Tản mạn về cánh đồng, mặt trời và con đường

05/06/2016 08:01
Xuân Dương
(GDVN) - Cánh đồng không thể cho mùa màng bội thu nếu thiếu mặt trời, nhưng cánh đồng cũng có thể lụi tàn nếu mặt trời luôn thiêu đốt.

Đặc điểm chung giữa cánh đồng và con đường là đều có mương dẫn nước. Trong khi, bất kỳ cánh đồng mẫu lớn nào cũng phải có mương tưới và mương tiêu thì con đường chỉ có rãnh (mương) thoát nước. 

Cánh đồng, bất kể là đồng lúa, đồng muối hay đồng cỏ hoang đều góp phần nuôi sống con người, muông thú…, mất mùa hay thất bát không phải lỗi của cánh đồng mà do thiên tai hoặc con người không biết canh tác, cánh đồng chẳng bao giờ có lỗi. 

Con đường có thể dẫn người ta tới nơi phồn hoa đô thị, cũng có thể dẫn người ta tới ngõ cụt.

Có con đường dẫn tới vinh quang thì cũng có con đường đưa người ta tới khổ đau, cay đắng.

Lỗi của con đường không do thiên tai mà do người làm ra nó, từ thiết kế đến thi công, bảo dưỡng… 

Để bảo vệ “con đường” từng có địa phương ở Hà Tĩnh thu phí cả trâu bò đi trên đường? [1]

Tản mạn về cánh đồng, mặt trời và con đường ảnh 1
Trâu bò ở Hà Tĩnh từng bị thu phí 5kg thóc hoặc 7.000 đồng nếu muốn...ra đường (Ảnh: vietnamnet.vn)

Quốc lộ hoặc đường phố thường có vỉa hè hoặc lề đường trừ đường mòn hoặc đường độc đạo, con người đưa ra quy định khi lưu hành trên đường phải đi phía bên phải.

Tuy nhiên không thiếu trường hợp người ta lại buộc phải đi theo chiều bên trái như trên cầu Long Biên, cầu Việt Trì…

Người viết từng được một bà giáo già người Séc (Tiệp Khắc cũ) khuyên, rằng đi bộ trên đường nên đi theo lề trái, khi đó sẽ yên tâm không sợ xe đâm phía sau, còn phía trước mình quan sát được nên có thể đề phòng tai nạn.

Khi một con đường trải nhựa xuyên qua cánh đồng, một khoảng đất chết được hình thành, lợi đi kèm hại.

Có thể người ta vui mừng vì con đường đó thuận lợi cho giao thương nhưng các công trình mà con người xây dựng như thành phố, bến cảng, sân bay… đều góp phần biến bề mặt trái đất thành vùng đất chết, đều đe dọa sự sống của chính hành tinh xanh bởi ngày càng nhiều người tin rằng trái đất cũng là một cơ thể sống.

Tản mạn về cánh đồng, mặt trời và con đường ảnh 2

GS.Trần Hồng Quân: Hãy bao dung và hướng tới tương lai

(GDVN) - Lịch sử là quá khứ đương nhiên không quên, dù đó là những tội ác, nhưng hãy nhìn nhận khách quan, lòng bao dung và độ lượng sẽ giúp con người sống tốt hơn.

Có những con đường không hằn vết trên bề mặt địa cầu, nó đi giữa tâm thức con người, trong số đó có con đường mà cựu trung úy đặc nhiệm hải quân Hoa Kỳ (SEAL), cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey lựa chọn. 

Không phải người Việt, chính người Mỹ 16 năm trước (2001) đã lật tìm quá khứ của Bob Kerrey, đã mô tả các hành vi dã man mà đơn vị đặc nhiệm hải quân do Bob Kerrey chỉ huy gây ra với phụ nữ và trẻ em ở Thạnh Phong (Bến Tre). 

Nếu không có sự kiện Đại học Fulbright hẳn không nhiều người, không nhiều quan điểm trái chiều về Bob Kerrey được phát biểu như những ngày này.

Thật đáng tiếc, nhưng cũng hoàn toàn tự nhiên là con đường mà Bob Kerrey lựa chọn đã chia “cánh đồng dư luận” của người Việt thành hai nửa đối nghịch.

Câu hỏi một tác giả nêu lên: “Ai có quyền tha thứ cho Bob Kerrey?” và tác giả tự trả lời “Người có quyền tha thứ cho ông đã khuất” đúng mà không đúng.

Người bị hại có quyền tha thứ cho kẻ gây hại, điều này pháp luật nước nào cũng công nhận.

Tha thứ không thuộc phạm trù tư pháp mà thuộc phạm trù đạo đức. 

Tha thứ thể hiện lòng vị tha của con người đối với các hành vi bị dư luận lên án, kể cả trường hợp bị xem là phạm tội. 

Tha thứ cho những kẻ giết hại dân thường vô tội trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 mà Trung Quốc gây là quyền của người Việt đang sống chứ không chỉ của người đã khuất.

Với trường hợp của Bob Kerrey, cho dù người có quyền tha thứ đã khuất cũng không có nghĩa là không còn ai được quyền tha thứ. 

Nói như tác giả có nghĩa là họ hàng, con, cháu và những người không liên quan sẽ không có quyền đề cập (tha thứ hoặc lên án) đến những mất mát, đau thương đã xảy ra ở Thạnh Phong vào năm 1969?

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, là điều nhiều người muốn, người viết cũng đồng tình như vậy.

Song một khi quá khứ bị đánh thức, dù dưới bất kỳ lý do gì thì cần đặt nó vào hoàn cảnh hiện tại, không thể để nó trở thành nguyên nhân chia rẽ lòng người. 

Cánh đồng không thể cho mùa màng bội thu nếu thiếu mặt trời, nhưng cánh đồng cũng có thể lụi tàn nếu mặt trời luôn thiêu đốt. (Ảnh: vungtau.edu.vn)
Cánh đồng không thể cho mùa màng bội thu nếu thiếu mặt trời, nhưng cánh đồng cũng có thể lụi tàn nếu mặt trời luôn thiêu đốt. (Ảnh: vungtau.edu.vn)

Con đường trên thảo nguyên không biết nó đang chia rẽ đồng cỏ, chỉ người thiết kế con đường và những ai đi trên đó là biết.

Con đường mà hôm nay - vào năm 2016 này, Bob Kerrey chọn cũng vậy, nó không có lỗi, lỗi là do quá khứ, do những kẻ chủ mưu xâm lược Việt Nam và những tên lính khát máu gây ra.

Lỗi cũng còn do một số người “yêu quá” hoặc “ghét quá” mà thiếu đi sự tỉnh táo cần thiết.

Câu “thái quá bất cập” phần đông người lớn tuổi biết, một số người trẻ tuổi không biết. Nói nôm na “cái gì quá cũng đều là không tốt”. 

Tản mạn về cánh đồng, mặt trời và con đường ảnh 4

Khó tìm được ai hơn ông Bob Kerrey

(GDVN) - Có thể ông Bob Kerrey sẽ vẫn tiếp tục im lặng chịu trận từ những cú đòn của dư luận như bao lâu nay ông vẫn làm, tiếp tục cắn răng âm thầm đóng góp.

“Yêu quá” dễ dẫn tới ghen tuông, mù quáng, “ghét quá” dễ dẫn tới cực đoan, phiến diện, “tôn sùng quá” dễ dẫn tới độc đoán, chuyên quyền…

Ca ngợi hành động của một người là “tuyệt vời” thì liệu rồi đây chúng ta còn từ ngữ nào để ca ngợi những người cũng rất thiện chí với Việt Nam nhưng chưa từng gây tội ác giết người? 

Liệu họ có chịu cùng “tuyệt vời” như nhau? Phải chăng nên gọi Bob Kerrey là con người dũng cảm, dám đối diện với sự thật, không lảng tránh trách nhiệm?  

Tất cả những người kêu gọi Bob Kerrey không nên tiếp tục công việc dang dở ở Đại học Fulbright và những người ủng hộ ông hết lòng hãy để phần quyết định cho Bob. 

Con người đã biết vượt qua chính mình, đã từng là chính khách có tên tuổi trên chính trường nước Mỹ thì chắc chắn cũng sẽ biết phải làm gì tốt nhất cho Đại học Fulbright bởi đó là tâm nguyện mấy chục năm của một con người đã biết hồi đầu hướng thiện.

Trên bình diện quốc gia, tìm kiếm những người bạn mới ủng hộ, giúp đỡ đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hết sức cần thiết, nhưng cũng cần thiết không kém là đừng đẩy những người bạn “có vấn đề” với mình trở thành kẻ thù thực sự. 

Người Việt đã có lúc ảo vọng quá nhiều vào quá khứ, “ngủ quên trên quá khứ”, thế nên cũng dễ hiểu nếu bỗng nhiên lúc nào đó ta bừng tỉnh mà hỏi nhau “có phải mặt trời mọc ở đằng Tây?”. 

Để trả lời câu hỏi này, xin kể cuộc trò chuyện giữa cánh đồng và mặt trời:

Khi bình minh lên, cánh đồng vui vẻ: “Chào bạn mặt trời”, mặt trời cũng vui vẻ đáp: “Chào bạn cánh đồng”. 

Tản mạn về cánh đồng, mặt trời và con đường ảnh 5

Bao dung và tha thứ chỉ làm ta lớn thêm

(GDVN) - Một cảm giác ngậm ngùi xuất hiện khi nghe Bob Kerrey nói, ông sẵn sàng ra đi nếu thấy mình trở thành lực cản của Đại học Fulbright Việt Nam.

Hoàng hôn buông xuống, cánh đồng lại cất tiếng: “Chào bạn mặt trời”, mặt trời không trả lời, cánh đồng hỏi: “Sao bạn không trả lời?”, mặt trời buồn rầu đáp: “Tôi đi ngủ đây, tôi sang phương Tây rồi”.

Câu chuyện giữa cánh đồng và mặt trời lấy ý tưởng từ lời thoại trong bộ phim “Chuyện của người khác” do các nhà điện ảnh phương tây sản xuất. 

Sẽ là thiếu nếu không kể nốt câu chuyện buổi trưa: vào buổi trưa, khi mặt trời ngạo nghễ trên trời xanh, các tia nắng thiêu đốt vạn vật, cánh đồng ủ rũ cất tiếng: “Chào bạn mặt trời”, mặt trời đáp: “Chào bé cánh đồng”.

Nghe câu chuyện giữa cánh đồng và mặt trời, con đường lim dim vì nó chẳng thể chạy về Đông hay sang Tây, nó chỉ biết nghe và âm thầm làm việc. 

Chạy đâu đó là việc của người đời, trên con đường đó, kẻ xuôi, người ngược và cũng có người rẽ ngang, dẫm bừa lên ruộng lúa, có kẻ trở nên quyền quý, có người trở thành nghèo hèn, thân bại, danh liệt.

Chọn con đường gai góc để bước tiếp hẳn phải là con người có nghị lực, trong khi không ít nơi, không ít người chễm trệ trong chiếc ổ mà cha chú đã lót sẵn dù tài năng, trí tuệ chẳng có gì hơn người. 

Phim về các loài cá trong chương trình “Thế giới động vật” cho thấy, tụ tập thành đám đông vốn là đặc tính của các loài nhỏ, yếu như các trích, cá mòi... 

Kẻ mạnh thường có cuộc sống cô độc, chính vì thế mà vua chúa thời xưa tự gọi mình là “Quả Nhân” (con người cô độc). Liệu “Yêu” theo đám đông, “ném đá” theo đám đông có phải cũng mang tính cách của loài cá? 

Nếu ai đó được nhiều người yêu và lắm kẻ ghét thì họ cũng chỉ là người bình thường, với những người bình thường, hãy để cho họ có cuộc sống bình thường, hãy để họ được làm những việc mà lương tâm họ cho là đúng đắn.

Cánh đồng không thể cho mùa màng bội thu nếu thiếu mặt trời, nhưng cánh đồng cũng có thể lụi tàn nếu mặt trời luôn thiêu đốt.

Có phải vì thế tạo hóa đã phải làm một điều điều kỳ diệu là cho mặt trời “đi ngủ” để rồi mỗi buổi bình minh, cả mặt trời cả cánh đồng đều cảm thấy mình có ý nghĩa với sự sống, với con người?

Tài liệu tham khảo:

 [1] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/194825/chuyen-la-o-ha-tinh-dat-bo-ra-duong-phai-nop-phi.html

Xuân Dương