Lợi nhuận nhà xuất bản hưởng, sao bắt giáo viên góp ý sách giáo khoa không công?

26/12/2021 07:01
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không nên yêu cầu giáo viên góp ý bản mẫu sách giáo khoa với phương thức 2 không (không chế độ, không chế tài) như hiện nay.

Chuyện giáo viên bức xúc khi phải làm báo cáo góp ý bản mẫu sách giáo khoa chương trình mới của các nhà xuất bản nhưng không có thù lao đã được dư luận lên tiếng phản ánh trong thời gian qua.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có các bài viết về chủ đề này như: Mời giáo viên góp ý sách giáo khoa, đừng để như "ném đá ao bèo"; Mời giáo viên góp ý sách giáo khoa cần có thù lao và ràng buộc trách nhiệm; 10 ngày để giáo viên góp ý sách giáo khoa không công, xin chớ làm cho qua chuyện;…

Giáo viên lại vào mùa "làm mướn không công"

Cách đây gần hai năm, cô giáo Th. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ với người viết: “Em làm khối trưởng, nên đã từng tham gia nhận xét bản thảo sách giáo khoa lớp 1, làm rất nghiêm túc, đọc mờ cả mắt, nhận xét tỉ mỉ, mất thời gian, thế nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ chế độ nào của nhà trường hay cơ quan nào.

Hỏi hiệu trưởng, hiệu trưởng bảo, làm sao mà chi, chi vào nội dung nào,… thôi em cứ chờ chỉ đạo, sau này có, sẽ chi”.

Người viết đã hỏi thăm cô giáo Th. và một số giáo viên đã từng làm báo cáo nhận xét bản mẫu sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 chương trình mới, thù lao vẫn… không có.

Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã gửi công văn đến Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu, cung cấp tài khoản/môn học, địa chỉ lưu bản mẫu sách giáo khoa. Bạn đọc có thể tham khảo tại đây.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành công văn gửi các phòng giáo dục và đào tạo huyện/thị xã/thành phố: Yêu cầu tổ chức cho giáo viên truy cập theo tài khoản/môn học, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 3 thuộc hai bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.

Sau khi giáo viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn góp ý kiến, các phòng giáo dục và đào tạo huyện/thị xã/thành phố tổng hợp, gửi về Phòng Giáo dục Mầm non Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung trên.

Trong công văn hoàn toàn không có phần “thù lao” cho giáo viên góp ý bản mẫu sách giáo khoa. Bạn đọc có thể tham khảo tại đây.

Vô hình trung, Sở đã buộc giáo viên của mình phải làm việc không thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ, không có thù lao, chẳng khác nào "làm mướn không công".

Giáo viên không có nghĩa vụ, nhiệm vụ góp ý bản mẫu sách giáo khoa!

Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyệt đối không có nội dung nào quy định nhiệm vụ giáo viên phải góp ý bản mẫu sách giáo khoa.

Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, ghi rõ:

1. Quy trình biên soạn sách giáo khoa

a) Tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 18 Thông tư này;

b) Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa; phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định bản mẫu sách giáo khoa theo quy định tại Chương IV Thông tư này;

d) Nhà xuất bản có sách giáo khoa được thẩm định phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa sau thẩm định;

đ) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa.

Đôi điều kiến nghị

Yêu cầu giáo viên góp ý bản mẫu sách giáo khoa là không đúng quy định, không có chế độ, không có chế tài đã nảy sinh tâm lý đối phó, làm cho có khi giáo viên được phân công góp ý.

Không ít giáo viên đã công khai xin nhận xét góp ý về bản mẫu sách giáo khoa trên mạng xã hội; chuyền tay nhau, sao chép nội dung, để nộp lên cấp trên.

Giáo viên xin ý kiến góp ý bản mẫu sách giáo khoa trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Giáo viên xin ý kiến góp ý bản mẫu sách giáo khoa trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình)

Việc chỉ đạo của sở giáo dục và đào tạo các địa phương xuống các cơ sở giáo dục gây sức ép cho giáo viên, không có tác dụng thực chất, điều nguy hại nhất chính là tạo thói quen, tâm lý đối phó cho giáo viên khi thực hiện chỉ thị, nhiệm vụ của cấp trên.

Thực tế, để góp ý sách giáo khoa không dễ, số giáo viên có thể chỉ ra “sạn” không nhiều, cho nên, sách giáo khoa lớp 1, 2, 6, dù đã được góp ý nhưng không khỏi “sạn” sau khi đưa vào dạy học.

Vì thế, theo ý kiến người viết, không nên yêu cầu giáo viên góp ý bản mẫu sách giáo khoa với phương thức 2 không (không chế độ, không chế tài) như hiện nay.

Nhà xuất bản muốn có sách giáo khoa chất lượng, phải chọn được tác giả biên soạn chất lượng; chọn được đội ngũ giáo viên phản biện, có trả chế độ, có chế tài, giáo viên phản biện được ghi tên trong sách, tăng ý thức, trách nhiệm, tự hào cho họ.

Ngoài ra, "Để gia tăng trách nhiệm, những người tham gia Hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa, cùng chịu trách nhiệm" [1];

Ý kiến này phải được “luật hóa” trong thông tư mới sửa đổi thông tư số: 23/2020/TT-BGDĐT, như trả lời của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, sáng 11/11/2021, vấn đề chất lượng sách giáo khoa trước Quốc hội.[1]

Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, nhưng sách giáo khoa không có quyền được sai sót. Sai sót trong sách giáo khoa trách nhiệm thuộc về nhà xuất bản và Bộ Giáo dục và Đào tạo, để các nhà xuất bản và Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp khắc phục triệt để, không thể “rải đều” trách nhiệm bằng cách giao cho giáo viên góp ý bản mẫu sách giáo khoa với hình thức hai không như hiện nay.

Lợi nhuận từ xuất bản sách giáo khoa, nhà xuất bản hưởng, tác giả biên soạn hưởng, sao bắt giáo viên góp ý không công?

Vì thế, cần có cơ chế pháp lý, chế tài việc để lọt “sạn” vào sách giáo khoa; nếu sách giáo khoa có “sạn”, tác giả, nhà xuất bản, phải bồi thường cho người tiêu dùng.

Thành viên, Hội đồng thẩm định sách của Bộ đóng vai trò là “chốt chặn” cuối cùng. Cần có chế tài rõ ràng minh bạch, ai không dám chịu trách nhiệm, không thấy đủ phẩm chất, năng lực thẩm định sách giáo khoa, nên tự giác xin rút.

Bên cạnh trách nhiệm, cần có chế độ thỏa đáng cho thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa; "Chi cho giáo dục 1 đồng, tương lai sẽ mang lại nhiều đồng" [2] tuyệt đối chính xác với công tác thẩm định sách giáo khoa.

Sách giáo khoa không có “sạn” là mong ước của học sinh, giáo viên, phụ huynh trên cả nước; mong Bộ rút kinh nghiệm, chỉ đạo kịp thời, đảm bảo sách lớp 3, lớp 7, lớp 10, trong năm học tới không còn “sạn”; góp phần nâng cao chất lượng, đem lại niềm tin của xã hội với ngành giáo dục.

Vì thế, để kịp thời áp dụng cho đợt thẩm định sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10, Bộ cần nhanh chóng có thông tư mới, sửa đổi Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT, như trả lời của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, sáng 11/11/2021, vấn đề chất lượng sách giáo khoa trước Quốc hội.

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư Số: 33/2017/TT-BGDĐT, Thông tư Số: 23/2020/TT-BGDĐT

[1]https://vnexpress.net/sai-sot-sach-giao-khoa-van-de-nong-trong-chat-van-bo-truong-giao-duc-4384381.html

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-giao-duc-chi-cho-giao-duc-1-dong-tuong-lai-se-mang-lai-nhieu-dong-post223111.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai