GS.Trần Diệp Tuấn: Tự chủ đại học hiện nay giống như bắt cua ở miền Tây

06/08/2022 06:46
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi bắt được cua, người nông dân cột dây để cua không cắn mình và cho nó vào rọ.

Tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022, đại biểu một số trường đại học đã nêu lên nhiều quan điểm và những vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ. Trong đó, một số trường đào tạo các ngành đặc thù như sư phạm, sức khỏe, hàng hải,... đang gặp nhiều vướng mắc về các vấn đề như tài chính, kiểm định.

Ngày 4/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tự chủ đại học năm 2022. Ảnh: Doãn Nhàn

Ngày 4/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tự chủ đại học năm 2022. Ảnh: Doãn Nhàn

Khó tăng học phí, cơ quan chủ quản không chi ngân sách: trường gặp khó

Có mặt tại Hội nghị, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam - Phó giáo sư Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trường Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong những trường đại học kỹ thuật đặc thù trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện tự chủ, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn giống với trường đại học kỹ thuật khác của cả nước, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề Luật 34 hiện nay chưa đồng bộ với các luật khác.

Bên cạnh đó, ông Sơn chỉ ra khó khăn về tài chính do việc hiểu, nhận thức sai về quá trình tự chủ đại học ở phía cơ quan chủ quản của mình:

“Cơ quan chủ quản của trường Đại học Hàng hải Việt Nam luôn hiểu quá trình tự chủ là quá trình tự chi trả cho các chi phí thường xuyên của nhà trường. Đối với trường Đại học Hàng hải Việt Nam, chi phí để đào tạo nguồn nhân lực hơi khác với các trường khác một chút.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam ngoài hệ thống đào tạo các môn về kỹ thuật thì việc tổ chức huấn luyện tay nghề cho người đi biển phải tuân thủ theo quy định của tổ chức hàng hải quốc tế và quy chuẩn này phải đáp ứng theo tiêu chuẩn chung của các nước trên thế giới. Như vậy khi sinh viên chúng ta tốt nghiệp ra trường mới có thể vận hành tàu đi đến các nước trên thế giới được.

Lãnh đạo trường Đại học Hàng hải Việt Nam đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm có cơ chế để hỗ trợ những trường đặc thù về kinh phí. Ảnh: Doãn Nhàn

Lãnh đạo trường Đại học Hàng hải Việt Nam đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm có cơ chế để hỗ trợ những trường đặc thù về kinh phí. Ảnh: Doãn Nhàn

Trong quá trình đào tạo, một trong những trang thiết bị đòi hỏi nguồn lực rất lớn của nhà trường là tàu huấn luyện. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng học viên của trường phần lớn là các em xuất thân từ các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung nên điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, vì vậy việc nâng học phí để đáp ứng các chi phí huấn luyện rất khó.

Trong khi đó, tàu biển - thiết bị phục vụ cho việc huấn luyện yêu cầu phải hoạt động 24/7. Để làm nổi bật tính đặc thù riêng của ngành hàng hải, ông Sơn lấy ví dụ về thiết thiết bị phục vụ cho việc huấn luyện ở các ngành khác.

“Ví dụ như tàu huấn luyện khác hẳn cái ô tô hay cái máy bay. Ô tô, máy bay nếu không dùng để huấn luận thì chúng ta có thể tắt máy, cho đỗ nghỉ ở đó, nhưng tàu biển phải chạy 24/7 mà giá xăng dầu lớn như thế này thì chi phí cực kỳ lớn”.

Theo đó, ông Sơn cho biết khi xin kinh phí để hỗ trợ việc sử dụng các trang thiết bị huấn luyện chuyên ngành để duy trì chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu quốc tế rất khó vì chi phí này được xem là chi phí thường xuyên, do đó cơ quan chủ quản không duyệt chi cho những khoản này.

Do vậy, lãnh đạo trường Đại học Hàng hải Việt Nam đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm có cơ chế để hỗ trợ những trường đặc thù giống như ngành hàng hải trong việc xin kinh phí hỗ trợ.

Bên cạnh vấn đề tài chính, Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế cũng nêu lên vấn đề về công tác kiểm định đối với các chương trình tương đối đặc thù.

“Hiện nay, kiểm định khối kỹ thuật đã có, kiểm định khối kinh tế chúng ta cũng đã có nhưng riêng kiểm định đặc thù của khối ngành khoa học sức khỏe cho đến hiện nay, Việt Nam chưa có các tổ chức kiểm định được các tổ chức quốc tế trong khối ngành khoa học sức khỏe công nhận.

Kiểm định khu vực hay kiểm định đối với tiêu chuẩn của chúng ta đã được các trường làm và làm khá tốt, tuy nhiên để thực sự hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng từ năm 2013, chúng tôi thiết nghĩ kiểm định quốc tế đối với theo các lĩnh vực chuyên ngành vô cùng quan trọng”.

Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Do đó, ông Huy bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý lưu ý đến vấn đề này, “nếu không kiểm định quốc tế thì chưa thể thực sự hội nhập quốc tế được, nhất đối với khối ngành đặc thù. Công tác kiểm định là bằng chứng rõ nét nhất để giải trình với xã hội trong tiến trình tự chủ”, Hiệu trưởng trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế khẳng định.

Tự chủ đại học hiện nay giống như “con cua tự do vùng vẫy trong rọ”

Vấn đề tự chủ đại học đã được bàn luận nhiều, tuy nhiên nhận thức về tự chủ đại học vẫn chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, bộ ngành và các cá nhân liên quan.

Nhiều vấn đề về tự chủ đại học đã được bàn luận sôi nổi tại hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Nhiều vấn đề về tự chủ đại học đã được bàn luận sôi nổi tại hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nêu quan điểm: “Tôi chưa thấy có một nền giáo dục đại học nào thành công theo mô hình “tự túc”!”.

Chia sẻ tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Ninh Thụy - Trưởng ban Kế hoạch Tài chính, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã nêu lên 4 thách thức lớn liên quan đến tài chính đại học.

Theo ông Thụy, nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ thì sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời sẽ khiến các trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển quốc gia.

Các thách thức tài chính ông Thụy đưa ra bao gồm: (1) đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm; (2) Mức học phí tăng gián tiếp tạo ra "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu"; (3) Chính sách tín dụng cho sinh viên chưa hợp lý và (4) chưa thực sự đa dạng hóa nguồn thu ngoài học phí.

Bàn về quá trình tự chủ đại học trong thời gian vừa qua, Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y - dược thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:

“Nội việc tự chủ đại học không chỉ là tự chủ về tài chính, chúng ta cũng đã phải mất 10 năm để nhận thức được điều đó. Hiện tại quá trình tự chủ đại học vẫn còn diễn ra rất chậm, và càng chậm càng thiệt hại cho hệ thống giáo dục nói chung và cả hệ thống kinh tế xã hội đất nước”.

Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y - dược thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Nhàn

Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y - dược thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Nhàn

Lãnh đạo trường Đại học Y - dược thành phố Hồ Chí Minh đã ví quá trình tự chủ đại học hiện nay giống như bắt cua ở miền Tây. Khi bắt được cua, người nông dân cột dây để cua không cắn mình và cho nó vào rọ.

“Khi thực hiện tự chủ đại học, chúng ta mới chỉ cắt sợi dây cho con cua và cho nó tự do vùng vẫy trong cái rọ đó, còn con cua thực tế vẫn chưa thoát hẳn ra ngoài cái rọ kia”.

Giáo sư Tuấn lý giải, cái rọ chính là những ràng buộc hiện nay của luật, chính sách,... và đặt ra yêu cầu tháo gỡ để có bước chuyển tự chủ đại học mạnh mẽ hơn nữa và những hành động mạnh mẽ để không mất thêm 10 năm chuyển từ nhận thức thành hành động.

Doãn Nhàn