GS.Mạch Quang Thắng nêu hai điều tất yếu của môn Lịch sử

21/11/2015 07:57
GS.Mạch Quang Thắng
(GDVN) - Tôi cho rằng: Việc giữ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là một môn độc lập là việc làm TẤT YẾU.

LTS: Bộ GD&ĐT đang soạn thảo chương trình, đưa 3 môn: Lịch sử, Giáo dục công dân, An ninh - Quốc phòng" gộp thành môn học "Tổ quốc và Công dân" (theo từ ngữ của Bộ GD&ĐT là "tích hợp").

Đứng trước mối lo ngại về sự thay đổi này, Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng, giảng viên cao cấp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra những yếu kém dẫn đến tình trạng chán học Sử. 

Tòa soạn trân trọng trích dẫn nguyên văn bài viết giới thiệu cùng độc giả. 


Tôi cho rằng: 

Một là: Việc giữ môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông với tư cách là một môn độc lập là việc làm TẤT YẾU.

Hai là: Việc đổi mới, thậm chí là cách mạng, nhận thức của những người nghiên cứu và biên soạn lịch sử ở Việt Nam, để chữa những căn bệnh "chán Sử" như bấy lâu nay, là việc làm TẤT YẾU.

Cả hai điều trên đây đều tất yếu như nhau!

Những người có trách nhiệm trong ngành Khoa học Lịch sử nước nhà cũng có phần trách nhiệm trong việc tạo ra tình hình lộn xộn trong nhận thức về môn học này ở các nhà quản lý vĩ mô.

Tình trạng chán học Sử là có thật. Ngay cả chán Sử nói chung ở nhiều người lớn. Nói đúng ra là chán những cuốn Sử đã được xuất bản, những bài sử đã đăng trong nhiều tạp chí, kể cả kiến thức Sử ở nhiều cuốn sách giáo khoa phổ thông, giáo trình đại học và giáo trình của các học viện.

GS.Mạch Quang Thắng nêu hai điều tất yếu của môn Lịch sử  ảnh 1
Hai điều tất yếu của môn Lịch sử (Ảnh: thanhnien.vn)

Sử gì mà cứ ta thắng, địch thua. Ta không chết ai. Viết Lịch sử là chủ yếu viết hết trận đánh này đến trận đánh nọ. Ta tiêu diệt và bắt sống từng này tên địch.

Ta bắn rơi từng này máy bay địch. Ta phá hủy từng kia xe tăng, xe bọc thép địch…Còn không thấy viết ta chết ai cả, không bị thiệt hại gì cả. Thế mà lại gọi là Sử!

Viết sử gì mà ta toàn thành tích. Nếu có sai lầm, khuyết điểm gì thì viết nhẹ thôi. Khuyết điểm ư? Sai lầm ư? Có cái do hoàn cảnh khách quan.

Khủng hoảng kinh tế - xã hội sau năm 1975 do đâu mà ra? Do chủ quan từ sự lãnh đạo đất nước. Đừng đổ hết cho hậu quả chiến tranh. Đừng đổ hết cho việc mấy nước xã hội chủ nghĩa ngừng viện trợ đột ngột. 

Xong đánh giặc rồi thì làm mà ăn chứ ngồi đấy mà chờ viện trợ mãi à! Tư duy vẫn là tư duy cũ, không đổi, không chịu đổi. 

Cứ giữ mãi cái tư duy bao cấp, bao cấp cả về tư tưởng, về cách nghĩ. Giữ kiểu làm ăn theo kế hoạch cao độ. Giữ kiểu làm ruộng theo tiếng kẻng, làm việc cơ quan nghiên cứu khoa học cũng theo tiếng kẻng, tiếng còi hú của cái thời chiến tranh phá hoại.

GS.Mạch Quang Thắng nêu hai điều tất yếu của môn Lịch sử  ảnh 2

Tích hợp không thể thay thế được, mà phá nát môn Sử!

(GDVN) - Mất đi lòng trung hiếu là mất nước! Mà để mọi người có được lòng trung hiếu ấy, chính là nhờ phải học môn Sử.

Thế là tự mình rải đinh ra rồi thấy vướng víu, nổ lốp, nổ vỏ xe, lúc ấy mới đi nhặt đinh. Nhặt được đinh rồi thì thống thiết nói về thành tích nhặt đinh. Phải đổi mới là vì thế.

Nhiều lắm những vấn đề chưa được phản ánh ở trong các công trình sử. Tôi chỉ nói trong lịch sử hiện đại thôi.

Cơ man nào là vấn đề: tả khuynh, đánh giá sai những quan điểm của Cụ Hồ, của Cương lĩnh chính trị đầu tiên khi Đảng mới thành lập; về đánh giá chưa thỏa đáng cải cách ruộng đất; đánh giá chưa đầy đủ, chưa đúng về vụ "Nhân văn - Giai phẩm"; lờ đi và nếu có nêu thì đánh giá không đúng về cái gọi là "Nhóm chống Đảng"; về cải tạo kinh tế-xã hội, nhất là hợp tác xã nông nghiệp, …

Đặc biệt là là những sự kiện, vấn đề liên quan tới yếu tố Trung Quốc. Chiến tranh biên giới chỉ mấy dòng mà viết chẳng đâu ra với đâu. 

Đọc rất nhiều cuốn sách đã xuất bản về tiểu sử những vị cách mạng tiền bối…thấy: Đây là tiểu sử ư? Mình thấy đây hẳn là những báo cáo, những trang văn viết về thành tích, những điểm tốt của con người đó chứ đâu phải tiểu sử!

Khi viết tiểu sử của một ông, viết xong rồi, nghiệm thu đạt rồi, định đưa đi xuất bản thì có một người con gái của ông ấy có ý kiến chưa thông điểm này, điểm nọ. Thế là ách lại cho đến giờ.

Đã chờ ý kiến duyệt của "trên" nghe thấy đã chướng rồi, nay lại còn chờ ý kiến của người trong gia đình của người có tiểu sử.

GS.Mạch Quang Thắng nêu hai điều tất yếu của môn Lịch sử  ảnh 3

Số phận “long đong”của môn Lịch sử

(GDVN) - Hôm qua (16/11), trả lời chất vất cử tri, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, để độc lập hay tích hợp môn Lịch sử thì vẫn cần phải được bàn luận, xin ý kiến.

Lịch sử Việt Nam đâu chỉ có lịch sử đánh giặc ngoại xâm. Còn nội chiến, huynh đệ tương tàn giữa các triều đại, các thời đại, thời kỳ nữa. Còn lao động sản xuất, còn văn hóa nữa. Chắc chắn rồi. Có những cuốn Sử thật là què quặt, phiến diện, lệch lạc.

Phản ánh Lịch sử (tức là viết lịch sử như lâu nay) lệch lạc, mắc rất nhiều bệnh, mà bệnh nặng nhất là bị sa vào chính trị hóa. Sử nhìn chung không còn là Sử nữa.

Như thế không chán thì mới lạ! Trong khi đó, tác giả Lê Thành Khôi, cựu học sinh Trường Lycée Albert Sarraut (Hà Nội) về sau sống ở Pháp viết lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp, ông ấy viết một cách toàn diện hơn.

Nhiều người nước ngoài tiếp xúc với những cuốn sách Sử của ông ấy (vì là tiếng Pháp nữa), khen.

Một số người Việt Nam cũng khen. Tôi thấy khen cũng có lúc quá lời. Nhưng được cái là ông Lê Thành Khôi viết kiểu khác hơn so với nhiều người Việt Nam ở trong nước.

Góp phần làm cho tình trạng chán Sử tăng lên còn là vì nhiều người cứ hay xuyên tạc lịch sử.

Người ta nói và viết trắng trợn, chẳng cần có trách nhiệm gì cả. Cứ phán bừa.
Chẳng hạn, một số người cho rằng, chị Võ Thị Sáu chẳng qua là một người con gái bị tâm thần, ngớ ngẩn, chuyên đi gánh nước thuê trong làng. 

Thỉnh thoảng chị cứ tự nhiên cười một mình, đi đường gặp bông hoa rụng ở đâu đấy thì nhặt lên gài lên mái tóc. 

Lợi dụng sự ngớ ngẩn của chị Sáu, nhóm những người hoạt động cách mạng mới đưa cho chị một trái lựu đạn rồi xúi chị ném vào một toán quân địch đang ngồi họp. 

Cứ thế chị ném. Bị bắt. Tù. Giải ra Côn Lôn, đem đi xử bắn. Chị chẳng biết gì về tính mạng của mình bị đe dọa cả. Chị cứ cười tươi như không, lại hái bông hoa dại dọc đường đi ra pháp trường cài lên mái tóc.

GS.Mạch Quang Thắng nêu hai điều tất yếu của môn Lịch sử  ảnh 4

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói gì về việc dạy tích hợp môn Lịch sử?

(GDVN) - Tư lệnh ngành giáo dục cho biết theo dự thảo đang lấy ý kiến thì kiến thức lịch sử được dạy cả ở Văn học, Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc và nhiều môn khác nữa.


Viết và nói thế thì bậy quá chừng! Tôi nói chuyện này với một anh bạn tôi suốt đời say sưa nghiên cứu một cách nghiêm túc nhất về lịch sử Côn Đảo, về chị Võ Thị Sáu. 

Anh bạn bảo, đấy, đấy…Sự xuyên tạc kiểu như thế này là một nguyên nhân nữa làm một số người ta chán Sử. Lại nữa, có người còn ví hành động của anh Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn ở cầu Công Lý ám sát (hụt) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mác Namara là hành động khủng bố. Thật loạn.

Có lần một nhóm nhỏ chúng sang Trường RMIT ở Úc, thì nghe một số thầy cô giáo ở Trường này kể chuyện.

Chuyện rằng…Nhiều người châu Á khi nhập cư đưa cả gia đình vào Úc, cho con học tiếp ngay chương trình phổ thông thì thấy chương trình học đơn giản quá, tỏ ý chê.

Nhưng có lần, cha mẹ của một học sinh châu Á lớp 6 thấy con mình tan học là chạy đến thư viện mang về một lô sách, chưa đến hai ngày đã trả để rồi lại mượn những đợt sách khác.

Hỏi, mới lớp 6 mà mượn sách nhiều thế để làm gì, thì được con trả lời là để làm bài tập.

Bài tập là: nước này là nước đa sắc tộc, nhiều dân nhập cư. Em hãy tìm hiểu nguồn gốc của dân tộc em và phân tích, so sánh tìm ra sự khác biệt dựa trên địa lý, lịch sử, nhân văn, đồng thời phải đưa ra quan điểm và cách nhìn của mình.

Mấy ngày sau đó, người con lớp 6 đã hoàn thành bài tập khoảng 20 trang, phần sau có danh sách thư mục tham khảo – một cách thức mà những nhà khoa học hay làm.

Trong thời phổ thông, học sinh được giáo viên hỏi và ra đề bài luận đại loại những câu: “Ai chịu trách nhiệm về cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai?”, “Nếu em là cố vấn tối cao cho Tổng thống Mỹ Tơruman, em sẽ tỏ thái độ gì đối với việc Mỹ ném bom nguyên tử?”, “Em có cho rằng, biện pháp tốt nhất để kết thúc chiến tranh khi đó chỉ là ném bom nguyên tử không?”, “Theo em, cách tốt nhất để tránh chiến tranh ngày nay là gì?”,...

Có quá cao với trình độ của lớp 6 không? Trong bọn tôi dịp đó ở Úc người thì cho là quá cao, người thì cho là cũng được.

Tôi hỏi mấy thầy ở Trường RMIT:

Thưa, thế đây là nằm trong môn học gì?

Trả lời: Môn Lịch sử.

Đấy! Học Lịch sử đấy! Thế giới tiến xa hơn chúng ta nhiều lắm về tư duy làm chương trình giáo dục và cách dạy môn học Lịch sử. Cách dạy Sử của họ là không cứng nhắc, không học sử như con vẹt mà là có tư duy "RỘNG MỞ". Học Sử nhưng tâm hồn luôn hướng về phía trước cho hiện tại và cho tương lai.

GS.Mạch Quang Thắng