Hiện nay, theo Nghị định 111/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, các trường không được phép hợp đồng biên chế trống (do thôi việc, nghỉ hưu chưa tuyển dụng được) và hợp đồng thay thế giáo viên nghỉ thai sản. Vì thế, ở không ít cơ sở giáo dục, nhà trường rơi vào thế khó.
Thực trạng này cũng được, Ủy ban nhân dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu trong công văn số 10521/UBND-SNV về nhu cầu biên chế giáo viên năm học gửi Bộ Nội vụ vào đầu tháng 8/2023.
Thầy giáo Nguyễn Văn Nam ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Năm học 2023-2024 trường tôi thiếu 02 giáo viên, trong đó có 01 giáo viên nghỉ hưu và 01 giáo viên nghỉ thai sản.
Dù thiếu 02 giáo viên so với biên chế đã được duyệt, nhưng nhà trường không được ký hợp đồng với các vị trí công việc đang trống. Vì thế phải chúng tôi phải dạy vượt tiết tiêu chuẩn, dù có thêm thu nhập nhưng rất vất vả.
Nếu được được ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài, mỗi người hợp đồng chỉ khoảng 5 triệu/ tháng, tính ra mỗi tiết dạy khoảng 65.000/tiết.
Khi chúng tôi dạy tăng tiết, tiết tăng giờ của tôi hơn 200.000/tiết. Nếu được ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài vào dạy, mỗi tháng chỉ tốn khoảng 10.000.000, nhưng số tiền thanh toán do giáo viên dạy dư giờ hàng tháng có thể lên đến 25.000.000 đồng.
Bài toán kinh tế rõ ràng không có lợi khi các cơ sở giáo dục không được ký hợp đồng với giáo viên để bù biên chế trống.
Điều đáng ngại hơn, số tiền chi tăng giờ cho giáo viên phải lấy từ nguồn chi cho hoạt động giáo dục, dẫn đến giảm kinh phí cho các hoạt động giáo dục khác, nên các cơ sở thiếu giáo viên phải tiết giảm hoạt động về mức tối thiểu do lo lắng thiếu kinh phí”.
Ảnh chụp màn hình văn bản Số 10521/UBND-SNV Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu |
Một giáo viên trên địa bàn Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Đơn vị tôi thiếu 04 giáo viên do chưa tuyển dụng đủ số lượng viên chức đã duyệt biên chế. Vì thế, tiền chi trả tăng giờ rất lớn, hoạt động giáo dục trở nên thiếu trước hụt sau.
Chắc chắn cuối năm 2023, giáo viên trường tôi sẽ không có tăng thu nhập do tiết kiệm chi, coi như không có tiền thưởng Tết.
Trong lúc đó, các trường không thiếu giáo viên sẽ có nguồn chi hoạt động lớn, học sinh được hưởng lợi, cuối năm giáo viên còn được thưởng tết hàng chục triệu đồng/người.
Không được hợp đồng giáo viên bù biên chế trống đã dẫn đến mất công bằng giữa nơi thiếu giáo viên và nơi thừa hoặc đủ biên chế”.
Như vậy, khi các cơ sở giáo dục không được phép hợp đồng biên chế trống sẽ gây bất lợi rất nhiều cho nhà trường.
Thực trạng bất cập này cũng được, Ủy ban nhân dân Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu trong công văn số 10521/UBND-SNV về nhu cầu biên chế giáo viên năm học gửi Bộ Nội vụ vào đầu tháng 8/2023.
Theo đó, Tỉnh “đề nghị Bộ Nội Vụ xem xét việc đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thuộc lĩnh vực giáo dục được ký kết hợp đồng lao động để thực hiện công việc chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên nghỉ thai sản và đối với trường hợp đã thực hiện tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng viên chức cần tuyển”.
Không được ký kết hợp đồng lao động để thực hiện công việc chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên nghỉ thai sản và đối với trường hợp đã thực hiện tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng viên chức cần tuyển đã ảnh hưởng đến giáo dục.
Giáo dục là ngành đặc thù, có những riêng biệt, tỷ lệ lao động nữ cao, nên nghỉ thai sản nhiều, bên cạnh đó hiện nay rất khó để tuyển đủ giáo viên, nên rất cần có chế độ hợp đồng dưới 12 tháng.
Từ thực tế, người viết kính mong Bộ Nội Vụ xem xét, sớm có văn bản hướng dẫn để các cơ sở giáo dục sớm được ký kết hợp đồng lao động để thực hiện công việc chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên nghỉ thai sản và đối với trường hợp đã thực hiện tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng viên chức cần tuyển.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-111-2022-ND-CP-hop-dong-mot-so-loai-cong-viec-trong-co-quan-hanh-chinh-510071.aspx