Từ bài học kinh nghiệm của môn Triết học
GS. Bùi Đình Thanh (một trong những cây đại thụ của làng xã hội học Việt Nam) khi chứng kiến dư luận xã hội băn khoăn về chuyện tích hợp môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ông cũng không thể ngồi yên, có thể ý kiến của ông là “bảo thủ”, nhưng trên quan điểm tôn trọng sự thật, ông vẫn bày tỏ quan điểm thẳng thắn của mình.
GS. Bùi Đình Thanh cho rằng, bản thân môn Lịch sử đã là môn khoa học, điều này đã được khẳng định. Do vậy, trước hết cần phải nhìn nhận đúng mực là một môn khoa học, không thể khác được. Mục tiêu của giáo dục Việt Nam tất nhiên có nhiều mục đích, nhưng mục đích cao nhất là làm thế nào giáo dục, trong đó có sử học phải có được chủ nghĩa yêu nước, độc lập dân tộc có ở tất cả trong mỗi người công dân.
Giáo sư Bùi Đình Thanh trong một cuộc tọa đàm chuyên môn. Ảnh Phương Thảo |
Đây là một tư tưởng lớn, đó cũng là biểu hiện một tư tưởng lớn của Bác Hồ, đó là của báu vô giá của dân tộc. Lúc này vai trò chủ yếu của sử học là ở chỗ thể hiện tư tưởng lớn đó.
“Tôi có đọc sách giáo khoa lịch sử của học sinh thì tôi thấy, ngoài vấn đề kiến thức phần nào thì nghệ thuật của nhà làm sách giáo khoa là phải khiến cho học sinh có tình cảm yêu nước, đó là cơ bản nhất. Trên phương diện cá nhân, tôi đã từng học ở trường Pháp (trường Bưởi trước đây), một tháng mới có 1 giờ về lịch sử ở Việt Nam, còn lại là dạy lịch sử nước Pháp.
Nhưng các thầy lúc bấy giờ (thầy Dương Quảng Hàm, Trần Văn Khang, Đào Duy Anh…) đã tranh thủ “nhồi nhét” cho chúng tôi tình cảm dân tộc. Tôi nhớ mãi, không bao giờ quên được. Tình cảnh lúc đó đã thấm sâu vào chúng tôi khi 13-14 tuổi, thấy đau xót cho đất nước, một nền lịch sử huy hoàng như vậy mà bị phá đi trong bản đồ dân tộc. Đau lắm” GS. Thanh xúc động nói.
Trở về với hiện tại học sinh và vấn đề dạy sử hiện nay, GS. Bùi Đình Thanh cho rằng, đồng ý là kiến thức chúng ta nhồi nhét cho học sinh khá nhiều, nhưng quan trọng để học sinh yêu sử thì nghệ thuật viết sách giáo khoa như thế nào đó là hết sức quan trọng.
GS. Bùi Đình Thanh thông cảm cho Ban soạn thảo sách giáo khoa và chương trình tổng thể đã mất nhiều thời gian để làm, nhưng ông cũng khuyên Ban soạn thảo rằng, nếu không làm được tốt lên thì cũng đừng làm rối thêm vấn đề.
Nói về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó tích hợp môn Lịch sử, GS. Bùi Đình Thanh cho rằng, điều này chưa thuyết phục. Vậy, chưa thuyết phục thì trước mắt phải dạy tốt để cho học sinh học sử tốt, điều này dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng phải thực hiện.
“Tôi nhắc lại, đừng làm rắc rối thêm vấn đề, một vấn đề mà xã hội không đồng tình thì rắc rối nhiều lắm” GS. Bùi Đình Thanh khẳng định.
PGS. TS. Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam đồng quan điểm, Lịch sử từ lâu đã là một môn khoa học,cần phải đối xử là một môn khoa học.
Nhớ lại những lần ghép môn trước đây, PGS. Đinh Quang Hải cho biết, lần gần nhất là vào năm 2008 khi Bộ GD&ĐT có quyết định số 52 ghép môn Triết học và môn Chủ nghĩa xã hội khoa học vào những vấn đề cơ bản chủa chủ nghĩa Mác – Lê Nin.
Lúc đó, các nhà triết học cũng đã có những ý kiến cho rằng đó là hành động không khác gì tự đập đá vào chân mình, tự lấy tay chọc vào mắt, và bị phản ứng dữ dội.
PGS. TS. Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam đồng quan điểm, Lịch sử từ lâu đã là một môn khoa học,cần phải đối xử là một môn khoa học. Ảnh Phương Thảo |
Môn Lịch sử hiện nay đang trong bối cảnh giống với môn Triết học, PGS. Hải cho biết, là lịch sử thì chúng ta phải biết rút ra những bài học kinh nghiệm, và ông hy vọng Bộ GD&ĐT cũng cần rút ra được bài học kinh nghiệm này.
Do đó, PGS. Hải bày tỏ quan điểm là phải để môn Lịch sử độc lập và bắt buộc đúng với vị trí, vai trò của lịch sử trong việc giáo dục truyền thống yêu nước. Việc tích hợp môn Lịch sử vào các môn khác là thiếu nền tảng khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn và chưa hề có tiền lệ.
Giáo viên muốn trả lại tên “môn Lịch sử”
Trao đổi thêm với chúng tôi, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An vẫn giữ quan điểm rằng, không tán thành cách đặt vấn đề của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiên trong thời gian qua về chuyện tích hợp môn Lịch sử.
Theo lời thầy Trần Trung Hiếu thì suốt hơn 3 tháng qua thái độ của giáo viên sử trong toàn quốc phản ứng dữ dội về chuyện tích hợp lịch sử. “Chúng tôi, những giáo viên sử ở phổ thông trên toàn quốc không thể dạy tích hợp môn Sử” thầy Hiếu khẳng định.
TS. Nguyễn Thanh Tiến, trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tích hợp trước hết phải đặt trên nguyên lý, mục tiêu giáo dục ở bậc phổ thông.
Tích hợp môn Lịch sử cần một sự giải thích rõ ràng(GDVN) - Nếu nhìn một cách tổng thể, thì dường như môn Lịch sử đã được tách bóc ra một cách rời rạc, và vai trò của môn Lịch sử không còn được rõ nét như hiện. |
Từ đó mới thấy được vai trò, vị trí của môn Sử trong việc giáo dục nhân cách, ý thức công dân, lòng yêu nước, trang bị cho học sinh nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc, cũng như ý thức bảo vệ chủ quyền trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế việc học sinh phổ thông chán học môn sử là một thực trạng có thật, nhưng không phải tất cả đều chán môn học này. Vấn đề ở chỗ, học sinh yêu cầu phải thay đổi nội dung sách giáo khoa, chương trình và phương pháp giảng dạy.
Cô giáo Lê Thanh Hải, một giáo viên dạy sử tại tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, các giáo viên đều không muốn được tích hợp Lịch sử với các môn khác, mà muốn được mang tên từ tổ tiên đặt cho là Lịch sử. Vì bản thân Lịch sử trong quá trình giảng dạy đã tích hợp với môn khác chứ không cần các môn khác tích hợp với Lịch sử.
Hiện tại, có thể thấy ý kiến dư luận phản ứng rất gay gắt về bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chủ yếu không đồng tình vấn đề tích hợp môn Lịch sử trong chương trình mới ở cấp THPT.
Mặc dù tích hợp là một xu thế chung của toàn thế giới, nhưng các nhà sử học khẳng định, tích hợp môn Lịch sử là không có cơ sở khoa học, bởi bản thân môn Lịch sử đã là một môn khoa học cơ bản.