Những ngày gần đây, luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đang được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn học thuật. Một số quan điểm cho rằng nội dung đề tài nghiên cứu trên chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ, nhiều người còn bày tỏ sự “ngỡ ngàng” khi luận án này được bảo vệ thành công.
Luận án có tiêu đề "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thuộc chuyên ngành giáo dục học, được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Bản đầy đủ luận án có 126 trang A4, gồm có 3 chương, trong đó tại phần "Những đóng góp mới của luận án", theo nghiên cứu sinh này, luận án đã đánh giá thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy, còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; thiếu cộng tác viên cầu lông; công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế.
Luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh gây xôn xao trên nhiều diễn đàn học thuật. (Ảnh: Chụp màn hình) |
Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La...
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về luận án trên, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Ngô Việt Trung - Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho rằng, các nhà khoa học nghiêm túc sẽ không bao giờ cho thông qua những luận án như "tiến sĩ cầu lông".
Gốc rễ của vấn đề là do quy chế đào tạo tiến sĩ mới ban hành năm 2021 đã hạ thấp chuẩn đầu ra so với quy chế năm 2017, thậm chí còn thấp hơn quy chế trước năm 2017.
“Năm 2021, khi quy chế đào tạo tiến sĩ mới ban hành, lúc đó có người ví Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho nổ một quả bom "nổ chậm". Không cần phải đợi lâu, vừa qua chúng ta đã thấy hàng loạt thông tin "sốc" về đào tạo tiến sĩ.
Đầu tiên phải kể đến luận án tiến sĩ “cầu lông” thuộc chuyên ngành giáo dục học được bảo vệ tại Viện Khoa học thể dục thể thao. Sau đó là 16 luận án kiểu "Quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh ..." của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam...
Các luận án này rập theo vài khuôn mẫu. Cá nhân tôi cho rằng, nếu đánh giá đúng, luận án chỉ ở tầm báo cáo, khảo sát, cán bộ hành chính cũng có thể soạn được, không thể coi là công trình nghiên cứu khoa học. Đây cũng là thực tế đáng lo ngại về đào tạo tiến sĩ ở nhiều cơ sở hiện nay", Giáo sư Ngô Việt Trung nói.
Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết, đã có thời kỳ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được coi là “lò ấp” tiến sĩ, đào tạo trung bình mỗi ngày một người. Do áp lực dư luận nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2017, trong đó yêu cầu nghiên cứu sinh bảo vệ phải có công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín nhằm có sự đánh giá khách quan các kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên, sau khi quy chế này được áp dụng, nhiều cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội rơi vào tình trạng ế ẩm, không có học viên tiến sĩ nên Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành quy chế mới cùng những tiêu chuẩn còn thấp hơn quy chế trước năm 2017 với mục đích các cơ sở “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” về quá trình đào tạo.
"Đúng ra, khi chất lượng tiến sĩ có vấn đề, trách nhiệm sẽ thuộc về những người lãnh đạo và giảng viên ở cơ sở đào tạo những tiến sĩ đó. Thế nhưng, sau kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017, tôi cũng không rõ ai ở Viện hàn lâm Khoa học xã hội bị kỷ luật", Giáo sư Ngô Việt Trung chia sẻ.
Giáo sư Ngô Việt Trung cũng bày tỏ lo ngại bởi rất nhiều trường hợp được đào tạo từ những luận án như "tiến sĩ cầu lông” đã và đang trở thành lãnh đạo, giảng viên đại học, thậm chí tệ hơn khi họ là người hướng dẫn luận văn, luận án ở các cơ sở giáo dục, tiếp tục đào tạo những thế hệ giống như họ.
“Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không có những biện pháp kiên quyết thì hệ thống bằng cấp của chúng ta sẽ bị mục ruỗng toàn bộ. Theo tôi, cần có một quy chế chặt chẽ hơn trong đào tạo tiến sĩ, nên yêu cầu nghiên cứu sinh bảo vệ phải có công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín”, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nêu quan điểm.