GV nghỉ việc, thi tuyển viên chức lại có được miễn tập sự, bảo lưu hệ số lương?

16/03/2024 07:51
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính làm căn cứ để xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng.

Vừa qua, Tòa soạn nhận được thư của một giáo viên tên T.T có địa chỉ mail nth....@gmail.com xin tư vấn về việc đã nghỉ việc, sau đó thi tuyển viên chức và nhận công tác tại một trường khác không được miễn tập sự, không được bảo lưu hệ số lương được nhận trước đó có đúng quy định của pháp luật hiện hành hay không?

Độc giả nêu: "Tôi là giáo viên có thâm niên công tác 17 năm có đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội tại trường trung học cơ sở công lập.

Đầu năm 2023, tôi hưởng lương giáo viên trung học cơ sở hạng III bậc 6 hệ cao đẳng hệ số 3,65.

Tháng 3/2023 tôi có bằng đại học liên thông.

Tháng 8/2023 tôi xin nghỉ việc và không rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đến tháng 1/2024, tôi trúng tuyển viên chức tại một trường trung học cơ sở tại một thành phố phía Nam, nhưng tôi phải tập sự theo quyết định của phòng Nội vụ và hưởng lương bậc 1 hệ đại học với hệ số 2,34.

Theo quy định thì giáo viên mới vào ngành phải tập sự 12 tháng nhưng tôi chỉ phải tập sự 7 tháng do khi tôi có bằng đại học được 5 tháng thì tôi nghỉ việc ở cơ quan cũ.

Tôi có thắc mắc với cơ quan chức năng tại địa phương thì được trả lời rằng theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.

Như vậy, do tôi mới có bằng đại học nên không được tiếp tục hệ số lương như trước. Trong khi trước đây chỉ yêu cầu giáo viên có bằng cao đẳng là đủ chuẩn.

Với cách xếp lương như vậy thì tôi quá thiệt thòi, nhiều năm cố gắng công tác hưởng lương thấp để trông chờ vào những năm sau này lương cao chút thì giờ phải tập sự lại như giáo viên mới ra trường. Trong khi tôi nhiều năm là giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở và chiến sĩ thi đua cấp tỉnh".

Độc giả băn khoăn: "Trường hợp của tôi có phải tập sự không? Thời gian tập sự là bao lâu? Tôi có được bảo lưu hệ số lương đã hưởng trước khi nghỉ việc hay không?".

gdvn-Lã Tiến 2.jpg
Ảnh minh họa

Bằng kiến thức cá nhân và căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật, xin được tư vấn trường hợp của bạn như sau:

Thứ nhất, được miễn tập sự nếu có thời gian làm việc đúng chuyên ngành và đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng

Do bạn trúng tuyển viên chức vào năm 2024 nên theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định Số: 1/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định 115/2020/NĐ-CP và Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định về thời gian tập sự như sau:

2. Thời gian tập sự được quy định như sau:

a) 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng;

b) 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng;

c) 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.

d) Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.

Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự.”

Thời gian tập sự của giáo viên công lập trúng tuyển theo yêu cầu trình độ đại học là 12 tháng.

Trước đây bạn đã có thời gian công tác 17 năm và có đóng bảo hiểm xã hội 17 năm nên theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định Số: 1/VBHN-BNV quy định các trường hợp được tuyển dụng vào viên chức không phải thực hiện chế độ tập sự nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm;

b) Thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục thì được cộng dồn), bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp đáp ứng điều kiện tại điểm a nhưng chưa đủ thời gian theo quy định tại điểm b thì thời gian đã công tác được trừ vào thời gian tập sự theo quy định.

Đối với các trường hợp không phải thực hiện chế độ tập sự được hưởng 100% tiền lương và các loại phụ cấp (nếu có). Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm.

Do bạn không nêu rõ trước khi nghỉ việc và nhận việc lại bạn có công tác đúng chuyên môn, nghiệp vụ hay không. Nên, người viết tư vấn cho bạn 2 trường hợp như sau.

Trường hợp 1: Nếu bạn làm đúng chuyên môn nghiệp vụ, giả sử nếu thời gian công tác 17 năm có đóng bảo hiểm xã hội của bạn có bằng cao đẳng sư phạm Toán giảng dạy môn Toán, sau đó bạn học nâng chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, bạn có bằng đại học môn Toán, thì trường hợp này được xem như là được bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm và thuộc đối tượng không phải tập sự.

Trường hợp 2: Bố trí công việc không đúng chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhận. Giả sử nếu bạn có bằng cao đẳng môn Lịch sử, được phân công giảng dạy môn Lịch sử, sau đó bạn học đại học môn Toán, được phân công giảng dạy môn Toán 5 tháng bạn xin nghỉ việc, sau đó bạn trúng tuyển viên chức ở đơn vị khác và giảng dạy môn Toán thì trường hợp này không được xem là bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm.

Trường hợp này áp dụng điểm b) khoản 2 Thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục thì được cộng dồn), bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trong trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bạn tập sự 7 tháng là phù hợp quy định hiện hành.

Thứ hai, có được bảo lưu hệ số lương trước khi nghỉ việc không?

Khoản 5 Điều 13 Nghị định Số: 1/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định 115/2020/NĐ-CP và Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định về việc xếp lương đối với người được tiếp nhận vào viên chức có thời gian đóng bảo hiểm xã hội và chưa rút 1 lần như sau:

“5. Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức theo quy định tại Nghị định này mà trước đó đã có thời gian công tác theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) thì thời gian đó được tính làm căn cứ để xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xếp lương đối với các trường hợp quy định tại khoản này.”

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp bạn có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 17 năm và chưa rút một lần được cấp có thẩm quyền xác nhận đáp ứng quy định trên thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 17 năm của bạn được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng.

Tuy nhiên, chức danh nghề nghiệp của bạn là chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) theo Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (hết hiệu lực 20/03/2021), áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số 2,10 đến hệ số lương 4,89), cụ thể là hệ số lương bậc 6 hệ số 3.65 tại Bảng 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Khi có bằng đại học vào tháng 3/2023 đến thời điểm nghỉ việc tháng 8/2023 tại đơn vị cũ thì bạn vẫn chưa được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giáo viên trung học cơ sở hạng III, mã số V.07.04.32 theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Do khi trúng tuyển tại đơn vị mới bạn có trình độ đại học nên bạn được bổ nhiệm vào chức danh Giáo viên trung học cơ sở hạng III, mã số V.07.04.32 theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Qua tra soát các quy định hiện hành, do bạn không còn được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số 2,10 đến hệ số lương 4,89), cụ thể là hệ số lương bậc 6 hệ số 3.65 tại Bảng 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) theo Thông tư liên tịch 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (hết hiệu lực 20/03/2021) nên khó có thể xếp lương bạn có hệ số lương 3,65.

Phần tư vấn có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp sẽ có cách giải quyết khác nhau. Bạn nên liên hệ Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ nơi bạn công tác để được giải đáp thỏa đáng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam