài thơ cho thấy các tác giả biên soạn, đặc biệt là chủ biên đã không cẩn thận nếu không nói là cẩu thả khi chấp nhận hình minh họa.

Còn Hội đồng thẩm định không thể mắt nhắm mắt mở mặc cho họa sĩ phù phép khiến cua có thể “bò ngang” trên mặt nước để ếch “giơ tay chộp”.

Nếu dành thời gian tìm hiểu, chắc chắn còn nhiều “sạn” sẽ được phát hiện trong cuốn sách Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo dục.

Người viết không nghi ngờ kiến thức chuyên môn của nhóm tác giả biên soạn sách, nhưng từ những gì “nhặt” được không thể không đặt câu hỏi về khả năng tổng hợp của họ.

Bên cạnh đó, không thể không nêu câu hỏi về hoạt động của các thành viên Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập.

Nếu nhiều sách qua thẩm định vẫn đầy “sạn” thì các vị “Hội đồng” có nên công khai nhận thiếu sót và trả lại ngân sách thù lao đã nhận?

Mặt khác, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên chấm dứt hoạt động của các Hội đồng Thẩm định liên quan đến “sạn” trong các bộ sách giáo khoa đã phát hành, thành lập Hội đồng mới với 100% thành viên không liên quan gì đến hội đồng cũ?

Xuân Dương