Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học cơ sở có 2 môn học tích hợp được dư luận quan tâm, nêu ý kiến khá nhiều trong những năm qua, đó là: môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí bởi 2 môn học mới này được “tích hợp” từ 5 môn học độc lập của chương trình 2006.
Đến nay, 2 môn học tích hợp đang được giảng dạy ở lớp 6; lớp 7, đối với sách giáo khoa lớp 8 bản PDF và bản mẫu hiện nay đã được các nhà xuất bản gửi về các trường học để giáo viên đọc, nhận xét và lựa chọn cho năm học tới đây.
Nhìn vào đội ngũ hùng hậu, những “cây đa, cây đề” 5 chuyên ngành là tác giả của 2 cuốn sách tích hợp ở cấp Trung học cơ sở, có lẽ nhiều người sẽ chạnh lòng với những thầy cô giáo dạy 2 môn học này. Đa phần giáo viên dạy 2 môn học mới này chỉ có trình độ học cao đẳng sư phạm, sau đó học từ xa, tại chức lên đại học.
Bởi, trước khi có Luật giáo dục năm 2019 thì chuẩn trình độ giáo viên Trung học cơ sở là cao đẳng sư phạm, sau ngày 01/7/2020 thì chuẩn trình độ giáo viên Trung học cơ sở là đại học sư phạm hoặc tương đương.
Sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 8- bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có 15 tác giả (Ảnh: Nguyên Khang) |
Mỗi cuốn sách giáo khoa có hàng chục chuyên gia đứng tên tác giả
Theo Quyết định số 4606/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 8 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông có 42 đầu sách giáo khoa của nhiều nhà xuất bản khác nhau.
Trong đó, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến 2 cuốn sách giáo khoa: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí vì đây là 2 môn học mới so với trước đây.
Điều chúng tôi thấy trong Quyết định số 4606/QĐ-BGDĐT là đội ngũ tác giả sách giáo khoa của 2 môn học này khá hùng hậu, mỗi cuốn sách giáo khoa có hàng chục tác giả khác nhau và họ đều là những nhà khoa học, nhà giáo uy tín.
Cụ thể: Khoa học tự nhiên 8 (Cánh diều) của nhóm tác giả: Mai Sỹ Tuấn (Tổng Chủ biên), Đinh Quang Báo, Nguyễn Văn Khánh, Đặng Thị Oanh (đồng Chủ biên), Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đỗ Thị Quỳnh Mai, Lê Thị Phượng, Phạm Xuân Quế, Dương Xuân Quý, Đào Văn Toàn, Trương Anh Tuấn, Lê Thị Tuyết, Ngô Văn Vụ (13 tác giả).
Khoa học tự nhiên 8 (Kết nối tri thức với cuộc sống) của nhóm tác giả: Vũ Văn Hùng (Tổng Chủ biên), Mai Văn Hưng, Lê Kim Long, Vũ Trọng Rỹ (đồng Chủ biên), Nguyễn Văn Biên, Nguyễn Hữu Chung, Nguyễn Thu Hà, Lê Trọng Huyền, Nguyễn Thế Hưng, Nguyễn Xuân Thành, Bùi Gia Thịnh, Nguyễn Thị Thuần, Mai Thị Tình, Vũ Thị Minh Tuyến, Nguyễn Văn Vịnh (15 tác giả).
Lịch sử và Địa lí 8 (Chân trời sáng tạo) của nhóm tác giả: Nguyễn Kim Hồng (Tổng Chủ biên phần Địa lí), Phan Văn Phú (Chủ biên phần Địa lí), Trần Ngọc Điệp, Tạ Đức Hiếu, Hoàng Thị Kiều Oanh, Huỳnh Phẩm Dũng Phát, Phạm Đỗ Văn Trung; Hà Bích Liên (Chủ biên phần Lịch sử), Lê Phụng Hoàng, Nhữ Thị Phương Lan, Trần Viết Ngạc, Trần Văn Nhân, Nguyễn Văn Phượng, Hồ Thanh Tâm (14 tác giả).
Lịch sử và Địa lí 8 (Kết nối tri thức với cuộc sống) của nhóm tác giả: Vũ Minh Giang (Tổng Chủ biên xuyên suốt phần Lịch sử), Nghiêm Đình Vỳ (Tổng Chủ biên cấp THCS phần Lịch sử), Trịnh Đình Tùng (Chủ biên phần Lịch sử), Nguyễn Ngọc Cơ, Đào Tuấn Thành, Hoàng Thanh Tú; Đào Ngọc Hùng (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên phần Địa lí), Bùi Thị Thanh Dung, Phạm Thị Thu Phương, Phí Công Việt (10 tác giả).
Như vậy, trong số 4 cuốn sách giáo khoa được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 4606/QĐ-BGDĐT, chúng ta thấy cuốn sách giáo khoa có ít tác giả nhất là 10 người và cuốn có nhiều tác giả nhất là 15 người đứng tên Tổng Chủ biên, Chủ biên, đồng Chủ biên, tác giả.
Trong các tác giả này, mọi người dễ dàng nhận ra có nhiều chuyên gia đầu ngành của các môn học, nhiều tác giả tham gia viết chương trình tổng thể, chương trình môn học và có cả những gương mặt thân quen bởi họ đã là tác giả sách giáo khoa (đơn môn) ở chương trình 2006 đang được giảng dạy gần 20 năm qua.
Điều “thú vị” là sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí còn thể hiện rõ tác giả nào là Chủ biên phân môn nào một cách cụ thể, minh bạch trước dư luận. Song, từ đây cũng cho thấy một số vấn đề khiến nhiều người- nhất là đội ngũ giáo viên dạy 2 môn học tích hợp cảm thấy băn khoăn.
Bộ đã có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên Trung học cơ sở sẽ dạy cả môn tích hợp
Chúng tôi luôn biết rằng sự so sánh nào cũng sẽ khập khiễng, nhất là khi so sánh giữa những tác giả sách giáo khoa- những người có học vị, học hàm cao với những giáo viên Trung học cơ sở chỉ được đào tạo bài bản ở hệ cao đẳng, sau đó mới học hàm thụ đại học.
Thế nhưng, giữa chủ trương của Bộ, thực tế đang bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên 5 môn học: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí hiện nay để dạy 2 môn học tích hợp, chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề sẽ nổi lên và khó tìm được những giải đáp thỏa đáng.
Theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT, giáo viên các đơn môn hiện nay sẽ được bồi dưỡng từ 20-36 tín chỉ để về dạy cả môn học tích hợp bởi “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí”.
Thế nhưng, để cho ra 1 cuốn sách giáo khoa tích hợp ở lớp 8 và lớp 6, lớp 7 đã thực hiện thì các nhà xuất bản cần từ 10-15 tác giả để hoàn thiện. Nhưng, phần lớn tác giả phân môn nào sẽ viết phân môn đó.
Trong khi, cũng là kiến thức của môn tích hợp, Bộ chỉ cần 1 giáo viên phổ thông, có học vị thấp hơn nhiều và gần như không có giáo viên Trung học cơ sở ở các trường công lập dạy 2 môn này có học hàm. Nhưng, họ được yêu cầu dạy từ 2-3 phân môn trong 2 môn học này.
Rõ ràng, những khó khăn mà giáo viên dạy các môn học tích hợp sẽ gặp áp lực và khó khăn chồng chất.
Bởi lẽ, những tác giả sách giáo khoa cả đời (nhiều tác giả đã về hưu) chỉ dạy, nghiên cứu 1 môn học và viết 1 phân môn trong môn tích hợp mà “sạn” trong 2 môn học này đã được nhiều nhà giáo lên tiếng và “nhặt” trong thời gian qua.
Vì thế, liệu những nhà giáo Trung học cơ sở dạy từ 2-3 phân môn thì liệu họ có “sạn” không và nếu có, ai sẽ “nhặt giùm” họ trên lớp học? Vậy nên, hiệu quả giáo dục sẽ gặp bất cập, hạn chế và những thua thiệt này tất nhiên học trò phải chịu trận.
Thực tế đang diễn ra ở các trường Trung học cơ sở cho thấy, rất khó để 1 giáo viên dạy tốt cả môn học tích hợp- cho dù cả khi họ bồi dưỡng kiến thức xong theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT mà Bộ đã ban hành ngày 21/7/2021.
Bởi ngay cả tác giả viết chương trình, viết sách giáo khoa, giáo viên bồi dưỡng còn viết, còn dạy đơn môn thì đòi hỏi giáo viên Trung học cơ sở dạy cả môn học “tích hợp” có thực sự hợp lý hay không? Liệu rồi những thầy cô học đơn môn, nhiều người đã dạy đơn môn vài chục năm rồi, nay bồi dưỡng thêm vài chục tín chỉ có dạy được cả môn học tích hợp như chủ trương của Bộ đã đề ra?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.