Những năm gần đây, khi công nghệ thông tin phát triển, các phần mềm phục vụ cho ngành giáo dục ngày càng nhiều thì cũng là lúc mà thông tin cá nhân của giáo viên đang bị khai thác quá nhiều.
Không chỉ 1 mà nhiều phần mềm đang khai thác thông tin của các nhà giáo từ những phần mềm của Bộ, của các dịch vụ nhà mạng cũng đang yêu cầu giáo viên phải cập nhật đầy đủ những thông tin cá nhân và việc này diễn ra khá thường xuyên.
Chính vì vậy, nhiều giáo viên lo ngại trước thực trạng lọt, lộ thông tin cá nhân và thực tế nhiều thầy, cô giáo hiện nay liên tục bị quấy nhiễu, làm phiền từ việc đòi nợ vô cớ, thông báo những thông tin không có lợi, gây hoang mang cho một bộ phận thầy cô ở nhiều trường học.
Liệu giáo viên ở nhiều trường học có bị lợi dụng từ việc phải cung cấp thông tin cá nhân hay không?
Phần mềm điểm điện tử cũng yêu cầu giáo viên cập nhật thông tin cá nhân (Ảnh: Nguyễn Đăng) |
Rất nhiều phần mềm đang khai thác sâu thông tin cá nhân của giáo viên
Việc các tổ chức, cá nhân lừa đảo hiện ngày một nhiều và được phản ánh hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rất nhiều chiêu thức lừa gạt, dụ dỗ, đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản, tài khoản cá nhân đã xảy ra. Trong đó, nhiều giáo viên đang là nạn nhân.
Nhiều thầy cô giáo, trong đó có những thầy cô quản lý nhà trường đã bị những số điện thoại lạ gọi đòi nợ, nhắc nợ vì giáo viên trong trường vay mượn của các tổ chức tín dụng đen. Thậm chí, phụ huynh vay nhưng giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường cũng liên tục nhận được điện thoại đe dọa.
Nhiều thời điểm, có những đơn vị trường học có hàng chục thầy cô giáo trong trường bị các số điện thoại lạ gọi đến nhắc nợ vì phụ huynh vay tiền. Riêng, tin nhắn rác qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng, hỏi vay mượn tiền qua Messenger, zalo thì nhiều vô kể.
Vậy, nguyên nhân từ đâu mà các thông tin cá nhân của giáo viên đang bị lộ cụ thể như vậy? Nhiều giáo viên khi tiếp nhận các cuộc điện thoại lạ đã giật mình vì người gọi đến biết rõ họ tên, nơi ở, đơn vị công tác, dạy môn gì, email, căn cước công dân, lương hạng mấy, ngày nào vào ngành…
Điểm qua các phần mềm hiện nay đang được triển khai đến từng giáo viên trong những năm qua, giáo viên sẽ thấy có còn cái gì chưa bị khai thác cụ thể trên các phần mềm phục vụ trong các nhà trường đâu.
Phần mềm TEMIS cũng yêu cầu giáo viên cập nhật ảnh và những thông tin cá nhân (Ảnh: Nguyễn Đăng) |
Phần mềm TEMIS mà Bộ yêu cầu hàng triệu giáo viên phải cập nhật chuẩn nghề nghiệp mấy năm nay cũng đã khai thác khá cụ thể thông tin giáo viên.
Đó là: ảnh chân dung; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; dân tộc; giới tính; đơn vị công tác; chức vụ; dạy môn gì; trình độ học vấn; ngày vào ngành; thâm niên công tác; đang dạy lớp mấy…
Phần mềm tập huấn trực tuyến 9 module của Bộ triển khai đến đội ngũ giáo viên phổ thông đã yêu cầu cập nhật các thông tin bắt buộc: ảnh đại diện; họ tên; dân tộc; ngày sinh; giới tính; địa bàn công tác; số chứng minh thư/căn cước công dân; thư điện tử; điện thoại; trình độ chuyên môn; chức vụ; trình độ học vấn; chuyên ngành đào tạo; chức vụ khác; số năm kinh nghiệm giảng dạy/quản lý…
Thậm chí, phần mềm điểm điện tử cũng yêu cầu giáo viên phải cập nhật bắt buộc: họ tên; ngày sinh; giới tính; trạng thái giáo viên; chứng minh thư/ căn cước công dân; hình thức hợp đồng; trình độ; chuyên môn; ngạch giáo viên; bậc lương; hệ số lương; phụ cấp ưu đãi nghề; trình độ chuyên môn; kết quả chuẩn nghề nghiệp.
Ngoài ra, phần không bắt buộc có vô vàn những thông tin khác và nhiều giáo viên nếu không biết sẽ khai tuốt tuồn tuột như: nơi sinh; nơi ở, số bảo hiểm xã hội; tình trạng hôn nhân; email; chứng chỉ…
Khai thác thông tin cá nhân của giáo viên để làm gì?
Thực tế cho thấy, đa phần giáo viên dưới cơ sở rất lo lắng khi những thông tin cá nhân của mình liên tục bị khai thác sâu, kĩ vì trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đề cập đến những vụ lừa đảo mà bản thân nhiều giáo viên cũng liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn rác…hàng ngày.
Nhưng, nhà trường yêu cầu giáo viên cập nhật thông tin nên họ phải miễn cưỡng chấp hành, không làm thì không được.
Thế nhưng, cứ nhìn những phần mềm mà Bộ và các nhà mạng đang khai thác thông tin thì ai cũng nhìn thấy có rất nhiều thông tin đã bị khai thác quá chi tiết. Không biết, phần mềm tập huấn trực tuyến mà Bộ đã triển khai khai thác thông tin giáo viên như vậy để làm gì?
Cả nước có hơn 1 triệu giáo viên phổ thông đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường, giáo viên vừa tập huấn xong, các nhà mạng đã khóa phần mềm tập huấn tức thì vì liên quan đến kinh phí chi trả cho các nhà mạng.
Như vậy, chỉ có một thời gian ngắn là phần mềm tập huấn bị khóa, cớ gì mà lại khai thác sâu về thông tin cá nhân giáo viên. Trong khi, mục đích chính là tập huấn thì chỉ cần 1 tài khoản là giáo viên vào thực hiện công việc của họ, xong thì thôi.
Cớ sao lại để các nhà mạng yêu cầu giáo viên đưa ảnh đại diện, số điện thoại, căn cước công dân, email cá nhân…để làm gì?
Phần mềm điểm điện tử là một dịch vụ đang được mà các nhà mạng bán cho trường hàng năm, nhiệm vụ của giáo viên là cập nhật điểm số, nhận xét phẩm chất, năng lực cho học trò qua từng học kỳ, từng năm học.
Vậy, giáo viên cần gì phải cung cấp ngày sinh; giới tính; trạng thái giáo viên; chứng minh thư/ căn cước công dân; hình thức hợp đồng; trình độ; chuyên môn; ngạch giáo viên; bậc lương; hệ số lương; phụ cấp ưu đãi nghề; trình độ chuyên môn; kết quả chuẩn nghề nghiệp…cho các nhà mạng?
Các nhà mạng khai thác thông tin cá nhân của giáo viên để làm gì? Mục đích của việc khai thác này là gì? Trách nhiệm của ngành giáo dục ở đâu khi để các nhà mạng yêu cầu giáo viên phải cung cấp thông tin cá nhân lên các phần mềm?
Những thông tin cá nhân của giáo viên là của giáo viên, chứ đâu phải các đơn vị kinh doanh thích là yêu cầu cung cấp thông tin một cách cụ thể, chi tiết. Giáo viên cũng cần phải bảo vệ thông tin của mình không bị lộ, lọt ra ngoài, không bị lợi dụng để tránh bị làm phiền, tránh bị những cá nhân, tổ chức lừa đảo lợi dụng.
Giáo viên luôn băn khoăn, các đơn vị cung cấp phần mềm có nhất thiết cần khai thác thông tin sâu như vậy không? Các dữ liệu được thu thập về được bảo mật ra sao là điều giáo viên rất băn khoăn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.