GS Hoàng Xuân Sính: "Nếu không có tiền, 30 năm nữa giáo dục vẫn rối"

10/10/2012 06:27
Xuân Trung - Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Tôi cam đoan trong lần này đổi mới căn bản giáo dục, nếu không giải quyết được vấn đề gốc đó là tiền thì 30 năm nữa sẽ càng rối. Chẳng phải cứ cho bao nhiêu từ tốt đẹp vào đổi mới mà nó sẽ đổi mới được, không có đâu. Tôi vẫn đề nghị, tiền không thể bới ở đâu ra được, nước thì nghèo cho nên chúng ta phải tiết kiệm, đầu tư vào chỗ nào cho đúng, chứ đừng đổ tiền ra tràn lan".
LTS: Trong chuyên đề bàn về "Thất vọng và kỳ vọng" vào giáo dục Việt Nam, GS Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long cho biết, nhiều cơ chế chính sách sai đó là lỗi của người làm quản lí. Người quản lí trong tay có đủ quyền làm tất cả, có quyền làm chính sách, cho nên không thể đổ lỗi cho cái gì khác, khi mà nhiệm vụ quản lí về mặt chính sách làm còn chưa tốt.

- Thưa Giáo sư Hoàng Xuân Sính, so với thế giới nền giáo dục Đại học Việt Nam còn rất non trẻ và tồn tại nhiều khó khăn, nhất là các trường dân lập, trong tình hình đó các trường cần chuyển mình như thế nào để bắt kịp thời đại?

GS Hoàng Xuân Sính: Trước hết, tôi xin kể lại với các bạn về sự ra đời của mô hình trường dân lập. Từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, đời sống giáo viên còn vô vàn khó khăn, nhưng chuyện dạy để lấy tiền học trò là không có, mà học trò cũng chẳng có tiền để học thêm như bây giờ.

Tôi nhớ là khi ấy tôi giảng dạy ở Đại học Sư phạm, nhiều giáo viên khổ lắm, họ phải rang lạc, làm bánh rán rồi đạp xe đi đổ cho các quán suốt từ trường cho tới Bạch Mai, Văn Điển… có giáo viên còn bị dầu mỡ bắn lên bỏng hết cả ngực, thương vô cùng.

Lương ba cọc ba đồng buộc chúng tôi phải làm thêm các công việc khác để tồn tại, cuộc sống khá là gò bó, ở Hà Nội đã thế, còn về các tỉnh thì khó khăn hơn nhiều. Ấy thế nên có giai đoạn nhiều giáo viên đã bỏ nghề, họ đi buôn, hoặc làm một nghề gì khác, miễn là kiếm được cơm cho vợ con.

Vào thời điểm khó khăn ấy, tôi cùng với một số bạn đồng nghiệp tôi có viết đơn xin mở một trường đại học không xin kinh phí của Nhà nước. Lúc đầu, tôi không biết gọi tên trường đó là trường gì? Tư thục thì không được, nhưng trong đầu tôi lúc đó nghĩ tư thục hay dân lập là như nhau vì năm 1954 khi ta tiếp quản Thủ đô ta đã đổi tên cho các trường tư trong vùng tạm chiếm thành trường dân lập. Vì vậy năm 1988 Trung tâm Đại Học dân lập Thăng Long được mở ra với khóa đào tạo đầu tiên 85 sinh viên Toán-Tin, các nước XHCN lúc đó ai cũng thích mô hình này. Cái tên Toán-Tin cũng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, do nhóm chúng tôi đặt tên.

Mở trường ra, lúc đó Nhà nước chưa có quy chế cho loại trường này, chúng tôi phải thảo ra quy chế để hoạt động, nhưng không được chấp nhận. Năm năm sau, Nhà nước ra một quy chế tư thục, lúc đó lần đầu tiên tôi được nghe tư thục và dân lập là khác nhau. Nhưng đối với chúng tôi thì việc mở trường chỉ tự túc kinh phí chứ không có lời lãi gì trong này, vì học phí lúc đó chỉ 10kg gạo/sinh viên/tháng thì lấy đâu ra lời lãi ?

"Tôi cam đoan trong lần này đổi mới căn bản giáo dục, nếu không giải quyết được vấn đề gốc đó là tiền thì 30 năm nữa sẽ càng rối", GS Hoàng Xuân Sính khẳng định. Ảnh Xuân Trung
"Tôi cam đoan trong lần này đổi mới căn bản giáo dục, nếu không giải quyết được vấn đề gốc đó là tiền thì 30 năm nữa sẽ càng rối", GS Hoàng Xuân Sính khẳng định. Ảnh Xuân Trung

Do không có quy chế nên những năm đầu sinh viên ra trường không có bằng, chúng tôi lo lắm vì đào tạo mà không có bằng rõ ràng là mang tiếng lừa đảo. Tuy vậy, sinh viên tốt nghiệp vẫn có việc làm, vì xã hội lúc đó rất thuần khiết, không có chuyện đi chạy trường, xin điểm.

Lúc này, Bộ GD&ĐT mới soạn ra một quy chế dân lập tạm thời, trong đó tôi chỉ bổ sung thêm ý khi được Bộ cho phép rằng, Hiệu trưởng và Chủ tịch HĐQT phải là người đi quyên tiền, vì 10kg gạo làm học phí thì không đủ lương trả giáo viên được, chưa tính tiền đi thuê trụ sở làm giảng đường.

Năm 1994, trường đổi tên thành Đại học Dân lập Thăng Long và năm 2000 thì quy chế dân lập ra đời, nhưng cũng na ná quy chế tạm thời trước đó. Trong quy chế này có quy định Hội bảo trợ cho trường, tôi biết Hội bảo trợ này đã gây khó khăn cho một số trường. Thực chất thì Hội bảo trợ kiểu này chẳng giúp ích gì cho trường cả, mà khi áp dụng quy chế đã có nhiều biến tướng kéo theo.

Đã có hai quy chế dân lập, quy chế sau lại làm phiền quy chế trước. Cho đến 2005 quy chế tư thục ra đời, quy định hoạt động điều hành của trường như một doanh nghiệp, có cổ đông, có cổ tức, có đại hội cổ đông… Năm 2006, Bộ triệu tập các trường dân lập và yêu cầu 19 trường đại học dân lập phải chuyển đổi sang tư thục. Trong lộ trình chuyển đổi Bộ nói 95% tài sản của trường sẽ thành của chung, còn 5% có thể chia cho các nhà sáng lập, người có công và nhà đầu tư.

Tôi nói rõ như vậy để thấy rằng có những chính sách thì giúp cho giáo dục phát triển, nhưng có những chính sách lại kìm hãm và triệt tiêu giáo dục.

Trước hội nghị Trung ương 6, vấn đề đổi mới giáo dục lại một lần nữa trở thành "điểm nóng". Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước… tuy nhiên sau ba lần hô hào đổi mới thì cho tới nay nền giáo dục nước nhà vẫn còn bộc lộ quá nhiều bất cập. Đó là lý do vì sao Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chuyên đề “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam”.

Mời các chuyên gia, độc giả quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam gửi bài về toàn soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

GS Trần Hồng Quân:

GS Trần Hồng Quân: "Nền giáo dục hiện nay có nhiều lỗi hệ thống"

GS Hoàng Xuân Sính: "Nếu không có tiền, 30 năm nữa giáo dục vẫn rối" ảnh 3

"Tôi buồn vì sinh viên ra trường phải đi tiếp thị mì tôm"

GS Hoàng Xuân Sính: "Nếu không có tiền, 30 năm nữa giáo dục vẫn rối" ảnh 4

"Không nên coi sách giáo khoa là trọng tâm đổi mới giáo dục"

- Như vậy, cơ chế mà Bộ đưa ra về con số 95% tài sản chung chính là “rào cản” lớn để cho các trường dân lập phát triển?

GS Hoàng Xuân Sính: Đúng vậy, cho đến nay Bộ cũng chưa chốt lại được có bao nhiêu trường chuyển đổi được từ dân lập sang tư thục, thông tin không rõ ràng. Vấn đề nằm ở con số 95%, nội bộ các trường không thống nhất được, thế là mất đoàn kết, không chỉ huy được trường.

Thực ra chuyện các trường họ không đồng tình với định hướng đưa 95% tài sản đó thành của chung cũng dễ hiểu, bởi vì số vốn họ bỏ ra ban đầu đã khá lớn rồi (đối với thời điểm họ bỏ tiền), trong khi đó cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện và tạo ra một cuộc chơi công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập.

Bây giờ bỗng nhiên 95% tài sản biến thành của chung, nhiều người cho rằng họ bỏ tiền ra làm giáo dục không phải để kiếm lời, nhưng số tiền bỏ ra coi như để thành lập trường, và trước sau thì họ cũng muốn thu lại khoản tiền ấy, còn trường thì phát triển, được hưởng lợi từ số tiền họ bỏ ra ban đầu (nói cách khác là họ cho trường mượn tiền).

- Giáo sư có thấy sự mâu thuẫn khi các trường ngoài công lập phải rất nỗ lực về tài chính, tự đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, công tác tuyển sinh… khó khăn còn chưa qua thì đã phải đối diện với quy chế phân chia 95% tài sản của trường thành của chung?

GS Hoàng Xuân Sính: Cái này còn phải chờ cơ chế mới. Hiện tại vẫn có 16 trường đại học tồn tại dưới chế độ dân lập. Trong khi đó năm 2005 có quy chế tư thục (gọi là quy chế tư thục 14) quy định hoạt động của trường như một doanh nghiệp và không nói tới tài sản chung. Năm 2009 có quy chế tư thục 61 và bắt đầu nói tới tài sản chung. Năm 2011 ra quy chế 63 mới nói rõ tài sản chung. 

Hiện tại đang có hai loại tài sản chung: Một loại tài sản chung của trường khi hoạt động mà có, loại tài sản này gọi là thuộc sở hữu chung có thể phân chia. Bên cạnh đó có loại tài sản chung thuộc sở hữu không phân chia (tài sản của trường dân lập lúc chuyển đổi mang sang – 95%). Tài sản chung này cũng chia thành cổ phiếu, được hưởng cổ tức hàng năm, nhưng không ai được lấy ra, mà phải dùng nó để đập lại vốn cho tăng lên.

Tài sản này do một người trong trường đứng ra trông nom, tuy nhiên theo tôi nếu quyết định vấn đề gì của trường mà người này giơ tay biểu quyết thì coi như xong?  Không cần phải bỏ phiếu, đó là bất cập. Và điều này lại càng nguy hiểm hơn, nếu người đại diện tài sản ấy không hiểu biết về giáo dục.

Hiện tại, chúng ta có ba loại trường. Loại thứ nhất, trường tư thục ra đời sau 2005, loại này không dính dáng tới dân lập, không có tài sản chung không phân chia (xã hội ta chưa có chuyện biếu, tặng tài sản cho một trường học, nên chỉ có tài sản chuyển từ dân lập sang là tài sản chung không phân chia), như vậy không có người trông nom và không bị người đó biểu quyết. Loại thứ hai là trường dân lập được chuyển đổi thành tư thục, có khối tài sản chung không phân chia, có người đứng ra trông nom và có quyền biểu quyết theo vốn, người này là người cầm cân nẩy mực, người cầm quyền. Loại thứ ba là 16 trường dân lập chưa chuyển đổi thành tư thục nên không có 95% tài sản chung, do đó không có người trông nom; hiện giờ chỉ có 3 trường đại học dân lập đã chuyển đổi có người trông nom tài sản chung theo quy chế 63 và người đó có quyền tất cả.

- Giáo sư sẽ giải bài toán 95% này thế nào, nếu bà ở cương vị Bộ trưởng Giáo dục?

GS Hoàng Xuân Sính: Theo tôi, nếu đã có rồi thì nên xí xóa đi để chung tay phát triển, bởi vì sau khi bị lấy đi 95%, còn 5% thì một số thành viên của trường phải góp vốn tiếp để thành cổ đông của trường tư thục chuyển đổi theo quy định của Bộ. Theo tôi, số 95% tài sản này hãy giao cho HĐQT có trách nhiệm phải trông coi vì thực chất nó là công lao của tất cả thành viên của trường. 

- Một bất cập khác hiện nay, chất lượng đào tạo của các trường tư thục hay dân lập bị đánh giá thấp hơn các trường công lập, Giáo sư nhận định như thế nào về điều này?

GS Hoàng Xuân Sính: Không phải vậy, chất lượng không bằng chỉ vì không có tiền. Ví dụ như lúc đầu thành lập trường chỉ đòi hỏi vốn điều lệ là 10 tỷ, sau là 30 tỷ, sau nữa tăng lên 50 tỷ, nhưng thực chất mức vốn đổ vào phải là 200 tỷ. Bởi vì các hoạt động từ đền bù đất cho tới xây trường đã ngốn hết cả đống tiền rồi, vậy là tới khi bước vào đào tạo không còn kinh phí mà xoay nữa, thế nên nhiều trường cứ thoi thóp, bỏ dở thì coi như mất trắng, mà cố theo thì cũng khổ.
Sinh viên các trường ngoài công lập đang chịu thiệt thòi so với các trường công lập. Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Sinh viên các trường ngoài công lập đang chịu thiệt thòi so với các trường công lập. Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Thực ra, trước đó ai cũng nghĩ xây trường rồi cho phép tuyển sinh, sinh viên vào học sẽ hoàn trả lại được vốn, nhưng nhiều trường không giải quyết được vấn đề sinh viên có vào không? Vì trường mới mở làm sao sinh viên vào ngay được. Tôi biết ở ngay Hà Nội thôi, có những trường chỉ lấy tiền ở ký túc xá 100.000đ/tháng mà không có sinh viên.

Nói gì thì nói chất lượng đào tạo phải tốt và phải có hướng đi riêng, thí dụ như trường chúng tôi có xin được một số học bổng đi nước ngoài du học hồi mới mở trường, cho nên ngay cả thủ khoa Trường ĐH Bách Khoa thời đó cũng chạy sang học để năm sau đi nước ngoài. Cách làm ấy đã trở thành truyền thống của ĐH Thăng Long.

Hiện nay có chuyện các trường Cao đẳng xin lên thành Đại học, cái này mới thực sự là vấn đề cần phải đề cập. Những trường này thuộc hệ thống công lập, xin lên thì dễ rồi, và với cái mác Đại học, họ dễ thu hút sinh viên hơn, nhưng thực ra chất lượng đào tạo chưa tương xứng. Đào tạo tràn lan và chất lượng thì không đảm bảo, đó mới là nguy cơ.

- Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, hiện nay nền giáo dục đang bộc lộ nhiều yếu kém, chất lượng đào tạo thấp, chương trình đào tạo chưa đáp ứng được với nhu cầu xã hội, kỹ năng thực hành sinh viên còn kém, Giáo sư có chia sẻ gì về ý kiến này?
GS Hoàng Xuân Sính: Xuất phát từ vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay. Học thêm không phải do chương trình SGK, học thêm do bố mẹ đòi hỏi học thầy giỏi cho con mình hơn con hàng xóm, học thêm vì lương thầy ít...

Vì sao chất lượng sinh viên kém? Đó là thời phổ thông các em phải học thêm nhiều, lên đại học sinh ra chán học, lười làm, chán học thì chất lượng kém… thầy cũng có hiện tượng tiêu cực. Tiêu cực này nối tiếp tới tiêu cực khác, nó giống như một loại virus lan dần ra, phá hủy từng phần của cơ thể.

Nền giáo dục cũng vậy thôi, cái gốc của vấn đề là người thầy, nhưng bây giờ nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, giáo viên ra trường thất nghiệp tràn lan, muốn có việc phải chi tiền chạy trọt. Khi họ bỏ tiền ra chạy việc thì lại tìm cách thu lại, dù không minh bạch, không đẹp đẽ gì, nhưng đấy là thực tế của cuộc sống. Số tiền phải bỏ ra dăm bảy chục triệu cho tới cả trăm triệu để chạy việc cũng chưa chắc gì gia đình họ có, mà phải vay mượn, thế chấp… cho nên khi đã có việc họ sẽ chèn ép học sinh, sinh viên để kiếm tiền trả nợ.

- Nói như Giáo sư thì nền giáo dục của ta đang như một “mớ bòng bong” rồi, ngay trong môi trường giáo dục mà đã nhiều tiêu cực như vậy thì ở những lĩnh vực khác làm sao tránh được?
GS Hoàng Xuân Sính: Giáo dục hiện nay như mớ bòng bong là chính xác. Tôi cam đoan trong lần này đổi mới căn bản giáo dục, nếu không giải quyết được vấn đề gốc đó là tiền thì 30 năm nữa sẽ càng rối. Chẳng phải cứ cho bao nhiêu từ tốt đẹp vào đổi mới mà nó sẽ đổi mới được, không có đâu. Tôi vẫn đề nghị, tiền không thể bới ở đâu ra được, nước thì nghèo cho nên chúng ta phải tiết kiệm, đầu tư vào chỗ nào cho đúng, chứ đừng đổ tiền ra tràn lan.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Xuân Trung - Ngọc Quang (Thực hiện)